Bí mật của những người đàn bà

,
Chia sẻ

Chẳng biết ai tung tin và thực hư ra sao. Cả làng cứ đồn ầm lên rằng anh Khuynh, con trai cô hai Cải đang sống trên thành phố, bị cô vợ giàu có lừa đi “đổ vỏ”.

Cô hai Cải nghe một đồn mười, mười đồn trăm thì ức lắm. Cô chắp tay sau đít, bước thấp bước cao chửi cha thiên hạ khắp đầu làng, cuối xóm. Cô chửi oang oang rằng: “Cha bố kẻ hơn lòng hơn bụng, ngậm máu phun người. Bát gia cửu tộc đứa nào vu oan giá họa cho con trai bà. Từ nay chúng mày có miệng thì cắp, có nắp thì đậy, chuyện bà bà biết, chuyện mày mày hay”...

Đúng là thiên hạ độc mồm. Anh Khuynh đẹp trai phong độ là thế, ấy vậy mà thiên hạ lại đổ tiếng xấu cho anh. Buổi trưa nào mấy bà “tám” trong xóm tôi cũng túm năm tụm ba dưới gốc đa già, thêu dệt đủ chuyện xấu về mẹ con cô Cải. Cô Cải không họ hàng thân thích, cũng chẳng hận thù gì với mẹ tôi nhưng mẹ tôi thì lại tỏ vẻ ghét và khinh cô Cải lắm lắm.
 
Đang vào hứng, chợt thoáng thấy bóng cô hai Cải từ phía xa, mẹ tôi nhanh chân đánh bài chuồn. Trước khi phủi đít quần đứng dậy, bà còn bồi thêm vài câu: “Phúc đức tại mẫu. Đời mẹ ăn mặn thì đời con khát nước thôi. Ối dào ôi, ông trời có mắt cả đấy, nhân nào thì quả nấy, các bà cứ ngẫm mà xem”.
 

Tôi chả hiểu mẹ tôi nói thế là có ý gì. Nhưng nhìn bà thì biết ngay là bà đang hả hê lắm. Một bà khác trong đám, nhổ đến toẹt bãi nước bọt xuống đất, vén môi phụ họa: “Cái giống đàn bà đi tranh chồng người khác thì phúc đức ở đâu ra hả các bà. Suy cho cùng, cái gì cũng có gien có giống cả các bà ạ. Thằng này ăn học hơn người mà vẫn bị gái nó xích. Chắc tại mả nhà nó bị gái chăn rồi”.

Nói rồi đám đàn bà, trong đó có mẹ tôi, cười dé lên. Âm vang tiếng cười của những người đàn bà ưa đưa chuyện, thích nhiếc móc, rỉa rói, hạ nhục người khác cứ lanh lảnh, cay nghiệt và khinh khỉnh thế nào ấy. Chưa bao giờ lại thấy mẹ tôi tỏ ra thích thú với chuyện lình sình nhà người khác đến thế.

Buổi tối ăn cơm xong, le te pha cho bố tôi ấm trà, vắt vẻo ngồi cầm tăm xỉa răng, ngậm một ngụm nước xúc miệng òng ọc, mẹ tôi bắt chuyện với bố chồng: “Nhà Cải đúng là nhục bố mày nhỉ. Cái thằng Khuynh khá trai là thế. Nghe đâu ở rể nhà kia khổ lắm, người làng mình bắt gặp thằng Khuynh xách làn đi chợ đấy. Mà tôi còn nghe đồn, thằng cháu của nhà đấy là cháu hờ thôi. Kiểu này chắc lại thằng ăn ốc, thằng đổ vỏ rồi. Nhà ấy đến hồi mục mả rồi bố mày à...”.

Mẹ tôi chưa nói hết câu, bố tôi quắc mắt, vằn lên những tia máu đỏ ngầu: “Bà im mồm đi. Bà ăn củ ráy ngứa mồm hay sao mà cứ thọc vào chuyện nhà người khác thế hả?”.

Mẹ tôi tức thì bù lu bù loa: “Hóa ra trong lòng ông vẫn còn tơ tưởng đến nó à? Tôi thích thì tôi nói đấy. Thiên hạ họ nói thế thì tôi cũng nói thế đấy, tôi đặt điều cho ai nào.

Tôi biết tỏng cái bụng ông rồi. Ngày xưa ông chả từng mê nó, bị nó chê ông, sau bao năm ông vẫn còn tơ tưởng gì mà bênh nó chằm chặp thế hả? Tôi một lòng yêu thương chăm lo cho ông, sinh cho ông cả bầy con. Ấy thế mà giờ mới chỉ nói động đến nó là ông đã dằn hắt vợ à?”.

