Bí quyết dùng thẻ tín dụng của cô gái ở TP HCM: Điều số 2 giúp sinh lời, điều số 3 để tránh sập bẫy “ảo tưởng dư dả”

AMT,
Chia sẻ

Đây không phải là những bí quyết dùng thẻ tín dụng đã được đăng tràn lan trên mạng.

Thử search từ khóa "bí quyết dùng thẻ tín dụng" trên mạng, bạn sẽ nhận được cả ngàn kết quả với nội dung cứ na ná nhau, quanh đi quẩn lại chỉ có vài gạch đầu dòng quen thuộc: Đừng mở thẻ hạn mức quá cao nếu thu nhập chưa ổn định, đừng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, đừng chậm thanh toán,...

Đương nhiên, đó là những lưu ý quan trọng, cần phải nằm lòng khi dùng thẻ tín dụng và thường thì ai cũng biết cả rồi. Nhưng để gọi đó là "bí quyết", thì không!

Mang câu hỏi "Bí quyết nào giúp bạn dùng thẻ tín dụng để không những không mắc nợ, mà còn sinh lời" đi hỏi mọi người, phần lớn những câu trả lời chúng tôi nhận được là "đang nợ", hoặc những cái lắc đầu do họ không biết/không nghĩ tới chuyện sinh lời từ thẻ tín dụng.

Chỉ đến khi gặp Đoàn Phương Trúc - sinh năm 1991, chúng tôi mới tìm được câu trả lời.

Bí quyết dùng thẻ tín dụng của cô bạn 32 tuổi: Điều số 2 giúp sinh lời, điều số 3 để tránh sập bẫy “ảo tưởng dư dả” - Ảnh 1.

Đoàn Phương Trúc

Tính đến thời điểm hiện tại, Phương Trúc đã dùng thẻ tín dụng với hạn mức 130 triệu được 3 năm. Sở hữu thẻ tín dụng với hạn mức gấp gần 10 lần thu nhập mỗi tháng, nhưng Phương Trúc chưa bao giờ dùng hết hạn mức, càng không nợ nần.

Và dưới đây là 4 bí quyết giúp Phương Trúc làm được điều đó.

1 - Quẹt nhiều chứ không quẹt vô tội vạ

Không dùng hết hạn mức thẻ, không rơi vào cảnh nợ nần, chắc Trúc quẹt thẻ cũng ít là suy nghĩ, cũng là câu hỏi mà chúng tôi đặt ra cho cô bạn này. Nghe xong, Trúc cười ngất ngưởng.

"Bạn bè mình cũng hỏi mình y chang, nhưng không nha. Trúc quẹt nhiều lắm, từ siêu thị tới quán ăn, quán cà phê, rồi cả lúc mua sắm online,... nói chung là mình ưu tiên dùng thẻ tín dụng nếu được đó" - Trúc kể, không quên khẳng định lại một lần nữa rằng mình quẹt thẻ tín dụng rất nhiều, chỉ không quẹt vô tội vạ mà thôi.

Cái "không vô tội vạ" mà Trúc đề cập chính là cô bạn này luôn đặt ra câu hỏi "Mình có bị charge phí quẹt thẻ không?". Nếu câu trả lời là có, Trúc sẽ đổi sang phương thức thanh toán khác.

"Về lý thuyết, khi mình quẹt thẻ tín dụng để thanh toán thì mình sẽ không mất phí gì cả. Nhưng Trúc từng gặp trường hợp đi ăn, thanh toán bằng thẻ tín dụng mà mình là người phải trả phí quẹt thẻ rồi, khoảng 1,5% số tiền thanh toán đó, chỉ cần so sánh số tiền trên hóa đơn với số tiền bị trừ trong thẻ là biết ngay thôi à. Sau đó, Trúc tỉnh lắm, trước khi quẹt là phải hỏi trước cho chắc" - Trúc giải thích.

2 - Quẹt thẻ đúng mục đích để nhận tiền cashback

Trúc cho biết có những tháng, cô bạn này được hoàn tới 1,6 triệu đồng vào thẻ tín dụng.

