Bí quyết để trở thành một bậc cha mẹ thành công: Không cần quá tốt, chỉ cần vừa đủ tốt
Lauren B. Quetsch và Tim Cavell đều là giáo sư tâm lý học tại Đại học Arkansas, Mỹ với chuyên ngành nghiên cứu về tâm lý trẻ em.
Mới đây, hai vị giáo sư đã hợp tác để phát hành một cuốn sách mới dành cho các bậc cha mẹ đang có con nhỏ và đang đau đầu trong việc dạy dỗ con cái. Ban đầu, Quetsch muốn đặt tên cho cuốn sách này là “I Love My Kids, But…” (tạm dịch: Tôi yêu các con của mình, nhưng…).
Tuy nhiên, cả hai nhanh chóng nhận ra cái tên này mang lại cảm giác “quá tiêu cực" cho người nghe và đọc. Cuối cùng, họ đã quyết định lấy tên cuốn sách là “Good Enough Parenting: A Six-Point Plan for a Stronger Relationship With Your Child” (tạm dịch: Nuôi dạy con đủ tốt: Sáu cách để trở nên thân thiết với con hơn).
Theo giáo sư Cavell, tựa đề cũng như nội dung cuốn sách hướng đến việc đẩy lùi cụm từ mà chúng ta vẫn thường hay nhắc đến khi nói về trách nhiệm của phụ huynh: “nuôi dạy con cái hiệu quả".
Ông cho hay: “Chúng tôi cho rằng cụm từ ‘nuôi dạy con hiệu quả’ có thể trở thành gánh nặng cho các bậc cha mẹ. Điều đó thật sự thiếu công bằng vì “hiệu quả" ở đây không đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là về bối cảnh văn hóa và gia đình".
Cuốn sách “Làm cha mẹ đủ tốt" thừa nhận rằng việc nuôi con vô cùng khó khăn và chứa đựng nhiều điều bất ngờ, và tất nhiên, sẽ có những lần bạn muốn thốt lên: “Tôi yêu các con của mình, nhưng…”.
“Một bậc cha mẹ đủ tốt sẽ có những lúc thất bại, chỉ cần họ nỗ lực hết khả năng của mình. Họ có thể không đáp ứng được hết nhu cầu của con, nhưng đó cũng là cơ hội để trẻ có thể tự học hỏi mọi thứ. Một bậc cha mẹ đủ tốt là người sẽ tặng cho con mình món quà có thể giúp con học tập trong cuộc sống", giáo sư chia sẻ thêm.
Những hành động như giới hạn thời gian sử dụng điện thoại hoặc dạy con ngoại ngữ rất tốt, nhưng chúng có thể khiến phụ huynh mất tập trung vào phần quan trọng nhất của việc nuôi dạy con cái, đó là học cách gắn bó với con.
Và để giúp cha mẹ tạo mối quan hệ gần gũi với con mình, Quetsch và Cavell đã xác định 6 cách sau:
Xác định mục tiêu
Trước khi làm bất cứ việc gì, chúng ta đều xác định mục tiêu của bản thân. Tuy nhiên, khi làm cha mẹ, nhiều người không nghĩ đến việc họ sẽ đạt được gì, mà chỉ nghĩ rằng con của mình sẽ đạt được gì.
Trong cuốn sách “Làm cha mẹ đủ tốt", Quetsch và Cavell gợi ý rằng các bậc phụ huynh nên xác định mục tiêu của bản thân thay vì xác định mục tiêu của con cái.
Sau đó, hãy tự hỏi bản thân có đang làm tốt việc đó hay không. Đừng so sánh bản thân với cuốn sách bạn đã đọc hoặc những bậc cha mẹ mà bạn đã nhìn thấy, hãy kiểm tra dựa trên mục tiêu của riêng bản thân mình.
Ngoài ra, cuốn sách khuyên rằng việc xác định mục tiêu không có nghĩa là cha mẹ cứ khăng khăng với một điều ấy cho tới khi con lớn, mà cần phải thay đổi dựa trên tính cách riêng của các con.
Sức khoẻ
Giống như yếu tố bên trên, sức khỏe ở đây không phải là sức khỏe của con cái, mà là sức khỏe của người làm cha mẹ. Để nuôi dạy con cái tốt hơn, chúng ta cũng cần chú trọng sức khỏe của bản thân về cả thể chất lẫn tinh thần.
Lối sống
“Lối sống hiện nay của bạn có thân thiện với trẻ em không? Có những gì nên và không nên được áp dụng?”, đây là những điều bạn nên xem xét trước khi con được sinh ra.
Sau khi có con, có thể bạn sẽ phải thực hiện một số thay đổi trong cách sống, nhưng điều quan trọng nhất là xác định được bạn muốn con phát triển thành người như thế nào.
Chấp nhận
Nỗ lực tìm hiểu, yêu thương con và không bắt con xa rời hình mẫu mà con muốn trở thành chính là thông điệp của sự chấp nhận. Khi một đứa trẻ cảm thấy được chấp nhận, chúng sẽ không bao giờ đặt những câu hỏi như: chúng đứng ở vị trí nào trong cuộc đời bạn, và chúng quan trọng với bạn như thế nào.
Cavell khuyến khích các bậc cha mẹ nên có “tư tưởng khám phá" đối với con mình. Chúng ta thường chỉ nhìn nhận trẻ con một cách phiến diện và không bao giờ thay đổi. Nhưng điều đó là hoàn toàn không nên, thay vào đó, ta nên khám phá xem đứa trẻ này là ai, và chúng ta có thể bắt nhịp với chúng hay không.
Kiềm chế
Thực tế, có một số đứa trẻ sẽ cư xử không đúng mực hơn so với bạn cùng trang lứa. Khi đó, việc trừng phạt nặng của cha mẹ có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa hai bên, nhưng nếu cha mẹ phạt quá nhẹ, chúng sẽ không tôn trọng lời nói của người lớn.
Vào những thời điểm như vậy, bên cạnh việc kiểm soát và xoa dịu, chúng ta còn có một lựa chọn thứ ba: đó là kiềm chế. Chẳng hạn như khi con không muốn đến trường, hãy đặt mình vào vị trí của con để tìm hiểu nguyên nhân. Bạn có thể vừa thông cảm cho nguyên nhân của con, vừa khuyên bảo con một cách hợp lý.
Lãnh đạo
Lãnh đạo là khái niệm nằm giữa mức chấp nhận và kiềm chế. Trong trường hợp này, cha mẹ sẽ làm gương cho con nói theo, nhưng đồng thời họ cũng không can thiệp nhiều nếu con lựa chọn những giá trị khác.
Điều này đặc biệt cần thiết với những bậc phụ huynh có con ở độ tuổi mới lớn, vì đây là lúc mà các con đang thử nghiệm quyền tự chủ bản thân của mình.
Tất nhiên, việc thực hiện tất cả những phương pháp này không có nghĩa là bạn được thấy được kết quả ngay lập tức, mà nó sẽ đem lại những hiệu quả dài hạn về sau.
Hãy tập trung vào những điều thực tế đang xảy ra giữa bạn và con thay vì cứ mãi làm theo những cuốn sách nói về việc làm thế nào để nuôi dạy con cái, phải làm gì để con cảm thấy được coi trọng và độc lập.
Bởi vì nếu chúng ta nhìn một cách bao quát, “vấn đề ở đây không phải là bạn có biết nhiều kỹ năng để nuôi dạy con hay không, mà là bạn đã xây dựng một mối quan hệ với con như thế nào".