Bí thuật của người đàn bà được đồn đoán cao siêu hơn cả Võ Tắc Thiên vì "điều khiển" được đàn ông
Những người tình của người phụ nữ này không chỉ đơn giản giúp bà thỏa mãn chuyện gối chăn, họ còn là người tài giỏi, làm cánh tay đắc lực trong chính sự.
Võ Tắc Thiên của Trung Quốc từ lâu đã trở thành biểu tượng của người đàn bà quyền lực nhất chế độ phong kiến nhưng ít ai biết rằng, ở thế kỉ 18 đã từng có một Catherine Đại đế - người cai trị nước Nga suốt 34 năm không kém Võ Tắc Thiên chút nào. Không những làm đất nước hưng thịnh, dân chúng ấm no, Nữ hoàng Catherine II còn nổi bật với hàng loạt các chiến tích tiêu biểu không kém bất cứ người đàn ông nào trong lịch sự. Đặc biệt là những câu chuyện tình ái.
Cuộc hôn nhân sắp đặt với người chồng hội tụ đủ mọi "tinh hoa"
Vào năm 1744, cô gái trong sáng 14 tuổi Sophie (sau này đổi tên thành Catherine) được đưa đến cung điện Nga với tư cách là một Hoàng hậu tương lai do mẹ cô là Công chúa Johanna Elizabeth sắp đặt. Bởi những toan tính ngoại giao chiến lược, Sophie được chỉ định cưới Thái tử nước Nga, Pyotr III.
Tranh vẽ Catherine Đại đế
Sophie sau khi sống trong môi trường mới, có cơ hội gần gũi vị hôn phu của mình hơn thì cô mới nhận ra một điều: Pyotr III quá trẻ con và non nớt, anh ta chỉ mải chơi mà quên đi xứ mệnh nối ngôi của mình. Không lâu sau đám cưới, chú rể mắc bệnh đậu mùa nên có những biến chứng ảnh hưởng rất nhiều đến ngoại hình. Khuôn mặt anh ta sưng phồng và lỗ chỗ toàn sẹo, đến mức Catherine cảm thấy vô cùng "đáng sợ khi nhìn vào". Nó như một điềm báo xấu về cuộc sống hôn nhân sau này.
Sau khi mẹ Catherine rời đi khi con gái đã yên bề gia thất, cuộc hôn nhân hoàng gia bắt đầu rơi vào địa ngục. 2 vợ chồng Catherine gần như không còn sự gắn kết nào về mặt tình cảm với nhau. Pyotr III vừa tỏ ra yếu kém lại có tư tưởng khác xa Catherine, đặc biệt từ sau khi lấy chồng, bà không một lúc nào cảm thấy sự đàn ông trong Pyotr III từ việc nước đến việc nhà, thậm chí cả chuyện chăn gối. Có nhiều tài liệu ghi lại, Catherine liên tục bị chồng hiềm khích và nhạo báng bằng những từ ngữ không hay khiến bà ấm ức suốt một thời gian dài. Đỉnh điểm là Catherine từng chia sẻ: "Sau những con chó, tôi là sinh vật khốn khổ nhất thế giới".
Tạo hình Catherine trong phim
Năm 1761, Nữ hoàng Elizaveta qua đời, con trai Pyotr III kế vị. Catherine đã chính thức trở thành Hoàng hậu nước Nga. Nga hoàng Pyotr III, từ nhỏ đến năm 14 tuổi sống trong Hoàng cung nước Phổ nên khi được đưa trở về Nga, ông không thích cuộc sống nước Nga và chỉ tôn thờ nhà vua nước Phổ. Vì vậy, ngay khi lên ngôi, Nga hoàng Pyotr III đã tiến hành đàm phán với nước Phổ hoàn trả hết đất đai đã bị quân đội Nga chiếm đóng cho vua Phổ Friedrich II Đại đế... Một loạt những hành động của một vị vua mới kế vị gây phẫn nộ trong hàng ngũ sĩ quan, giới quý tộc và giới tăng lữ.
