Bi kịch vợ đổi tình lấy... sự nghiệp!
Có những cử chỉ, lời nói không rõ ràng, có vẻ ỡm ờ, nửa xanh nửa đỏ thì sẽ dễ dẫn đến những hiểu lầm và những va chạm không đáng có, rồi những việc gạ gẫm đổi tình lấy việc, lấy lương, lấy chức vụ....
Hùng kể: “Hồi đó bọn tôi kiếm tiền không nhiều đâu. Trong hai người, chỉ tôi là có thu nhập ổn định, song vẫn ba cọc ba đồng. Còn Lan- vợ tôi, sau vài lần nhảy hết nơi này sang nơi khác, cô ấy vẫn không tìm được công việc vừa ý. Tuy khó khăn, nhưng cuộc sống thật nhẹ nhàng, hạnh phúc. Sau mỗi ngày làm việc, vợ chồng và đứa con trai lại được quây quần, nô đùa, nói đủ thứ chuyện vui vẻ chứ không như bây giờ”.
Khoảng thời gian đen tối nhất, theo Hùng đã xảy ra cách đây hai năm, khi Lan chuyển về làm tư vấn quản lý cho giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. Hồi mới đi làm, Lan vẫn về nhà sinh hoạt với gia đình thường xuyên. Vậy nhưng sau chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, Lan về nhà với tâm trạng khác hẳn.
“Thời gian đầu tôi có dò hỏi, nhưng cô ấy không nói gì cho đến khi tôi bắt gặp cả hai cùng vào một khu nghỉ dưỡng có tiếng ở tận Quảng Bình. Tôi thuê phòng bên cạnh rồi đi vòng, nhảy qua cửa sổ, vào phòng của họ. Vợ tôi và lão giám đốc trên người không mảnh vải... Vợ tôi ú ớ, còn lão giám đốc thì tỉnh bơ như không”, Hùng nhớ lại.
Sau lần đấy, Lan về nhà với tâm trạng của con thú bị thương. Đêm, bên chiếc ghế cạnh giường Lan đã tưới nước mắt vào chiếc gối, thổn thức: Vào làm việc ở công ty một thời gian, Lan đã để xảy ra sai sót, gây thất thoát một khoản tiền lớn. Nhưng thay vì kiểm điểm, đền tiền, đuổi việc như các trường hợp khác, Lan đã được giám đốc mở đường... Nghĩ đến số tiền của công ty đã mất và khả năng thanh toán của gia đình, không còn đường nào khác, Lan đã giấu chồng, đi theo con đường giám đốc đã chọn.
Hùng nhận mình là thằng hèn bởi không giúp vợ sửa sai. Song điều không thể tha thứ là sau khi biết việc đó, cũng như Lan, Hùng đã chọn cách im lặng. “Càng ngày, vợ tôi đi công tác với sếp càng nhiều hơn. Có những lúc dù ở Hà Nội, nhưng cô ấy vẫn không về nhà vì “phải giải quyết nốt công việc”. Nhưng bù lại, Hùng phấn chấn: “Công việc cô ấy cũng khá dần lên. Dẫn chứng là các khoản thu nhập tháng sau luôn cao hơn tháng trước”.
Nhờ những khoản thu nhập mới, bây giờ Lan đã mang về cho Hùng một căn hộ khang trang và hiện đại. Cạnh đó, cũng đã mua ô tô cho Hùng hàng ngày đưa đón cậu con trai đang học một trường quốc tế trong thành phố.
Nhưng dù đã khá hơn so với trước, nhưng Lan - Hùng có vẻ như vẫn chưa muốn thay đổi cuộc sống hiện tại. “Tất cả các khoản thu nhập đều dựa vào vợ nên mình sống chẳng khác gì chiếc bóng trong nhà. Còn Lan, ngày càng đi nhiều hơn. Mỗi lần về nhà, lúc nào cũng “tây tây”, hoặc mệt mỏi... Mình nhắc, cô ấy đáp: Tuổi trẻ có hạn. Lúc này phải tranh thủ, chứ sau này xuống sắc, nó đá mình ra đường thì biết kiếm đâu ra... “Có nhà đẹp, xe đẹp, con thông minh nhưng thông khí gia đình không còn”, Hùng chua chát.
... Và những kết cục không mấy tốt đẹp
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thu Hiền: Chuyện những nhân viên vì muốn có được một công việc ổn định, hoặc một vị trí công việc cao hơn mà sẵn sàng làm bồ nhí cho sếp, mặc cho sự đàm tiếu của của mọi người, thậm chí là bỏ qua hạnh phúc gia đình để đạt được mục đích của mình. Hay những nhân viên vì nhẹ dạ cả tin mà trao thân cho những “yêu râu xanh” chốn công sở đã không còn là chuyện xa lạ. Thậm chí, càng ngày, nó càng có xu hướng phát triển mạnh hơn trong một bộ phận nhỏ, những cô gái có nhan sắc, thậm chí là có cả trí thức.
Giải thích về hiện tượng này, chuyên gia tâm lý Trần Thu Hiền cho rằng, khi xã hội còn đánh giá con người thành đạt qua vẻ bề ngoài và thu nhập thì trào lưu này còn có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Trong khi ở môi trường công sở, lại có nhiều con đường để dẫn tới việc bị sếp tấn công, hoặc nhân viên chủ động tấn công sếp ví dụ như: trang phục khi đi làm quá ngắn, quá mát mẻ, hoặc khi giao tiếp có những cử chỉ, lời nói không rõ ràng, có vẻ ỡm ờ, nửa xanh nửa đỏ thì sẽ dễ dẫn đến những hiểu lầm và những va chạm không đáng có, rồi những việc gạ gẫm đổi tình lấy việc, lấy lương, lấy chức vụ....
Một số trường hợp chồng đồng ý cho vợ theo sếp, như trong câu chuyện của Lan phía trên thì cũng có thể đưa ra giả thiết ví dụ như, chồng yếu sinh lý, trong khi vợ lại có nhu cầu quá cao, hoặc, trường hợp chồng quá phụ thuộc vào vợ về kinh tế và không muốn thay đổi...Ngoài ra còn có tâm lý ông ăn chả, bà ăn nem, hoặc vì con cái mà ông chồng đành làm ngơ để tạo sự im lặng bề ngoài.
Tuy nhiên dù thế nào, thì thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những đứa con, và người phụ nữ. Bởi nhiều ông chồng sau khi phát hiện vợ ngoại tình với sếp thì còn tra tấn vợ, sử dụng vợ như một công cụ để trả thù bệnh hoạn.