Bị tố đạo nhái bộ truyện nổi tiếng xứ Đài, Denis Đặng phủ nhận lời quy chụp của antifan
Denis Đặng đã chính thức lên tiếng khi hình tượng Bạch Liên của anh trong MV "Canh Ba" bị cho là đạo nhái bộ truyện nổi tiếng xứ Đài.
MV đam mỹ Tự Tâm 2 - Canh Ba của Nguyễn Trần Trung Quân - Denis Đặng vẫn đang chễm chệ ở vị trí Top 2 Trending YouTube sau nhiều ngày oanh tạc làng nhạc. Với câu chuyện tiếp diễn phần đầu Tự Tâm, Canh Ba khiến người xem nổi da gà vì mang đến tình tiết Hoàng Thượng - Trung Quân cố níu giữ mối tình vô vọng với Bạch Liên - Denis Đặng dù cho lúc này Bạch Liên đã không còn sự sống.
Loạt cảnh quay Hoàng Thượng sống cùng rồi tổ chức đám cưới với Bạch Liên vào nửa đêm khiến người xem không khỏi rùng mình. Sự sáng tạo của Denis Đặng - Trung Quân ở sản phẩm Canh Ba đã được nâng lên 1 bậc.
Tuy nhiên, khi chưa kịp hưởng trọn niềm vui vì nhận được nhiều lời khen ngợi, Trung Quân - Denis Đặng đã đón hàng tá lời chỉ trích từ cộng đồng mạng. Một số khán giả cho rằng Denis Đặng đạo nhái bộ truyện nổi tiếng xứ Đài mang tên Phích Lịch Bố Đại Hí.
Cung Vô Hậu trong Phích Lịch Bố Đại Hí được biết đến với tạo hình là một nhân vật lạnh lùng, trời sinh bên mắt phải có giọt huyết lệ, tính cách méo mó biến thái tàn nhẫn, khoác trên mình bộ cổ phục màu đỏ tươi như máu. Theo như nhiều cư dân mạng thì tạo hình nhân vật của Denis Đặng giống đến 90% so với nhân vật trong Cung Vô Hậu.
Trước lời đồn đoán không hay về mình, Denis Đặng đã có những chia sẻ đầu tiên. Chàng Giám đốc Sáng tạo trẻ cho biết: "Từ trong buổi họp báo ra mắt MV, Denis đã chia sẻ là Canh Ba không phải 100% sát sử Việt Nam mà có sự kết hợp các yếu tố văn hóa của Châu Á gài gắm hình ảnh Việt Nam vào. Để sản phẩm thú vị, gần gũi với khán giả toàn khu vực đồng thời khiến mọi người biết rằng sản phẩm có những yếu tố đậm màu sắc văn hóa Việt Nam, Denis cũng đã thêm thắt những chi tiết như đám cưới bằng võng, đèn dầu, áo dài xẻ 4 tà, áo giao lĩnh cổ phục Việt Nam".
"Về hình tượng chiếc mũ thì đây là nét đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản và đã được dùng ở 1.001 sản phẩm chứ không riêng gì ở bức ảnh mà mọi người đang quy chụp. Dạng mũ như trong bức ảnh được sử dụng rất nhiều, chẳng hạn như mũ lương quan, mũ bình đính, lục lăng. Vì cơ bản là tạo hình Á Đông sẽ có những biểu tượng riêng biệt, không thể nói là đạo được" - Denis Đặng chia sẻ thêm.