Bị "lật kèo" nhà đất tưởng mất tiền tỷ đến sở hữu căn hộ 5 sao ở Thủ đô, cặp vợ chồng Hải Dương kể hành trình gian nan khi mua nhà

Bài: Hồng Nhung - Ảnh: Chí Hiếu,
Chia sẻ

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Câu chuyện mua nhà gian lao của cặp vợ chồng trẻ ngoại tỉnh Tùng và Vân có thể trở thành động lực không nhỏ giúp người trẻ sớm hiện thực hóa chuyện sở hữu bất động sản trong tay.

Từ phương án mua nhà đến sở hữu bất động sản là cả chặng đường gian nan

Được biết, từ khi anh Tùng và chị Vân (hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội) lấy nhau, cả hai đã vạch ra kế hoạch 5 năm sẽ cố gắng mua được nhà. Cũng giống như các cặp vợ chồng trẻ khác, anh chị nuôi suy nghĩ sẽ sống trong hoàn cảnh trả nợ để cố gắng phấn đấu còn hơn là sống trong một ngôi nhà thuê chật hẹp.

"Quá khứ trước khi mua được căn hộ hiện tại, hai vợ chồng mình chỉ ở trong một căn nhà rộng 12 mét vuông. Khoảng tháng 9 năm ngoái, khi đón con gái từ quê lên và chứng kiến hình ảnh con tập đi, vui chơi trong hoàn cảnh nhà cửa chật chội, không có không gian đi lại thì hai vợ chồng mình khá chạnh lòng. Lúc đó, chúng mình đã trao đổi với nhau và đi đến thống nhất sẽ cố gắng rút ngắn khoảng thời gian mua nhà, càng sớm càng tốt.

Cho tới năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp bất động sản cùng nhà đất được giao bán giá rẻ hơn. Hai vợ chồng mình suy nghĩ đây là một cơ hội tốt để mua nhà".

Khi có suy nghĩ này, hai vợ chồng suy tính mức tài chính sẽ mua nhà vào khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó có hai phương án được anh chị đưa ra.

Bị "lật kèo" nhà đất tưởng mất tiền tỷ đến sở hữu căn hộ 5 sao ở thủ đô, cặp vợ chồng Hải Dương kể hành trình gian nan mua nhà - Ảnh 2.

Cặp vợ chồng trẻ Tùng và Vân.

1. Mua nhà đất

Hai vợ chồng đều là người ngoại tỉnh, quê tại Hải Dương. Chính vì thế, phương án đầu tiên và cũng được coi là phương án an toàn của cặp vợ chồng này là mua nhà đất. Tuy nhiên, phương án này khiến vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn.

"Hai vợ chồng mình không có nhiều mối quan hệ ở thủ đô, cũng không có chuyên môn về bất động sản hiện tại đang như thế nào. Hai vợ chồng đã dành khoảng 2 tháng để đi xem nhà, chủ yếu là các bất động sản có trị giá từ 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ. Trong đó có 3 căn nhà nhớ nhất là ở Tân Mai, Thái Hà và Trương Định".

- Căn nhà ở Tân Mai và Thái Hà: Cả hai căn đều rất đẹp nhưng vì giá bán và thiết kế không hợp nên đành phải bỏ qua.

- Căn nhà thứ ba nằm ở khu Trương Định: Đây là căn nhà làm hai người gặp nhiều cung bậc cảm xúc và rắc rối nhất.

Xét về các yếu tố như: Vị trí, diện tích, hướng nhà đến chi phí thì đây là căn hợp ý nhất của tất cả mọi người từ vợ chồng tới người thân trong gia đình. Giá bán căn nhà là 2,5 tỷ với 5 tầng và không nằm trong dự án quy hoạch. Mức giá bán phù hợp với tài chính dự trù, diện tích, thiết kế ổn nên hai vợ chồng đã quyết định mua ngay lập tức chỉ sau 2 ngày đến xem nhà.

