Bị thầy cô bạo hành, trẻ khóc lớn, ánh mắt hoang mang, sợ hãi khi bố mẹ đưa đến trường
Trước việc 3 bảo mẫu trường Mầm Xanh có hành động bạo hành một cách dã man với trẻ, nhiều phụ huynh lo lắng không biết làm cách nào để nhận ra con em bị bạo hành trong khi chúng còn quá nhỏ. Những chia sẻ sau đây sẽ giúp bố mẹ an tâm hơn trong việc chăm sóc con cái.
Cảm giác sợ hãi khi tiếp xúc với mọi người
Ngày 28-11, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ (TS) Xã hội học Phạm Thị Thúy - Chuyên viên tham vấn tâm lý NVH Phụ nữ TP.HCM để rõ hơn về những dấu hiệu, tâm lý của trẻ em khi bị áp lực từ cuộc sống, đặc biệt là gặp phải bạo hành từ thầy cô, bạn bè, thậm chí cả người thân trong gia đình.
Nhiều phụ huynh, người dân bức xúc trước hành động bạo hành một cách dã man trẻ em ở cơ sở Mầm Xanh.
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy - Chuyên viên tham vấn tâm lý NVH Phụ nữ TP.HCM.
Theo TS Thúy, tùy vào mức độ trẻ em bị bạo hành như thế nào sẽ có những biểu hiện khác nhau, nhưng nhìn chung với những trẻ đang gặp phải vấn đề bạo hành, các bé đều tỏ ra chịu đựng và sợ tiếp xúc với người khác, sợ đám đông.
"Có thể trẻ sẽ hay quấy khóc, biếng ăn hay mất ngủ thường xuyên. Trong giấc ngủ của các bé kèm theo những cơn mộng, ám ảnh về hành động của những người khác tác động, bạo hành lên thân thể bé. Nếu trong lúc ngủ, bé hay giật mình, ngủ không ngon hoặc hay đái dầm, mút tay… là những biểu hiện của sự sợ hãi. Khi đó, các bé cũng sẽ thu mình lại, nhút nhát, ngại nói và ngại chia sẻ với mọi người. Đặc biệt, nếu gặp phải áp lực từ đám đông, các bé sẽ khóc thét và sợ hãi bám víu vào bố mẹ", TS Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Bà Linh dùng bình nhựa đập liên tiếp vào đầu bé gái gây phẫn nộ.
Hai bé gái bị bảo mẫu Linh bạo hành.
Về những biểu hiện bên ngoài của các bé có nguy cơ bị bạo hành, TS Thúy cũng cho biết, ở ánh mắt các bé tiềm ẩn sự hoang mang, vẻ lo sợ, vô hồn sẽ được thể hiện trên khuôn mặt. Đặc biệt, nếu người bạo hành bé là thầy cô, bạn bè, bé sẽ rất sợ hãi khi bố mẹ chở đi đến trường, thường xuyên không dám đi học, khóc lớn… bố mẹ cần tinh tế hơn để nhận ra những biểu hiện tưởng chừng rất bình thường này. Bởi đa phần các bố mẹ đều nghĩ con mình lười học, làm biếng nên thay vì tìm hiểu nguyên nhân lại quát mắng, ép buộc con đến trường mỗi ngày. Điều này vô cùng tai hại, nếu bé đang bị bạo hành, chính bố mẹ là người tiếp tay cho những việc làm sai trái ấy.
Nếu phát hiện con mình có dấu hiệu bị bạo hành, bố mẹ nên làm gì? Đó là câu hỏi mà mỗi ông bố, bà mẹ sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, tuy nhiên không phải ai cũng đưa ra được câu trả lời chính xác, giảm áp lực và bồi đắp những tổn thương, giúp trẻ thoát những ám ảnh về bạo hành một cách tốt nhất.
Chị T. bức xúc khi xem clip con mình bị bảo mẫu bạo hành.
Nhiều phụ huynh ôm con đến cơ sở Mầm Xanh để hỏi chuyện.
Theo TS Phạm Thị Thúy, điều đầu tiên các bậc phụ huynh nên làm là hãy ôm các bé vào lòng, vỗ về các bé để trấn an tâm lý trước. Hãy tỏ ra quan tâm, yêu thương con nhiều hơn để xoa dịu đi nỗi ám ảnh mà các bé đang gặp phải. Đặc biệt, không nên gặng hỏi hay tiếp tục khơi gợi lại nỗi đau mà các bé bị bạo hành gặp phải, đừng ép các bé phải nhớ.