Bị bẽ mặt, bố tôi tức điên, dậm chân xuống nền nhà, rít lên: “Giời ơi là giời. Vợ với chả con. Bà hết khôn dồn dại hả?”.

Mẹ tôi vẫn chẳng chịu yên:“May mà nó cưới được chồng, chứ không, ngày ấy biết đâu nó cũng lại chả đổ vấy cho ông cái thai trong bụng nó ấy chứ”. Nước này thì bố tôi hết chịu nổi, ông vớ cái điếu bát, đập đến choang xuống nền gạch, nước điếu chảy ra hôi mù, nồng nặc khắp nhà.

Thì ra cái thời tuổi trẻ của bố mẹ tôi cũng lắm phức tạp, phiền hà. Nếu không có chuyện đồn về anh Khuynh, chẳng bao giờ tôi biết được rằng ngày xưa bố tôi từng thích cô Cải đến thế. Mẹ tôi vì ức bố tôi bênh cô Cải mà tồng tộc kể ra bằng hết. Nào là nhà bố tôi nghèo nên bị cô Cải chê, nào là bố tôi lân la làm thuê cuốc mướn cho bố mẹ nhà cô Cải cốt chỉ để lấy lòng cô mà không được. Chẳng riêng gì bố tôi, trai làng ngày ấy nhiều anh chết mê chết mệt song chẳng ai lọt mắt xanh của cô Cải.

Vào một đêm trăng sáng, người làng đi đơm đó bắt gặp cô Cải hủ hóa cùng một người đàn ông đã có vợ ở làng bên, ngay dưới bụi tre ở chân bờ đê cuối làng. Sau chuyện tai tiếng ô nhục ấy, cô Cải bị bố mẹ trói vào gốc cây mít đánh cho một trận, bỏ đói mấy ngày liền. Rồi cô có mang, bố mẹ cô đành muối mặt phải chấp nhận cho cô theo không người đàn ông đã ăn nằm với cô. Ấy chính là bố anh Khuynh sau này.

Lúc chung sống với cô Cải, bố anh Khuynh phải dứt tình với người vợ cả do bố mẹ cưới về nhưng ông không yêu thương. Để cắt đứt quan hệ với người vợ cả, cô Cải bắt bố anh Khuynh phải về ở rể nhà mình. Nghe nói, chuyện riêng tư của cô Cải hồi ấy là trung tâm đàm tiếu của cả làng.

Khi anh Khuynh lên 10 tuổi thì cô Cải góa chồng. Học xong Cao đẳng trên thành phố, lấy cô bạn gái con một cùng học, anh Khuynh lập nghiệp luôn trên ấy chẳng về làng. Cô Cải sống ở làng một mình, dăm ba bữa lại có một người đàn ông thường xuyên qua lại nhà cô, chắc là bồ. Nhìn cô còn phây phây là thế, không có đàn ông theo mới lạ.

Lúc đập điếu xong, bố tôi bỏ đi sang nhà hàng xóm chơi cờ tướng. Mấy bà tám được thể “chúa vắng nhà”, tức thì lại kéo nhau sang buôn chuyện nhà cô Cải. Nhóm bạn buôn của mẹ tôi đang túm năm tụm ba, hả hê chê bai người khác thì một người đàn ông xồng xộc chạy vào lôi tay cô Mỡi ra ngoài. Thì ra là chú Mỡi, chồng cô, người nồng nặc mùi rượu.

Vừa kéo vợ xềnh xệch về nhà, chú Mỡ vừa la lớn: “Bà có chừa cái thói buôn chuyện nhà người khác không thì bảo. Bà tưởng bà danh giá cao sang lắm đấy à? Tôi nói cho bà hay, năm xưa chỉ vì trót nhận món tiền 300 hào bố bà giúp đỡ để làm ma cho mẹ tôi mà tôi tình nguyện lấy bà đấy...”. Nghe chú Mỡi nói, cả mấy người đàn bà ngớ người người nhìn theo rồi lục đục ra về.

Thấy bên nhà ầm ĩ, bố tôi bỏ dở ván cờ chạy về. Nhìn bố giận dữ, mẹ tôi rảo bước đi vào buồng. Bố tôi hằm hằm đi theo.

Áp tai vào vách buồng hóng hớt, tôi thấy giọng bố đầy giận giữ: “Chuyện nhà ai nấy rạng. Nhà Mỡi lấy chồng gá nợ thì đâu cao sang, hay hớm gì cho cam. Còn bà, ngày xưa, là tôi tấn công bà hay bà chủ động “trói” tôi. Nếu ai thêu dệt chuyện của bà thì sao?”. Mẹ tôi đang hăng máu khẩu chiến với chồng, nghe ông nói vậy, tức thì thì ngồi phịch xuống giường, im de như thóc....
 
Theo TGPN
Chia sẻ