"Vì mình dùng thẻ nhiều mà. Thẻ của Trúc sẽ được hoàn tiền với hóa đơn mua sắm online và hóa đơn siêu thị nên cứ đi siêu thị, cứ đặt mua thứ gì trên các nền tảng Thương mại Điện tử, Trúc đều ưu tiên thanh toán bằng thẻ tín dụng hết" - Trúc kể. 

Bí quyết dùng thẻ tín dụng của cô bạn 32 tuổi: Điều số 2 giúp sinh lời, điều số 3 để tránh sập bẫy “ảo tưởng dư dả” - Ảnh 2.

Phương Trúc

Sau đó, cô bạn còn chia sẻ thêm rằng tùy vào nhu cầu hoặc thói quen mua sắm của bản thân mà mỗi người có thể mở nhiều thẻ tín dụng với những mục đích khác nhau.

"Mình hay sử dụng dịch vụ nào thì mình ưu tiên mở thẻ tín dụng có nhiều chương trình ưu đãi, hoàn tiền với dịch vụ đó. Nhưng mà mở nhiều thẻ cũng cần nghĩ kỹ nha, không là dính bẫy đòn bẩy tài chính liền luôn đó".

3 - Luôn kiểm tra, tổng kết lại số tiền mình đã quẹt sau khoảng 2 đến 3 ngày

Đây chính là bí quyết quan trọng giúp Trúc không sập bẫy "ảo tưởng dư dả" hay bẫy đòn bẩy tài chính.

"Mình ví dụ thế này: Thẻ ATM của bạn có 5 triệu, bạn mua một đôi giày 800k nhưng bạn không thanh toán bằng thẻ ATM, mà thanh toán bằng thẻ tín dụng. Thế là bạn có cảm giác mình còn nguyên 5 triệu, trong khi thực ra bạn chỉ còn có 4,2 triệu thôi.

Mình cũng sợ mình bị ảo tưởng thế lắm, nên 2-3 ngày 1 lần, mình sẽ kiểm tra lại tổng số tiền mình đã quẹt từ thẻ tín dụng. Sau đó, mình sẽ chuyển số tiền tương ứng từ tài khoản ATM hay dùng sang 1 tài khoản ATM khác - chuyên dùng để thanh toán thẻ tín dụng.

Làm vậy cũng hơi cực đó, nhưng nó giúp mình ý thức được mình còn lại bao nhiêu tiền để tiêu. Chứ không thì cũng dễ lỡ làng, tiêu quá lắm" - Nguyên văn lời Phương Trúc nói với chúng tôi.

4 - Luôn tự nhủ "mình chưa có nhiều tiền"

Trúc thừa nhận việc sở hữu thẻ tín dụng với hạn mức gấp gần 10 lần thu nhập khiến bản thân nhiều khi cũng "hơi sợ". Thế nên cô bạn này luôn tự nhủ "mình chưa có nhiều tiền" để bản thân tỉnh táo trước mỗi quyết định mua trả góp những món đồ giá trị lớn

"Apple đã ra tới iPhone 16 rồi mà hiện tại mình vẫn đang dùng iPhone XR. Mình có thể quẹt thẻ tín dụng để mua trả góp iPhone đời mới nhất, hạn mức tới 130 triệu lận mà. Quẹt cái được ngay. Nhưng mình không làm vậy đâu, cái gì dùng được mình vẫn trân trọng và dùng tiếp, chứ không thể vì thẻ tín dụng còn tiền mà mình cho phép bản thân chi tiêu không cần suy nghĩ" - Trúc kể một câu chuyện "minh họa" cho sự cảnh giác của bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc mua trả góp bằng thẻ tín dụng.

Hy vọng 4 bí quyết dùng thẻ tín dụng của Trúc sẽ giúp bạn phần nào đúc kết được những bí quyết của riêng mình khi sở hữu chiếc thẻ này.

Cảm ơn Phương Trúc vì những chia sẻ chân thành và hữu ích!

Bí quyết dùng thẻ tín dụng của cô gái ở TP HCM: Điều số 2 giúp sinh lời, điều số 3 để tránh sập bẫy “ảo tưởng dư dả” - Ảnh 3.

Chia sẻ