Tuy nhiên, tới buổi kí kết tại văn phòng công chứng tại Hà Nội thì gia chủ lại bất ngờ "lật kèo" không chịu bán. Hoàn cảnh lúc đó, hai anh chị đã cọc 150 triệu đồng, hợp đồng ký kết đã sẵn sàng khiến anh chị được phen rối rắm.

"Lúc đó chủ nhà nói chỉ nhận tiền 1 lần trong buổi ký kết tại văn phòng công chứng nên vợ chồng mình tất tả huy động tiền. Vay từ người thân, bạn bè,.. xoay xở cho đủ. Trong khi hai bên đã ký kết, lăn dấu tay với điều khoản “chắc như đinh đóng cột” là vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt gấp 3. Lúc đó tâm lý mình rất hoang mang và lo lắng vì chỉ sợ sẽ mất trắng tiền. May mắn sau khi giải quyết thì khoảng mấy hôm sau cũng nhận lại được số tiền này. Tuy nhiên tâm trạng thì tụt dốc không phanh vì còn tranh chấp và vướng vào kiện tụng. Đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết xong xuôi", chị Vân chia sẻ.

Vừa gặp chuyện không may, tâm lý chán nản lại thêm nhiều khó khăn về thời gian tìm mua nhà đất nên đầu tháng 6 năm 2020 anh chị đã quyết định chuyển sang mua nhà chung cư.

Bị "lật kèo" nhà đất tưởng mất tiền tỷ đến sở hữu căn hộ 5 sao ở thủ đô, cặp vợ chồng Hải Dương kể hành trình gian nan mua nhà - Ảnh 3.

Gặp nhiều khó khăn trong quá trình mua nhà đất khiến hai vợ chồng đi tới quyết định chuyển hướng mua căn hộ chung cư.

2. Mua nhà chung cư

Nhà chung cư nếu so sánh với nhà đất không bằng sự an toàn nhưng cũng không thiếu những ưu điểm nổi bật. Điểm sáng lớn nhất ở những căn hộ chung cư là tất cả các thành viên trong gia đình sẽ sinh hoạt chung trên một mặt sàn. Đây cũng là điều hai vợ chồng mong muốn.

"Hiện tại, gia đình mình chỉ có hai vợ chồng và một cô con gái 2 tuổi thôi. Tâm lý của cả hai là muốn có thật nhiều thời gian quây quần bên con cái. Chính vì vậy, sau khi bàn bạc, chúng mình đi tới quyết định sẽ mua nhà chung cư. Tuy nhiên, giá các căn hộ trong trung tâm có chi phí khá cao. Xét tất cả các yếu tố thì hai vợ chồng đã chọn khu vực Hà Đông làm điểm đến mua nhà".

Cũng giống như các bà nội trợ khác, tâm lý lo lắng vụn vặn "tương cà mắm muối" mà sau khi gặp rủi ro vì mua nhà đất, chị Vân mang trong mình tâm lý sợ sệt hơn. Phương án chị đưa ra ban đầu là chỉ muốn mua một căn hộ trong khoảng giá 1,7 tỷ đồng, tức là giảm hẳn 1 nửa so với khoản chi phí bỏ ra mua nhà đất.

Bị "lật kèo" nhà đất tưởng mất tiền tỷ đến sở hữu căn hộ 5 sao ở thủ đô, cặp vợ chồng Hải Dương kể hành trình gian nan mua nhà - Ảnh 4.

Căn hộ cao cấp với giá gần 3 tỷ này không phải là lựa chọn ban đầu của chị Vân.

"Mình nghĩ lúc đó con số này sẽ giúp vợ chồng mình không gặp áp lực về tài chính. Hai vợ chồng vay và trả trong 5 năm là xong. Khi xem một căn chung cư tầm giá này tại Hà Đông mình thấy khá thoáng và rộng rãi, tuy nhiên có hơi cũ một chút. Bản thân mình nghĩ, căn hộ chung cư nó không giống như nhà đất, thời hạn sử dụng ngắn, chỉ cần vài năm là đã cũ rồi xuống giá đi rất nhiều.

