Biến chủng Delta "chia đôi" thế giới: Tiếp tục biện pháp hạn chế hay sống chung với dịch bệnh?
Mức độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đã đặt các nước trước hai lựa chọn: Tiếp tục các biện pháp hạn chế hoặc chấp nhận "sống chung với lũ".
Từ châu Âu tới châu Mỹ hay châu Á, biến chủng Delta đang trở thành mối nguy hiểm đe dọa kế hoạch mở cửa trở lại của các nước.
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đang đe dọa hy vọng về một mùa hè bình thường, ngay cả khi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao giúp thúc đẩy việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cũng như nối lại hoạt động du lịch.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, biến thể Delta đang tạo nên làn sóng lây nhiễm mới ở các nước vốn đã chật vật đối phó đại dịch như Ấn Độ, đồng thời khiến các quốc gia phải thận trọng trong việc kiểm soát biên giới. Chiến lược này giúp kiểm soát tốt dịch COVID-19 lây lan, hạn chế số ca tử vong, nhưng cũng tác động lớn đến kinh tế và hoạt động đi lại của người dân, trong khi những khu vực khác trên thế giới đang hướng tới cuộc sống hậu đại dịch.
Nhiều quốc gia như Thái Lan, Australia, New Zealand tiếp tục kéo dài phong tỏa nội địa do lo ngại biến chủng Delta tạo nên các ổ lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, dựa trên góc độ khoa học, nhiều nhà nghiên cứu nhận định, sự xuất hiện của những biến thể mới cho thấy, các nước cần học cách sống chung với virus SARS-CoV-2 và kiểm soát nó, thay vì đóng chặt cửa biên giới.
Các nước cần học cách sống chung với COVID-19 và kiểm soát nó, thay vì đóng chặt cửa biên giới. (Ảnh: AP)
Gánh nặng phục hồi nền kinh tế và tâm lý chán nản với những quy tắc phòng dịch có thể khiến nhiều quốc gia sớm dỡ bỏ các hạn chế. Chính vì thế, cần phải đẩy nhanh tiêm vaccine trên toàn cầu để có thể tạo nên miễn dịch cộng đồng bên cạnh việc từng bước dỡ bỏ hạn chế một cách thận trọng, qua đó thế giới sẽ không bị chia rẽ bởi rào cản virus.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến thể Delta là loại "dễ lây truyền nhất" trong số các biến thể đã được phát hiện và đang nhanh chóng lây lan ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phân phối vaccine.
Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, số ca nhiễm biến thể Delta đang làm gia tăng sức ép cho các nhân viên y tế và bệnh viện tại ít nhất 85 quốc gia. WHO kêu gọi, các quốc gia cho phép tiêm trộn vaccine để giải quyết bài toán nguồn cung.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) cảnh báo, biến thể Delta có thể là chủng virus thống trị ở châu Âu vào tháng 8 tới. ECDC cũng dự đoán rằng, biến thể Delta sẽ là nguyên nhân gây ra 70% các ca mắc mới ở Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu vào đầu tháng 8. Đến cuối tháng 8, con số này có thể đạt 90%.