Tiến sĩ giáo dục chia sẻ điều quan trọng với học sinh lớp 1: Không phải vội học chữ, đây mới là thứ cha mẹ cần đả thông cho con
"Nếu con là đứa trẻ kỉ luật chưa tốt, ngôi trường nghiêm một chút sẽ tốt với con hơn là nơi chiều chuộng trẻ", nữ Tiến sĩ chia sẻ.
Một mùa tuyển sinh đầu cấp nữa lại đến. Từ 12/7 - 20/7, các trường Mầm non, Tiểu học, THCS sẽ tiến hành tuyển sinh trực tuyến đối với trường hợp tuyển sinh theo tuyến. Theo đó tuyển sinh lớp 1 bắt đầu từ ngày 12/7/2021 - hết ngày 14/7/2021. Tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường Mầm non từ ngày 15/7/2021 - hết ngày 17/7/2021. Tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 18/7/2021 - 20/7/2021.
Với cha mẹ có con vào lớp 1, đây có lẽ là khoảng thời gian nhiều âu lo. Bởi lớp 1 là giai đoạn quan trọng, là khởi đầu mới trên con đường học tập của trẻ. "Thuận buồm" thì "xuôi gió", vậy nên cha mẹ luôn có suy nghĩ phải chuẩn bị tốt nhất cho con từ khi vào lớp 1. Nhưng phải chuẩn bị những gì? Chuẩn bị ra sao thì không phải cha mẹ nào cũng đã nắm rõ.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) về vấn đề này.
- Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tuyển sinh lớp 1 có nhiều sự khác biệt. Chẳng hạn như thay đổi phương thức tuyển sinh sang trực tuyến. Theo chị những điều này có ảnh hưởng gì đến lứa học sinh lớp 1 năm nay?
Với học sinh lớp 1, việc học chữ, học Toán không quan trọng bằng sự ổn định tâm lý, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chấp nhận và vượt qua khó khăn trong những năm tháng đầu tiên đi học.
Chính vì vậy, việc thay đổi hình thức tuyển sinh cũng có thể sẽ khiến sự lựa chọn học sinh không đúng như mong đợi các trường. Học sinh chuẩn bị cũng không thể tốt vì các con ở nhà quá nhiều, nề nếp sinh hoạt cũng không đảm bảo cho việc đến trường.
- Năm ngoái, nhiều phụ huynh từng "sang chấn tâm lý" khi con loay hoay mãi không viết được chữ dù đã gần kết thúc năm học. Vậy chị có cho rằng nên dạy chữ trước cho trẻ để cả phụ huynh, cả học sinh không bị áp lực khi bước vào năm học mới?
Năm ngoái là năm các học sinh gặp rất nhiều vấn đề do các bộ sách giáo khoa có lỗi, chương trình mới, học sinh bị choáng. Đồng thời, các phụ huynh chuẩn bị tâm lý cho con chưa đủ. Chính vì vậy, các con đều gặp vấn đề.
Việc dạy chữ không quá quan trọng. Điều quan trọng là trẻ phải được chuẩn bị tâm lý thật tốt, hiểu rõ trách nhiệm học tập của bản thân, có ý thức tự giác học tập. Nếu có những điều này rồi, dù chương trình hay sách có vấn đề, trẻ cũng sẽ vượt qua dễ dàng.
- Nếu không học chữ trước, vậy trẻ cần được chuẩn bị những gì để có năm học đầu tiên thật thuận lợi?
Điều đầu tiên, trẻ cần phải hiểu rõ việc đi học là quyền lợi và trách nhiệm của con, không ai thay con làm việc này. Để con hiểu rõ trách nhiệm, cha mẹ cần giao các trách nhiệm khác trong gia đình cho con làm để quen dần.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cho con làm quen trước với đồ dùng học tập, hướng dẫn con sử dụng và bảo quản. Bên cạnh đó, các nề nếp sinh hoạt đảm bảo sẽ khiến con dễ dàng bước vào lớp 1. Sau cùng, con cần hiểu rõ về trường lớp và cảm thấy sẵn sàng cho một hành trình mới.
- Là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tiểu học, chị có lời khuyên nào cho phụ huynh về cách chọn một ngôi trường cấp 1 phù hợp cho con? Theo chị, những yếu tố nào là quan trọng nhất?
Theo tôi, với trẻ, trường cấp 1 nào cũng tốt. Tuy nhiên, lựa chọn trường rất cần xem xét đến tính cách của con. Nếu con là đứa trẻ kỉ luật chưa tốt, ngôi trường nghiêm một chút sẽ tốt với con hơn là nơi chiều chuộng trẻ. Với đứa nhỏ nhút nhát, ngôi trường nhẹ nhàng sẽ dễ chịu hơn. Còn với tôi, ngôi trường gần nhà luôn có ưu thế lớn nhất với trẻ.
- Là một chuyên gia giáo dục nổi tiếng, chị nhận được rất nhiều tình cảm từ phía các bậc phụ huynh vì luôn đưa ra những lời tư vấn hữu ích. Trong nhiều năm theo nghề, chị đã gặp phải tình huống khó xử nào chưa?
Tôi luôn may mắn nhận được tình yêu và sự tin tưởng của các phụ huynh, bạn bè, đặc biệt là học sinh. Kể cả các em mà tôi buộc phải kỉ luật để con ngoan hơn, sau một thời gian vất vả, các con cũng nói yêu thương tôi khiến tôi thật sự cảm động.
Tuy nhiên, tôi đang gặp phải một tình trạng: Đó là nhiều lần bị giả mạo phát ngôn khó nghe, khiến cộng đồng mạng hiểu lầm, bức xúc. Đã có những vụ việc tôi hoàn toàn không hay biết gì cũng bị giả mạo phát ngôn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự. Tôi và người thân thậm chí bị đe dọa đến tính mạng.
- Vậy chị đã giải quyết vụ việc này như nào? Thời gian trước, từng có nhiều văn bản giả mạo cho học sinh nghỉ học. Có thể thấy tình trạng thông tin giả mạo đang ngày càng nhiều, chị có lời khuyên nào để phụ huynh, học sinh không mắc bẫy thông tin giả?
Tôi đã báo với cơ quan công an để họ thụ lý vụ việc. Theo tôi, là những người văn minh và hiểu biết, chúng ta nên cẩn trọng trong các bình luận. Tình trạng thông tin giả mạo hiện nay rất phổ biến. Điều này biến thế giới mạng trở nên hỗn loạn. Chúng ta cần tìm hiểu thật kĩ càng trước khi bình luận.
Tôi từng bị giả mạo phát ngôn một số vụ việc liên quan đến giới nghệ sĩ; một số vụ việc thời sự xã hội nhạy cảm,... Là người nghiên cứu về giáo dục và tâm lý học, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ có những phát ngôn về chuyện này, và nó cũng không thuộc chuyên môn của tôi. Chỉ cần chúng ta cẩn trọng một chút sẽ dễ dàng nhận ra đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin giả mạo.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên cân nhắc khi tham khảo thông tin tại các nguồn có những đường link lạ lẫm. Những báo chính thống quen thuộc mà không đăng tải, tin chỉ xuất hiện ở các nguồn có đường link lạ, gần như chắc chắn là tin giả.