Bí quyết hòa giải 'chiến tranh lạnh' của vợ thông minh
Bạn đang bị chồng/người yêu đối xử trong im lặng hoặc “cho ăn bơ” thường xuyên? Bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp để đối phó với tình huống.
Đối tác của bạn có thể từ chối nói chuyện trong thời gian dài, thậm chí kéo dài hàng ngày, hàng tuần và chỉ dừng lại nếu bạn xin lỗi.
Đôi khi “nửa kia” của bạn nói chuyện với người khác một cách bình thường nhưng lại bắt đầu lảng tránh khi thấy bạn đến gần. Điều này gây cảm giác vô cùng tổn thương, mệt mỏi và ức chế đối với bạn.
Hậu quả của im lặng
Việc đối xử im lặng có thể phá hủy sự thân mật và kết nối tình cảm giữa hai người. Một cặp đôi thiếu giao tiếp sẽ khiến mức độ hài lòng thấp, dẫn đến cả hai bên đều có cảm xúc tiêu cực.
Người nhận về sự im lặng sẽ cảm thấy chán nản, cô lập, thất vọng và tức giận. Khi cảm xúc của một người bị phớt lờ, họ có xu hướng cảm thấy không được yêu thương, không xứng đáng và tầm thường.
Những xung đột và vấn đề trong mối quan hệ sẽ không được giải quyết nếu cặp đôi thay thế cuộc thảo luận lành mạnh bằng cách đối xử im lặng, trong đó một bên từ chối nỗ lực của bên kia.
Trong một số tình huống, im lặng được coi là lạm dụng. Không phải ai cũng có thể diễn đạt cảm xúc của mình thành lời, nhưng khi sự im lặng được dùng để tạo ra rào cản cảm xúc giữa hai người, nó sẽ trở thành hành vi bạo hành.
Việc đối xử im lặng sẽ cản trở cả những mối tình lãng mạn nhất vì nó nhắm vào phần quan trọng nhất của bất kỳ mối quan hệ nào, đó chính là sự giao tiếp.
Hơn nữa, nó sẽ trở nên lạm dụng khi nạn nhân cảm thấy bị tổn thương hoặc bị tẩy chay, điều này có thể ảnh hưởng đến cảm giác thân thuộc, lòng tự trọng, khả năng kiểm soát và sự tồn tại của họ.
Làm thế nào khi đối phương im lặng?
Khi mối quan hệ rơi vào trạng thái im lặng, bạn sẽ cảm thấy hết sức lo lắng và bồn chồn. Trong tình huống này, giới chuyên gia khuyến nghị bạn nên giải quyết nó theo cách không làm tình hình trở nên trầm trọng.
Chia sẻ mối quan tâm của bạn
Bước đầu tiên để xử lý việc bị đối xử im lặng là giải quyết hành vi của đối tác. Hãy cho họ biết bạn cảm thấy thế nào khi họ bắt đầu hắt hủi bạn. Hãy đảm bảo rằng cách bạn giao tiếp không mang tính kẻ cả, để họ biết bạn ở đó để lắng nghe mà không có bất kỳ phán xét nào.
Thiết lập ranh giới
Đôi khi, việc thiết lập ranh giới có thể giúp bạn xem xét nội tâm và hiểu xem liệu sự im lặng giữa bạn và đối tác có trở nên độc hại hay không. Nếu bạn nhận ra mình đã vô tình phớt lờ đối tác, đừng ngần ngại xin lỗi.
Quan sát hành vi
Sau khi bày tỏ mối quan ngại của mình với đối tác, bạn có thể chờ xem liệu họ có sẵn sàng tiếp nhận đề xuất của bạn và thực hiện chúng hay không.
Thực hành tự chăm sóc
Tự chăm sóc cũng có thể là một cách hiệu quả để xử lý việc bị đối xử lạnh nhạt. Vì nó có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe cảm xúc và xã hội của bạn nên việc chăm sóc bản thân là cần thiết.
Một số cách giúp bạn chăm sóc bản thân là đọc sách, viết nhật ký, ở cạnh những người bạn quan tâm và thực hành chánh niệm.
Gặp bác sĩ trị liệu
Với sự đồng ý của đối tác, hai người có thể gặp chuyên gia tư vấn để có cái nhìn khách quan và hiểu biết về vấn đề cũng như mối quan hệ. Lời khuyên của chuyên gia sẽ giúp cả hai suy ngẫm và giải quyết tình huống tốt hơn.
Đôi khi, phản ứng một cách duyên dáng khi đối mặt với sự im lặng thể hiện sự trưởng thành về mặt cảm xúc và cam kết giải quyết xung đột theo cách mang tính xây dựng.
Một blogger ẩn danh chia sẻ kinh nghiệm của cô về việc im lặng là cách trả thù tốt nhất sau chia tay. Cô nói: “Nếu có điều gì tôi học được từ quá khứ của các mối quan hệ, thì đó là: sự im lặng có tác dụng chữa trị khi bạn thực sự đã kết thúc với ai đó".