Bị nhận xét cho con học chữ trước là "đánh mất tuổi thơ", bà mẹ ở TP.HCM chỉ ra 4 lý do được nhiều người đồng tình

Hạ Uyên,
Chia sẻ

Nếu một em bé 6 tuổi nói tiếng Anh thành thạo thì mọi người sẽ ồ lên và bảo bé giỏi quá. Nhưng cũng một bé 6 tuổi làm Toán hay biết đọc tiếng Việt rành thì đa phần sẽ cho rằng cha mẹ ích kỷ, bắt con chạy theo thành tích, như vậy có phải là quá thành kiến hay không?

Một trong những lời khuyên cho bố mẹ có con sắp vào lớp 1 đó là đừng cho con đi học trước 6 tuổi, hãy để trẻ có tuổi thơ đúng nghĩa. Thế nhưng, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, liệu sẽ "đúng nghĩa" thế nào khi con bước vào lớp học toàn những "thần đồng"? 

Họ cho rằng, mình cũng muốn con được hồn nhiên, vui chơi mỗi tối, cũng muốn con có những ngày cuối tuần được hòa mình vào thiên nhiên. Song với nhịp sống hiện tại, khi cả xã hội phần lớn đều cho con học trước như vậy, họ không dám yên tâm để con ở nhà.

Là mẹ của bé trai Minh Khang năm học này vào lớp 1, chị Yến (Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, dù có nhiều ý kiến đồng tình cũng như phản đối về vấn đề này nhưng chị vẫn quyết định cho con học trước. Với những nhận xét cho rằng trẻ học trước gặp phải nhiều điều bất lợi như đánh mất tuổi thơ, ỷ lại, không tập trung khi học chính thức trên lớp, chị Yến đã có những phản biện được nhiều phụ huynh đồng tình.

Bị nhận xét cho con học chữ trước là "đánh mất tuổi thơ", bà mẹ ở TP.HCM chỉ ra 4 lý do được nhiều người đồng tình  - Ảnh 1.

Chị Yến và con trai Minh Khang.

1. Bé học trước đánh mất tuổi thơ?

Bé chuẩn bị vào lớp 1 là đã 5 - 6 tuổi, tuổi này ở trường mầm non ngoài việc ăn, ngủ thì các cô đã lồng ghép các hoạt động dạy học vào để trẻ làm quen với việc học tập ở các lớp lớn hơn. Quỹ thời gian của trẻ ngoài việc ăn ngủ thì phần lớn là chơi, việc dành ra từ 1 - 1,5 tiếng rưỡi một ngày để làm quen với việc học cũng không phải là không khả thi và cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc chơi của trẻ. Dĩ nhiên, quãng thời gian học nên phân bổ khoảng nghỉ giữa giờ.

Việc ngồi vào bàn học giúp trẻ làm quen với việc phải học 1 thời gian dài mới được ra chơi khi vào lớp 1. Thêm nữa, thực tế trẻ em bây giờ thời gian chơi của nhiều bé là xem tivi, điện thoại, ipad, vậy thay vào đó bé học 1 điều gì mới mẻ thì có phải tốt hơn không? Nhiều bé vào lớp 1 rồi mà lúc các bạn học, bé chạy ra ngoài sân chơi vì tưởng như học ở mẫu giáo. Bây giờ không chuẩn bị cho con thì là lúc nào?

2. Học trước thì vào năm học bé lơ là khi học trên lớp?

Theo chị Yến, việc con vào lớp 1 có lơ là hay không còn phụ thuộc vào bố mẹ quan tâm đến việc học của con như thế nào. Nếu ba mẹ ỷ y việc con đã học trước rồi mà vô năm học không theo sát, không kiểm tra bài, không tạo điều kiện cho con luyện tập thì việc đó tất yếu xảy ra. Còn ba mẹ phối hợp với thầy cô, khắc phục những điểm con mình chưa được, cho con luyện tập thường xuyên thì con chỉ có tiến chứ không lùi.

Bị nhận xét cho con học chữ trước là "đánh mất tuổi thơ", bà mẹ ở TP.HCM chỉ ra 4 lý do được nhiều người đồng tình  - Ảnh 2.

Thêm 1 thực tế nữa, là lớp học ở Việt Nam quá đông, cô không thể quan tâm hết từng bạn được, và khi con bạn không biết gì thì cô giáo cũng sẽ rất áp lực trong việc dạy con, áp lực đó sẽ đi đâu, tất nhiên con và cha mẹ sẽ phải chịu.