Tuy nhiên, chồng mình lại chưa đồng ý. Tâm lý anh lúc đó muốn mua một không gian sống ổn định, an cư và lập nghiệp. Thậm chí anh còn dự trù sẽ dành nhiều tâm huyết để thiết kế và thi công lại ngôi nhà thật đẹp để đón con lên sinh sống. May mắn lúc này hai vợ chồng tìm được căn hộ hiện tại với ban công rộng thoáng lại có 3 phòng ngủ nên đã quyết định sẽ vay mượn thêm tiền để mua", chị Vân chia sẻ.

Căn hộ được anh chị lựa chọn có diện tích sinh hoạt gần 100 mét vuông trong đó diện tích ban công chiếm 14 mét vuông. Căn hộ có giá bán gần 3 tỷ đồng.

Hiện tại, cặp vợ chồng trẻ đã dọn vào ở nhà mới được gần 2 tháng. Được biết, không gian sống khi nhận bàn giao gần như đã đầy đủ nội thất từ tường, trần, sàn, tủ nhưng vì không ưng mắt nên anh Tùng vẫn quyết định đập đi xây lại.

Vốn làm kiến trúc sư chuyên nghiệp nên anh Tùng cũng đã "bao thầu" trọn gói dự án cải tạo chính căn hộ của mình để vừa tiết kiệm chi phí lại có nơi ở đúng theo ý mình. Tổng chi phí hoàn thiện nhà hết hơn 500 triệu nữa.

"Hai vợ chồng mua căn hộ có ba phòng ngủ, rộng rãi như thế này vì muốn tính tới thời gian ở lâu dài hơn. Trong trường hợp có thêm em bé vẫn có thể ở được hoặc ông bà lên chơi thì vẫn có đủ không gian. Sau một quá trình dài cố gắng đến hiện tại cả hai vợ chồng đều đang hài lòng với không gian sống mà mình lựa chọn", anh Tùng chia sẻ.

Không gian sống hiện tại trong căn hộ mới khiến hai vợ chồng cảm thấy hạnh phúc với quyết định có phần "liều lĩnh" của mình.

Cặp vợ chồng trẻ muốn sớm sở hữu bất động sản cần biết chịu áp lực

Khó khăn nhất khi muốn sở hữu bất động sản chính là tài chính. Bởi sau khi vay tiền mua nhà, câu hỏi làm sao để trả được khoản nợ ấy hàng tháng là điều mà ai cũng phải đau đáu. Đặc biệt, với những cặp vợ chồng ngoại tỉnh thì ngoài tài chính, những vướng mắc về giá cả, thủ tục, trình tự giấy tờ cũng là điều đáng quan tâm.

"Không phải cặp vợ chồng nào cũng sinh ra từ vạch đích. Ví dụ như trường hợp của chúng mình. Khi kết hôn được khoảng 3 năm, vợ chồng mình cũng đã tiết kiệm được một khoản. Tiến tới việc mua nhà, hai vợ chồng cũng nhờ cậy sự giúp đỡ của bố mẹ thêm để giảm áp lực tài chính. Tuy nhiên những điều đó là chưa đủ để có thể sở hữu được bất động sản ở thủ đô.

Ngoài số tiền mà chúng mình có, hai vợ chồng đã phải vay mượn thêm ngân hàng. Lãi suất cố định là 8% và thả nổi là 11% được ký trong vòng 20 năm. Tâm lý kéo dài thời gian để không quá áp lực về tài chính là phương án vợ chồng mình lựa chọn. Tuy nhiên, trên hợp đồng kí kết là vậy nhưng kế hoạch chúng mình hướng tới vẫn là cố gắng tiết kiệm để rút ngắn khoảng thời gian trả nợ, xuống còn từ 5 - 7 năm mà thôi", anh Tùng chia sẻ.

