Biến chứng nguy hiểm của bệnh suy giãn tĩnh mạch 2 chi dưới và cách khắc phục
Suy giãn tĩnh mạch dù là bệnh lý thường gặp nhưng nếu không được phát hiện và điều trị thường xuyên có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như nhiễm trùng vết loét, chảy máu, huyết khối trong lòng tĩnh mạch…
Bệnh suy giãn tĩnh mạch 2 chi dưới là một bệnh lý thường gặp trong cộng đồng, trong đó 70% là nữ giới và có xu hướng ngày càng gia tăng ở cả 2 giới do sự thay đổi về điều kiện sinh hoạt và nếp sống.
Nữ giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới có thể do những yếu tố sau: ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình thai nghén là tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch chi dưới đặc biệt ở những người sinh đẻ nhiểu lần hoặc đa thai, thai to…; những người phải đứng lâu làm việc do đặc thù nghề nghiệp như bán hàng, thợ dệt may, chế biến thủy hải sản, giáo viên…; có thể do dùng giày dép không thích hợp như mang giày cao gót thường xuyên…. Ngoài ra, bệnh còn có thể gặp ở người béo phì, chế độ ăn ít chất xơ hoặc người cao tuổi…
Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch 2 chi dưới
Bệnh được xác định do tổn thương chức năng van một chiều của hệ thống tĩnh mạch 2 chi dưới. Ở cơ chế bình thường, máu tĩnh mạch từ chân trở về tim được duy trì theo một chiều đi lên là nhờ hệ thống van tĩnh mạch, lực hút do hoạt động của tim, co thành ngực và lực ép của cơ cẳng chân.
Tư thế sinh hoạt hoặc làm việc phải đứng lâu, ít vận động… làm máu dồn xuống 2 chân, tăng áp lực tĩnh mạch ở chân. Lâu ngày dẫn đến tổn thương van tĩnh mạch một chiều. Khi van này bị tổn thương sẽ gây ứ máu ở 2 chân và là nguyên nhân gây ra các biểu biện và biến chứng của bệnh về sau.
Biểu hiện của bệnh suy van tĩnh mạch 2 chi dưới
Bệnh có biểu hiện khác nhau qua từng giai đoạn.
Giai đoạn đầu: các triệu chứng thường mờ nhạt, thoáng qua làm người bệnh rất dễ bỏ qua bao gồm: cảm giác căng tức 2 cẳng chân, đau nhức, mỏi chân, có thể có cảm giác phù nhẹ ( đi dép thấy chật chân) khi đứng lâu hoặc ngồi lâu. Cảm giác tê bì như có kiến bò, chuột rút vào buổi tối. Các mạch máu nhỏ li ti dưới da vùng cổ chân và bàn chân lúc có, lúc không.
Giai đoạn sau: Bệnh nhân có biểu hiện phù chân, có thể gặp phù ở mắt cá chân. Vùng da cẳng chân đổi màu sắc do ứ máu lâu ngày( có thể có màu xanh, tím…). Các tĩnh mạch dưới da căng phồng tạo thành búi dễ dàng quan sát thấy và gây cảm giác đau nhức.
Giai đoạn biến chứng là giai đoạn nặng nề nhất của bệnh với những biến chứng như:
- Nhiễm khuẩn vết loét: Trên da của 2 chân xuất hiện các vết loét khiến người bệnh đau rát và ngứa. Lúc đầu, các vết loét còn khá nông, sau một thời gian, chúng lan rộng và sâu hơn, có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Chảy máu nặng do vỡ búi tĩnh mạch: Các tĩnh mạch nông dưới da căng phồng có thể bị vỡ do va chạm hoặc không, gây hậu quả chảy máu nặng. Huyết khối tĩnh mạch (hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch).
- Huyết khối tĩnh mạch nông: các tĩnh mạch nông hiện lên rõ rệt trên da và dễ dàng quan sát được bằng mắt. Khi sờ vào các tĩnh mạch thấy căng và có độ đàn hồi, gây cảm giác đau nhức.
Huyết khổi tĩnh mạch sâu là biến chứng nguy hiểm nhất do cục máu đông hình thành bên trong lòng các tĩnh mạch ở sâu. Khi cục máu đông di chuyển theo dòng máu trở về tim, có thể gây tắc các động mạch phổi khi máu đi qua phổi gây ra bệnh lý thuyên tắc động mạch phổi. Bệnh biểu hiện đột ngột khó thở dữ dội, tím tái, suy hô hấp và có thể tử vong nhanh chóng. Điều trị bệnh thuyên tắc động mạch phổi thường rất khó khăn và hiện nay chỉ các cơ sở y tế lớn mới có thể triển khai được.
Ngoài việc khám bệnh và tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, có một số biện pháp có thể áp dụng hàng ngày giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh và giảm nguy cơ biến chứng về sau bao gồm:
- Các bài tập cho người bị suy giãn tĩnh mạch gồm: nâng cẳng chân, tập nhón chân, xoay cổ chân, nâng chân lên và đạp ra xa… có thể thực hiện khi nằm hoặc ngồi.
- Chọn giày dép phù hợp: đặc biệt với phụ nữ, cần tránh mang giày cao gót mà nên chọn giày đế thấp vì nó giúp hoạt động cơ bắp tốt hơn.
- Tránh mặc quần áo bó sát, đặc biệt là bó sat vùng hông ,eo và cẳng chân vì nó ngăn cản máu lưu thông trở về tim. Ưu tiên chọn những trang phục chất liệu thoái mái, rộng phần hông và cạp.
- Nâng cao chân khi ngủ bằng cách kê dưới chân hai hoặc ba chiếc gối. Tư thế này sẽ tạo thuận lợi cho máu về tim dễ dàng hơn.
- Tránh ngồi hoặc đứng một tư thế trong thời gian dài: Hãy thay đổi vị trí, tư thế đứng thường xuyên để kích thích lưu thông máu.
- Giảm cân: Đổi với những người béo phì, giảm cân là một cách giúp giảm áp lực lên hệ thống tĩnh mạch.