Bí quyết làm snack khoai tây lành mạnh, thơm ngon đẹp mắt
Nhìn qua, nhiều người sẽ tưởng đây là những chiếc bánh ngọt chứ chẳng phải snack khoai tây!
Vẫn là khoai tây thôi nhưng làm theo gợi ý của chúng tôi trong bài viết này, bạn sẽ có ngay một món ăn vặt vừa ngon bổ, vừa lạ miệng và đẹp mắt. Đảm bảo cả người lớn lẫn trẻ con đều thích.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm snack khoai tây
1. Khoai tây: 400gr
2. Bơ nhạt Anchor: 25-30gr
3. Muối: 1 ít
Cách làm snack khoai tây
- Bước 1: Sơ chế và luộc/hấp khoai tây
Bạn nạo vỏ khoai tây và thái khoai thành những miếng nhỏ. Sau đó rửa khoai tây khoảng 3-4 lượt nước để khoai nhả bớt nhựa rồi cho khoai vào nồi, đổ nước ngập xâm xấp mặt khoai và luộc khoảng 8-10 phút.
- Bước 2: Nghiền khoai tây
Bạn cho phần khoai tây đã luộc/hấp chín vào bát cùng 1-2 thìa cà phê muối và dùng thìa/dĩa dầm nhuyễn. Sau đó, thêm vào 25-30gr bơ lạt Anchor và tiếp tục trộn kỹ để bơ tan ra, quện vào khoai tây.
Tiếp theo, bạn rây hỗn hợp khoai tây trộn bơ qua rây lọc để tăng thêm độ nhuyễn mịn rồi cho hỗn hợp vào túi bắt kem.
- Bước 3: Nướng snack khoai tây
Bạn làm nóng nồi chiên không dầu hoặc lò nướng ở mức nhiệt 200 độ trong 3-5 phút. Trong thời gian đợi làm nóng nồi chiên/lò nướng, bạn đặt 1 tờ giấy nến vào khay nướng và bóp nhẹ túi bắt kem để tạo hình snack khoai tây.
Tiếp theo, bạn nướng snack khoai tây ở mức nhiệt 170-180 độ trong 30 phút.
Sau khi nướng, bạn đợi cho khoai tây nguội hoàn toàn rồi bảo quản trong hộp kín, để ở nơi thoáng mát là có ngay món ăn vặt dùng được cho 3-5 ngày rồi!
Làm thế này, từng miếng snack khoai tây không chỉ giòn mà còn ngậy mùi bơ, ăn miếng nào, mê miếng ấy luôn!
Một vài công dụng của khoai tây mà có thể bạn chưa biết
1. Giúp kháng viêm, giảm đau
Trong khoai tây có hàm lượng vitamin C phong phú. Vitamin C không chỉ giúp cải thiện sức đề kháng mà còn là một phương thuốc kháng viêm, giảm đau tự nhiên, an toàn cho cơ thể. Ngoài ra, một số vitamin nhóm B và khoáng chất như kali, canxi cũng có tác dụng chống lại sự phát triển của bệnh viêm khớp và các chứng viêm nhiễm ở đường tiêu hóa.
2. Hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa
Tinh bột trong khoai tây là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho các vi khuẩn có lợi đối với đường ruột. Những vi khuẩn này tiêu hóa nó và biến nó thành các axit béo chuỗi ngắn. Từ đây, chúng giúp giảm viêm ruột kết, cải thiện khả năng phòng vệ của ruột kết và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, thành phần chất xơ dồi dào có trong khoai tây còn hoạt động như một chất nhuận tràng, giúp kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và các vấn đề ở đường ruột.
3. Tốt cho thần kinh và não bộ
Hoạt động bình thường của não phụ thuộc phần lớn vào mức glucose, các thành phần khác nhau của phức hợp vitamin B và một số hormone, axit amin và axit béo như omega-3. Khoai tây có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu nêu trên.
Khoai tây cũng chứa nhiều carbohydrate. Chất này thúc đẩy mức độ glucose tốt trong máu ở người không bị đái tháo đường loại 2. Điều này giúp não bộ không mệt mỏi, hoạt động nhận thức cùng hiệu suất làm việc luôn ở mức cao. Ngoài ra, khoai tây còn chứa nhiều vitamin B6. Vitamin này sẽ được cơ thể chuyển hóa thành hợp chất hữu cơ giúp xoa dịu thần kinh, giảm căng thẳng, lo âu, ngăn ngừa nguy cơ bị trầm cảm.