Bi kịch của thần đồng Trung Quốc từng vào đại học năm 13 tuổi
Sự quan tâm, bao bọc quá mức của người mẹ đã phá hủy tương lai của thần đồng Trung Quốc Ngụy Vĩnh Khang.
Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983 trong gia đình khó khăn ở huyện Hoa Dung (thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Cha của Vĩnh Khang là cựu chiến binh bị thương tật nặng nề, không có sức lao động. Cuộc sống gia đình anh chỉ dựa vào tiền trợ cấp thương binh của cha và đồng lương ít ỏi từ việc làm thuê cho một cửa hàng tạp hóa của mẹ.
Với quan niệm "kiến thức thay đổi vận mệnh", mẹ của Vĩnh Khang dồn hết tâm huyết để dạy dỗ con trai. Bà bắt đầu dạy Vĩnh Khang viết chữ khi mới một tuổi. Dù còn rất nhỏ nhưng Vĩnh Khang đã bộc lộ tài năng học tập thiên phú.
Khi lên 2 tuổi, cậu đọc thông viết thạo hơn 1.000 Hán tự. Đến 4 tuổi, Vĩnh Khang học xong chương trình trung học cơ sở. Năm 8 tuổi, thần đồng này vượt qua kỳ thi trung học phổ thông và được nhận vào một trường trọng điểm ở địa phương.
Năm 1996, khi 13 tuổi, Vĩnh Khang được nhận vào khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm với điểm số rất cao. Bốn năm sau, anh học thạc sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Vật lý cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây cũng là điểm bắt đầu cho giai đoạn trượt dài của một thần đồng. Vĩnh Khang không thể thuận lợi lấy được tấm bằng thạc sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Thậm chí, còn bị học viện đuổi học sau 3 năm theo học.
Sự bao bọc của mẹ
Mẹ của Vĩnh Khang là bà Tăng Học Mai rất kỳ vọng vào con trai thông minh nên dồn toàn bộ thời gian và tâm sức để dạy dỗ anh từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, bà Mai chỉ quan tâm đến việc giúp Vĩnh Khang nâng cao kiến thức mà bỏ qua việc đào tạo những kỹ năng sống.
Bà Mai chăm sóc con trai từ đầu đến chân, giúp làm từ những việc nhỏ nhất. "Mỗi buổi sáng, tôi bôi kem đánh răng cho con trai, giặt hộ quần áo, cho con ăn, tắm, rửa mặt...", bà kể.
Vĩnh Khang 8 tuổi đã bắt đầu học chương trình trung học phổ thông, nhưng ngôi trường này lại là trường nội trú. Thương con còn quá nhỏ, bà Tăng nghỉ việc rồi thuê hẳn căn nhà nhỏ gần trường để tiện chăm sóc con.
Tuy nhiên, thay vì dạy dỗ để Vĩnh Khang trưởng thành và tự lập, bà Mai không cho con trai động chân động tay vào bất cứ việc gì ngoài học.
Hậu quả từ sự bao bọc này xảy đến khi Vĩnh Khang theo học chương trình thạc sĩ tại Viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc, nhà trường yêu cầu phải sống và học tập mình. Cuộc sống của thần đồng này bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát khi không có mẹ bên cạnh.
Trong mùa đông giá lạnh ở Bắc Kinh, Ngụy Vĩnh Khang chỉ mặc chiếc áo phông đi ra ngoài trong những ánh mắt khó hiểu của người qua đường. Không có mẹ bên cạnh, thần đồng này thậm chí không biết nên mặc quần áo gì trong thời tiết nào, phòng ốc luôn bẩn thỉu vì không được dọn.
Không những không có khả năng tự lập, Ngụy Vĩnh Khang còn không có kỹ năng giao tiếp bình thường. Khi còn nhỏ, bà Tăng Học Mai vì sợ con ham chơi nên không cho phép anh chơi với những đứa trẻ khác. Điều này dần khiến Vĩnh Khang hình thành tính cách ít nói.
Sự quản lý của bà Tăng càng nghiêm khắc hơn khi Vĩnh Khang học đại học. Mỗi khi có bạn bè đến, bà đều lấy cớ anh bận học để từ chối. Có lần, một bạn nữ cùng lớp đến nhà chơi, bà Tăng phát hiện đã mắng Vĩnh Khang nghiêm khắc.
Đó cũng là nguyên nhân khiến giai đoạn học thạc sĩ, Vĩnh Khang không thể giao tiếp bình thường với giáo viên hướng dẫn, thường xuyên không hoàn thành đề tài được giao đúng hạn và thành tích học tập ngày càng sa sút.
Cuối cùng vào năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị trường buộc thôi học, với lý do không thể thích nghi với cuộc sống học tập tại đây.
Hay tin con bị đuổi học, phản ứng đầu tiên của bà Mai là mắng chửi con thậm tệ "con nhảy lầu hay đâm vào xe mà chết đi".
Chán nản và thất vọng trước phản ứng từ mẹ đã khiến Ngụy Vĩnh Khang phải bỏ nhà ra đi một thời gian. Anh lang thang khắp 16 tỉnh, thành chỉ với 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) trong túi.
Khi số tiền đã hết, Vĩnh Khang đành nhờ cảnh sát đưa về nhà. 39 ngày lang bạt này tuy khổ cực nhưng cũng dạy cho anh biết chút ít về cuộc sống tự lập bên ngoài xã hội.
Khoảng thời gian này cũng giúp bà Mai nhận ra sai lầm trong phương pháp giáo dục của bản thân. "Tôi không trách Vĩnh Khang, tôi chỉ trách phương pháp giáo dục của chính mình quá khắc nghiệt với con trai".
Năm 2010, Ngụy Vĩnh Khang kết hôn và có một cô con gái. Những ngày sau đó, anh ngày càng có trách nhiệm hơn với tư cách người cha. Anh trân trọng cơ hội được làm việc và làm việc chăm chỉ, mong muốn con gái có cuộc sống tốt hơn và không đi vào vết xe đổ của mình.
Tuy nhiên cũng vì áp lực cuộc sống, Vĩnh Khang phải làm việc ngày đêm, giống như việc anh từng thức khuya học bài khi còn nhỏ.
Ngày 9/11/2021, Ngụy Vĩnh Khang đột ngột qua đời khi mới 38 tuổi trong một chuyến công tác. Nguyên nhân tử vong được cho là đột tử do làm việc máy tính suốt đêm.
(Nguồn: Sohu, 163)