"3 KHÔNG - 1 NÊN" cần nhớ khi dùng thẻ tín dụng để không mất lãi mà còn sinh lời

AMT,
Chia sẻ

Ngập ngụa trong nợ nần vì thẻ tín dụng đương nhiên là điều chẳng ai mong muốn.

Dùng thẻ tín dụng để thanh toán cho việc mua sắm online, đặt phòng khách sạn, vé máy bay,... đã trở thành thói quen của không ít người, đặc biệt là giới trẻ. Không thể phủ nhận sự tiện lợi mà loại thẻ này mang lại, khi bạn có thể "thoải mái" chi tiêu mà với hạn mức cố định.

Tưởng chừng như đó là tiền của mình nhưng thực chất, dùng thẻ tín dụng chính là đang... đi vay nợ. Nếu bạn chưa biết: Mỗi loại thể tín dụng đều có hạn mức - là số tiền mà ngân hàng "cấp cho bạn để chi tiêu" trong một khoảng thời gian cố định. Thông thường, sau 45-55 ngày, bạn sẽ phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chi tiêu hoặc trả số dư tối thiểu. Trong trường hợp số 2, bạn sẽ phải trả lãi cho phần dư nợ chưa được thanh toán.

Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người vô tình tự biến mình thành "nô lệ" của thẻ tín dụng. Đi làm kiếm tiền chỉ để trả nợ, dù là đầu tháng hay cuối tháng vẫn phải "húp mì tôm".

"3 KHÔNG - 1 NÊN" cần nhớ khi dùng thẻ tín dụng để không mất lãi mà còn sinh lời - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thu Hiền (32 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng) cho biết: "Năm 2019, thẻ tín dụng của mình có hạn mức 40 triệu. Mình đã dùng hết hạn mức ngay từ tháng đầu có thẻ. Những tháng sau, mình chỉ trả dư nợ tối thiểu, khoảng 1 triệu/tháng.Vì thiếu hiểu biết, cứ nghĩ vậy không sao, cho đến tận cuối năm, khi ngồi tính toán lại việc chi tiêu, mình mới nhận ra mình đã phải trả 7,2 triệu đồng tiền lãi trong suốt 1 năm vì không thanh toán hết dư nợ".

Thu Hiền thừa nhận số tiền 7,2 triệu/năm cũng không phải quá lớn nhưng cô hoàn toàn có thể không phải mất khoản tiền lãi này, nếu chịu tìm hiểu kỹ các điều khoản của ngân hàng trước khi sử dụng thẻ tín dụng.

Để không rơi vào tình cảnh như Thu Hiền, hoặc tệ hơn là phải "è cổ" trả nợ tín dụng hàng tháng, dưới đây là "3 không - 1 nên" mà bất cứ ai đang sở hữu chiếc thẻ này cần nhớ, để dùng thẻ tín dụng không mất lãi mà còn sinh lời.

"3 KHÔNG" cần nhớ trước khi mở và quẹt thẻ tín dụng

Không mở thẻ tín dụng với hạn mức cao hơn mức thu nhập hàng tháng

Nếu có thu nhập hàng tháng được thanh toán qua tài khoản ngân hàng, bạn có thể mở thẻ tín dụng với hạn mức cao gấp 3-6 lần thu nhập mỗi tháng. Lương tháng 20 triệu mà có chiếc thẻ tín dụng với hạn mức 90 triệu, cảm giác bản thân "giàu có hẳn ra" đúng không? Nhưng đừng quên, đó chỉ là cảm giác!

Hải Phong (26 tuổi, hiện đang là một Designer) cho biết: "Mình từng phải đi vay tiền bạn bè để thanh toán dư nợ tín dụng. Hạn mức tín dụng của mình cao gấp 3 lần thu nhập hàng tháng. Ban đầu khi mở thẻ, mình tự tin có thể kiểm soát chi tiêu nhưng thẻ sẵn đó, tiền cũng sẵn đó, mình bắt đầu không giữ được mình mà quẹt thẻ liên tục, thành ra nợ nần".