"Mình đã từng đi tham khảo rất nhiều phụ huynh có con đã học lớp 1, thì đa phần các bé không học trước sẽ có cùng cảnh ngộ khi học lớp 1 là cha/mẹ cùng con học đến 10 - 11 giờ đêm cho kịp bài, mẹ la con khóc rồi dẫn đến con sợ học, học cơ bản còn chưa xong thời gian đâu mà luyện tập. Vẫn biết là đến giữa lớp 1 bé nào cũng biết đọc, biết viết nhưng hành trình đến kết quả đó nhẹ nhàng hay chông gai thì còn tùy vào sự chuẩn bị của cha mẹ".

3. Bé học hơn chương trình là mẹ chạy theo thành tích, ích kỷ?

Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, với khả năng khác nhau. Có bé giỏi về ngôn ngữ, có bé giỏi về toán học. Mình từng gặp 1 bé 4 tuổi chưa từng đi học ở đâu, ở nhà bé thích mẹ mở Youtube về Toán cho bé xem và bé có khả năng cộng số có 3 chữ số bất kỳ ra kết quả ngay không cần đặt tính gì hết. Nên nếu bé nhà bạn thích học Toán làm liền tù tì chục trang không biết chán, thì bạn có tạo điều kiện cho con bạn học tiếp, hay vì mọi người nói học thế mai mốt còn gì để học mà thôi bảo con đừng học nữa?

Nếu một em bé 6 tuổi nói tiếng Anh thành thạo thì mọi người sẽ ồ lên và bảo bé giỏi quá. Nhưng cũng một bé 6 tuổi làm Toán hay biết đọc tiếng Việt rành rọt thì đa phần sẽ cho rằng cha mẹ ích kỷ, bắt con chạy theo thành tích, như vậy có phải là quá thành kiến hay không?

4. Bé thích chấm điểm là đã bắt đầu mắc bệnh thành tích?

Đã là con người thì ai cũng thích được ghi nhận thành quả của mình. Chẳng phải tự nhiên mà cha mẹ được khuyên là nên khen thưởng, động viên trẻ. Đến người lớn đi làm còn cần chạy KPI để đánh giá khen thưởng cơ mà. Chạy theo thành tích là bắt con phải đạt kết quả vượt quá khả năng của con, con trung bình mà cứ cố bắt phải được giỏi như người ta mà không quan tâm năng lực của con đến đâu. Còn nếu con bạn làm bài đúng hết, không cho con 10 thì cho điểm mấy?

Bị nhận xét cho con học chữ trước là "đánh mất tuổi thơ", bà mẹ ở TP.HCM chỉ ra 4 lý do được nhiều người đồng tình  - Ảnh 3.

Vẫn biết là đến giữa lớp 1 bé nào cũng biết đọc, biết viết nhưng hành trình đến kết quả đó nhẹ nhàng hay chông gai thì còn tùy vào sự chuẩn bị của cha mẹ. (Ảnh minh họa)

"Mình không bao giờ ép con phải làm đúng hết, nhưng con vẫn thích được chấm điểm, điểm cao thì con rất vui, hôm nào điểm thấp thì con sẽ ghi nhớ lỗi sai đó để khắc phục. Đừng hiểu sai 3 chữ "bệnh thành tích" là làng nhàng thôi không cần giỏi".

Nói về việc chuẩn bị cho con vào lớp 1, chị Yến chia sẻ điều này còn tùy thuộc vào từng bé cụ thể. "Có bé nhanh thì bé có thể biết viết, biết đọc, biết làm Toán. Nếu bé chậm hơn 1 chút thì nhận biết hết chữ cái, 10 chữ số, biết cộng trừ đơn giản, biết so sánh... Còn nếu đến thời điểm này mà các mẹ vẫn thấy con mình như tờ giấy trắng thì có phải là hơi "nguy hiểm" rồi không, bé không biết gì hết vào năm học cực cô, cực con, cực mẹ đấy", chị Yến nói thêm.

Bị nhận xét cho con học chữ trước là "đánh mất tuổi thơ", bà mẹ ở TP.HCM chỉ ra 4 lý do được nhiều người đồng tình  - Ảnh 4.

 

Chia sẻ