Sẵn tình cảnh đồng sàng dị mộng đã lâu, Catherine đã đứng lên tổ chức đảo chính lật đổ người chồng phản bội đất nước và tự mình thực hiện trọng trách cai trị.
"Xưng vương nạp thiếp" và sử dụng đàn ông như một công cụ của người đàn bà quyền lực
Bên cạnh thành tích phát triển đất nước thì người ta còn đồn đoán về Catherine như một "nữ hoàng tình dục". Có rất nhiều giai thoại kể về các mối tình của vị Hoàng đế này với nhiều người đàn ông ở các độ tuổi.
Kể từ khi lấy chồng cho đến khi qua đời ở tuổi 67, Catherine Đại đế có rất nhiều người tình. Theo sử liệu nước Nga thống kê, thì tình nhân của vị Nữ hoàng này ít nhất là… 18 người, bao gồm trai tráng khỏe mạnh, đẹp trai tài ba, thuộc đủ mọi tầng lớp. Những chàng trai được vinh dự hầu hạ vị nữ đế vương này cũng phải trải qua các vòng kiểm tra sức khỏe gắt gao.
Tuy nhiên, những người tình của Catherine không chỉ đơn giản giúp bà thỏa mãn nhu cầu sinh lý, họ còn là người tài giỏi, làm cánh tay đắc lực trong chính sự. Không thể phủ nhận sự thông minh, quyết đoán của Catherine nhưng bà là một người phụ nữ sẵn sàng bất chấp để đạt được mục đích. Catherine đã sử dụng tình dục như một công cụ để bảo đảm và mở rộng quyền lực chính trị của mình.
Mỗi cuộc tình của Catherine luôn có một sự tính toán nhất định, dù sự tính toán đó là rất cần thiết cho vận mệnh của đất nước. Yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất, Catherine nâng người yêu của mình lên một vị thế nhất định để bà có thể tin tưởng và sai khiến họ. Lý do cho cái tình yêu vụ lợi là bởi bà không thể tin vào bộ máy quan liêu hệ thống của đất nước đa số là tầng lớp quý tộc luôn chống lại bà.
Tạo hình Catherine trong phim
Ví dụ, bà đã đặt Stanisław August Poniatowski - một người yêu cũ lên ngai vàng của Ba Lan chỉ để đảm bảo rằng bà hoàn toàn có thể kiểm soát "người hàng xóm" phía đông của Nga.
Ngoài ra, Catherine còn "khai thác" triệt để hai người tình của mình: Grigory Orlov và Grigory Potemkin một cách thành công nhất. Đó là sự trợ giúp đắc lực của Orlov - người quan trọng trong việc Catherine chiếm đoạt ngai vàng Nga từ Peter III.
Còn Potemkin sau này trở thành người chồng bí mật của vị Hoàng đế nữ quyền. Không những thế, trong hàng loạt người tình, Potemkin là người được Catherine sủng ái nhất. Bà phong cho ông nhiều danh hiệu và tiền bạc hơn bất kỳ ai khác, thậm chí còn xây dựng cả cung điện Tauride - một trong những cung điện lớn nhất ở Saint Petersburg như một món quà cho "quý phi" của mình.
Đồng thời với sự ưu ái là trách nhiệm cao cả. Catherine Đại đế phong cho Potemkin là Hoàng tử của Đế quốc Nga bởi ông đã góp công bình định các tỉnh thành và là chỉ huy tài giỏi của lực lượng quân đội Nga trong cuộc chiến năm 1787 với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng dù có sủng ái thế nào, các tình nhân của Catherine cũng không thể can thiệp vào quyết sách của Nữ hoàng trong việc trị nước. Dù cho vô cùng phóng đãng, Catherine Đại đế là người công tư phân minh, không thể để chuyện tình ái làm mờ lý trí.
Thật hiếm có người đàn bà nào mà có bản lĩnh chống lại thời cuộc khi từ thân gái mềm yếu đứng lên thống trị cả một đất nước hùng mạnh và biến đàn ông trở thành quân cờ trong tay.
Nguồn: Independent, Allthatsinteresting