"3 KHÔNG - 1 NÊN" cần nhớ khi dùng thẻ tín dụng để không mất lãi mà còn sinh lời - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đương nhiên, ngân hàng sẽ "động viên, khích lệ" bạn mở thẻ tín dụng với hạn mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, từ trải nghiệm của bản thân, Phong khẳng định chỉ nên mở thẻ tín dụng với hạn mức bằng khoảng 30-50% thu nhập mỗi tháng.

Việc này đảm bảo khả năng thanh toán dư nợ của chính mỗi người mà không cần phải tạo ra một khoản nợ mới để "đóng khoản nợ cũ".

Không rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Đặc điểm và cũng là ưu điểm lớn nhất của thẻ tín dụng chính là sự thuận tiện trong các giao dịch online. Tuy nhiên, trong một vài hoàn cảnh cấp bách cần tiền mặt mà chẳng kiếm đâu ra, cũng không vay ai được, không ít người lại chọn... rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Cũng giống như rút tiền mặt từ thẻ ATM, bạn chỉ cần đút thẻ tín dụng của mình vào bất kỳ cây ATM nào là đã có thể rút tiền mặt. Tuy nhiên, khác biệt chính là phí và lãi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng vô cùng cao.

Mức phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng của đa số ngân hàng hiện nay rơi vào khoảng 1-4% số tiền mỗi lần rút, mức lãi suất cho việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng khoảng 2% mỗi tháng. Vậy là với 1 khoản tiền mặt rút ra từ thẻ tín dụng, bạn sẽ mất 1 khoản tiền gồm tiễn phí và tiền lãi.

Không chậm trả tín dụng

Hãy cố gắng thanh toán hết dư nợ đúng hoặc trước 1-2 ngày sau khi nhận được sao kê của ngân hàng. Trong trường hợp chưa thể thanh toán hết dư nợ, bạn cần đảm bảo thanh toán số tiền tối thiểu theo thông báo của ngân hàng. Việc thanh toán đúng hạn này sẽ giúp cho điểm tín dụng của bạn luôn được duy trì ở mức tốt, tránh nợ xấu để việc vay vốn hoặc mở thẻ về sau dễ dàng hơn.

"1 NÊN" cần lưu tâm để sinh lời khi dùng thẻ tín dụng

Sau khi đã đảm bảo thực hiện được "3 KHÔNG" phía trên, đây là điều bạn cần nhớ để thẻ tín dụng sinh lời: Dùng thẻ đúng mục đích!

Thanh Tùng (29 tuổi, hiện đang là nhân viên ngân hàng) cho biết: "Cần phải dùng thẻ đúng mục đích, bạn mới nhận được những chính sách ưu đãi, hoàn tiền từ những đối tác của ngân hàng.

Ví dụ thế này đi cho dễ hiểu: Có những loại thẻ tín dụng phục vụ mục đích mua sắm online, ngân hàng cấp thẻ cho bạn đã liên kết với các sàn thương mại điện tử. Nếu bạn chỉ dùng thẻ với mục đích mua sắm, bạn sẽ được hoàn khoảng 2-5% số tiền đã chi tiêu trong 1 kỳ sao kê. Tuy nhiên, nếu bạn dùng thẻ tín dụng phục vụ mục đích mua sắm để thanh đoán hóa đơn, đặt vé máy bay, đồ ăn,... bạn sẽ không được hưởng ưu đãi và thậm chí còn phải trả tiền lãi.

Hiện tại, phần lớn các ngân hàng đều có nhiều dòng thẻ tín dụng phục vụ các mục đích khác nhau như mua sắm, đi du lịch, đặt phòng khách sạn/vé máy bay. Tùy vào nhu cầu cá nhân mà bạn có thể mở loại thẻ phù hợp với mình và hãy đảm bảo việc dùng thẻ đúng mục đích là có thể yên tâm thẻ tín dụng sẽ sinh lời".

"3 KHÔNG - 1 NÊN" cần nhớ khi dùng thẻ tín dụng để không mất lãi mà còn sinh lời - Ảnh 3.

Chia sẻ