Để làm được điều đó, việc bố mẹ cần phải đưa các bé đi chơi, dành thời gian để chơi với con nhiều hơn để tạo ra bầu không khí gia đình yêu thương, vui vẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên chiều chuộng các bé một cách quá đà vì nghĩ rằng đang bồi đắp tổn thương cho các bé. Bởi vì vậy, sẽ khiến các bé không biết điều gì được làm và điều gì không được làm, điều này khiến khó dạy trẻ trong tương lai.
"Bố mẹ cần đưa con đi khám bác sỹ để chữa trị những vết thương thể chất. Và đặc biệt cha mẹ cần đưa con đi gặp các chuyên viên tâm lý để được hỗ trợ tâm lý cho cả cha mẹ và con khi thấy con có những biểu hiện bất thường kéo dài hay bất cứ biểu hiện nào mà cha mẹ thấy bất an. Những tổn thương về tâm lý với trẻ bị bạo hành sẽ kéo dài và biểu hiện đa dạng. Các nhà chuyên môn thăm khám sẽ đánh giá vấn đề ở trẻ và giúp đỡ trẻ, giúp đỡ gia đình khi cần thiết", TS Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Một bé trai khóc thét khi được gia đình chở đến nơi mình đã bị bạo hành.
Nếu trong trường hợp các bé bị bạo hành nặng, chịu tổn thương lớn thì nên cách ly bé ra khỏi người, nơi mà bé bị bạo hành. Không chỉ có những bé bị bạo hành, những đứa trẻ chứng kiến bạn mình bị bạo hành cũng cần được quan tâm nhiều hơn vì những ảnh hưởng gián tiếp sẽ tác động đến bé. Các em cũng có thể có những ảnh hưởng tương tự như những em bị đánh. Thậm chí có bé sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn, ám ảnh nhiều hơn cả các bé bị đánh trực tiếp.
Chủ cơ sở Mầm Xanh có thể bị phạt 3 năm tù
Cũng trong ngày 28-11, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam với bảo mẫu Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở Mầm Xanh) để điều tra làm rõ về hành vi "hành hạ người khác" theo khoản 2 Điều 110 BLHS năm 1999.
Bà Linh, chủ cơ sở đã bị bắt tạm giam để điều tra.
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư gia đình, thuộc đoàn luật sư TP.HCM.
Riêng với 2 bảo mẫu Đào và Quỳnh, hiện cơ quan điều tra cũng đang tích cực tìm kiếm để mời về cơ quan làm việc.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư gia đình, thuộc đoàn luật sư TP.HCM cho biết, với những hành động bạo hành một cách dã man nhiều trẻ nhỏ như vậy, bà Linh có thể chịu mức án cao nhất của khung hình phạt "Hành hạ người khác" là 3 năm tù giam.
Theo luật sư Hùng phân tích, việc hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình như đánh đập, giam hãm, đối xử tệ bạc... Ngoài ra, những hành vi như đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc cũng là một trong những hình thức hành hạ người khác. Trong trường hợp này, bảo mẫu Linh đã hành hạ trẻ em, mức phạt của khung này từ một đến ba năm tù.
Nhiều người dân xem clip bảo mẫu bạo hành trẻ.
Cơ sở Mầm Xanh tạm thời bị đóng cửa để điều tra.
Ngoài ra, hiện các bé bị bảo mẫu Linh hành hạ chưa xác định được thương tích, nếu các bé được giám định có thương tích thì ngoài mức phạt tối đa 3 năm kể trên, bảo mẫu Linh còn phải đối diện với mức án kèm theo của tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" được quy định tại Điều 104 BLHS. Cụ thể
Khoản 1: Thương tích từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khoản 2: Thương tích 31% đến 60% thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Khoản 3: Thương tích từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm…..
Khoản 4: Nếu chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Với các hành vi trên, sau khi Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cần làm rõ thương tích của các bé, đồng thời phải áp dụng mức xử phạt nặng để răn đe, làm gương cho những người khác trước việc làm tổn thương thân thể, tinh thần của trẻ em.