Biến đổi khí hậu có liên quan đến đột quỵ?
Theo một nghiên cứu mới, những ngày nắng nóng và những đợt lạnh giá cực đoan có thể góp phần làm tăng số ca tử vong và tàn tật do đột quỵ.
Khi biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ khắc nghiệt hơn, gánh nặng đột quỵ toàn cầu có thể tiếp tục gia tăng.
Nghiên cứu được công bố hôm 10/4 trên tạp chí Neurology, cho thấy vào năm 2019, biến đổi khí hậu có thể liên quan đến hơn nửa triệu ca tử vong do đột quỵ trên toàn thế giới.
Nghiên cứu dữ liệu trong ba thập kỷ (1990 đến 2019), các nhà nghiên cứu phát hiện ra mối tương quan ngày càng tăng giữa nhiệt độ cực cao và cực thấp với tỷ lệ tử vong và tàn tật do đột quỵ. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng, nghiên cứu này chưa chứng minh rằng biến đổi khí hậu gây ra đột quỵ mà chỉ cho thấy mối liên quan.
Tác giả nghiên cứu Quan Cheng, thuộc Bệnh viện Xiangya, Đại học Trung Nam Trung Quốc, cho biết: “Sự thay đổi nhiệt độ đáng kể trong những năm gần đây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ra mối lo ngại.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhiệt độ thay đổi này có thể làm tăng gánh nặng đột quỵ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nhóm dân số lớn tuổi và những khu vực có nhiều sự chênh lệch về dịch vụ chăm sóc sức khỏe".
Nhiệt độ khắc nghiệt đang gia tăng trên khắp thế giới. Theo báo cáo của cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus, các hiện tượng thời tiết từ cháy rừng dữ dội đến những đợt nắng nóng mùa hè thiêu đốt đã khiến năm 2023 trở thành năm nóng kỷ lục. Năm 2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 14,98 độ C – mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 1850.
Tiến sĩ Dylan Blaacquiere, nhà thần kinh học đột quỵ tại Bệnh viện Ottawa, nói với Global News rằng đây không phải là lần đầu tiên điều kiện môi trường được cho là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
“ Ví dụ, chúng ta biết có mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng. Vì vậy, tôi thấy ngạc nhiên nếu hóa ra có một số liên hệ tiềm ẩn giữa biến đổi khí hậu và đột quỵ”, ông nói.
Trong khi các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như huyết áp cao, hút thuốc, béo phì và tiểu đường đã được xác định rõ ràng, để điều tra xem liệu sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt trong những năm gần đây đóng vai trò trong tỷ lệ mắc đột quỵ thế nào, các nhà nghiên cứu từ trường đại học ở Trung Quốc đã xem xét hồ sơ y tế của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sau đó, họ kiểm tra số ca tử vong và tàn tật vì đột quỵ do nhiệt độ không tối ưu (nhiệt độ cao hoặc thấp) gây ra. Họ cũng chia dữ liệu thành các khu vực, nhóm tuổi và giới tính.
Theo đó, vào năm 2019, 521.031 ca tử vong do đột quỵ liên quan đến nhiệt độ không tối ưu. Ngoài ra, 9,4 triệu năm sống bị ảnh hưởng tình trạng khuyết tật do đột quỵ, liên quan đến nhiệt độ không tối ưu. Đây là tổng hợp của số năm sống bị mất do đột quỵ và số năm sống chung với bệnh tật sau đột quỵ.
Trên toàn cầu, nghiên cứu cho thấy, nam giới có gánh nặng tử vong do đột quỵ nặng hơn phụ nữ. Và Trung Á chịu gánh nặng lớn nhất ở cấp độ khu vực.
Tuổi tác cũng đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu tiết lộ rằng dù dân số cao tuổi thường phải chịu gánh nặng đột quỵ hơn, thì ở những vùng có nhiệt độ cao, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ từ 10 tuổi trở lên đang “tăng nhanh chóng và dự kiến sẽ còn leo thang hơn nữa trong những thập kỷ tới”.
Mặc dù nghiên cứu không kết luận biến đổi khí hậu gây ra đột quỵ nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết tại sao nó có thể có liên quan.
“Khi nhiệt độ thấp hơn, mạch máu của một người có thể co lại, làm tăng huyết áp. Còn nhiệt độ cao hơn có thể gây mất nước, ảnh hưởng đến mức cholesterol và dẫn đến lưu lượng máu chậm hơn, những yếu tố cũng có thể dẫn đến đột quỵ”, chuyên gia nói.