Bị "lật kèo" nhà đất tưởng mất tiền tỷ đến sở hữu căn hộ 5 sao ở thủ đô, cặp vợ chồng Hải Dương kể hành trình gian nan mua nhà - Ảnh 6.

Khoảng ban công ngập nắng cực chill và xịn sò với tầm nhìn toàn cảnh thành phố thể hiện đẳng cấp 5 sao của căn hộ.

Được biết để hiện thực hóa kế hoạch rút ngắn thời gian trả nợ này, cặp vợ chồng trẻ đã lên kế hoạch tài chính, chi tiêu tiết kiệm hơn.

Cụ thể:

Mức lương của hai vợ chồng không phải là quá cao nhưng muốn trả nợ nhanh thì Vân đã kinh doanh online thêm ở nhà để tăng thu nhập. Đồng thời, khi được nhận lương cũng sẽ phân bổ từng khoản chi tiết.

Có hai khoản tiền là tiền tiêu cố định hàng tháng của gia đình và tiền để trả nợ được Vân bỏ riêng. Nếu phát sinh thêm chi phí nào khác trong tháng, người vợ trẻ sẽ sử dụng thẻ tín dụng trả trước, để tháng sau bù vào. Bằng cách làm này giúp hai vợ chồng hàng tháng để dành ra được một khoản và có thêm tiền tiết kiệm nữa.

Ngoài ra từ khi mua nhà, hai vợ chồng cũng hạn chế hơn chuyện đi du lịch, cafe, tụ tập bạn bè ở bên ngoài. Ông bà cũng thường xuyên gửi các loại thực phẩm sạch từ quê lên vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe lại tiết kiệm được thêm chi phí sinh hoạt.

"Ngày xưa hai vợ chồng mình chi tiêu ít khi tính toán, lập kế hoạch. Giờ có áp lực nợ nần ở trên vai nên phải học cách điều tiết và sống cùng nó".

Lời khuyên chân thành: Người trẻ nên học cách hoạch định tài chính, mua nhà càng sớm càng tốt

Bị "lật kèo" nhà đất tưởng mất tiền tỷ đến sở hữu căn hộ 5 sao ở thủ đô, cặp vợ chồng Hải Dương kể hành trình gian nan mua nhà - Ảnh 7.

Muốn sở hữu bất động sản ở thủ đô người trẻ nên học cách hoạch định tài chính, càng sớm càng tốt.

Mua nhà vẫn là một vấn đề tranh luận rất nhiều, từ năm này qua năm khác và mỗi người một ý kiến khác nhau. Nhưng với cặp vợ chồng trẻ Vân và Tùng thì việc mua nhà càng sớm sẽ càng tốt.

"Mình rất bị ám ảnh bởi hình ảnh con gái đang ở tuổi tập đi lò dò trong không gian sống chỉ 12 mét vuông ở thành phố. Bé đến nỗi chỉ cần đặt cái giường là đã hết. Con mình cứ trèo lên giường rồi lại trèo xuống đất nhìn rất tội. Mà trộm nghĩ 5 năm sau mới có nhà thì quá lâu, nên vợ chồng mình mới cố gắng mua nhà sớm.

Rất nhiều người nói rằng vợ chồng trẻ có thể ở nhà thuê rồi dành tiền đầu tư thay vì mua nhà. Nhưng theo quan điểm riêng của vợ chồng mình thì đây là độ tuổi hợp lý để mua nhà và làm mọi việc. Vì chỉ cần đến năm 35 - 40 tuổi là động lực làm một điều gì đó rất khó rồi.

Đặc biệt, từ trường hợp của mình nhận ra, các cặp vợ chồng nên hoạch định tài chính để sớm mua nhà khi còn trẻ. Tất nhiên là kế hoạch tài chính nói ra thì dễ nhưng khi thực hiện lại khó khăn vô cùng. Nhưng chỉ cần cân đối tài chính phù hợp cộng với lòng quyết tâm, tinh thần lạc quan “dám nghĩ dám làm” thì khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Sự va chạm trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn”.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