Bi hài "trốn" Tết vì thất nghiệp, "ế" chồng

NN,
Chia sẻ

Bị bủa vây bởi lời hỏi han "khi nào lấy chồng" hay "bao giờ đưa người yêu về", cô gái tuổi "băm" Lan Anh quyết định lên kế hoạch đi phượt dài ngày để... trốn Tết.

Dở khóc dở cười vì những lời chúc Tết "nhạy cảm"

Năm mới, mọi người đi chúc Tết thường hỏi han nhau về thành quả của năm cũ và dự định trong năm tới. Đây là cơ hội để mọi người quan tâm đến nhau sau một năm làm việc bận rộn nhân dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những lời chúc Tết, hỏi han "nhạy cảm" lại khiến khổ chủ dở khóc dở cười.

Bi hài
Những lời chúc Tết, hỏi han "nhạy cảm" khiến một số người sợ Tết. Ảnh minh họa

Lan Anh (31 tuổi, Hà Nội) 2 năm nay luôn trong tình trạng... sợ Tết. Với cô quản lý nhân sự xinh đẹp này, Tết nhất đồng nghĩa với việc cô sẽ trở thành trung tâm bị "soi" của cả họ. Lan Anh vẫn nhớ như in cái Tết của năm ngoái, khi cô gần như chết ngập trong những lời hỏi han "có người yêu chưa", "khi nào lấy chồng", "bạn trai làm nghề gì".... Nhiều cô dì, chú bác còn nhiệt tình dẫn mối cho người này người kia, khiến cô đau đầu vô cùng. Rồi khi gặp bạn bè, ai cũng chúc cô năm nay sẽ "chống lầy", thoát khỏi hội gái "ế" làm Lan Anh chỉ biết cười trừ cho qua.

Vốn là người giỏi giang, công việc ổn định, thu nhập cao nên Lan Anh dành nhiều thời gian cho việc tận hưởng cuộc sống và chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Trước đây, mọi người ít hỏi han chuyện chồng con của cô vì nghĩ rằng cô đã có bạn trai và chỉ giấu do không muốn bị thúc ép. Nhưng từ khi cô gái này bước qua cái tuổi "băm" thì không những bố mẹ, anh chị em mà cả họ hàng, bạn bè đều trở thành "ông mối", "bà mối" bất đắc dĩ. Ngày thường đã mệt, đến ngày Tết thì hỡi ôi, Lan Anh chỉ muốn chui xuống đất để thoát khỏi câu hỏi "bao giờ lấy chồng".

Khác với Lan Anh, Thu Hường (24 tuổi, Hải Phòng) thì đã có người yêu được 2 năm nay. Tuy nhiên, cô cử nhân đã ra trường được 2 năm này hiện vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp, phải "ăn nhờ ở đậu" bố mẹ. Tốt nghiệp ngành Ngân hàng đúng vào thời điểm suy thoái kinh tế, Thu Hường không thể tìm được một công việc ổn định quá 3 tháng. Dù rất chăm chỉ nộp đơn xin việc nhưng cô gái trẻ này cũng chỉ tìm được vài công việc thời vụ, không có chế độ lương thưởng, bảo hiểm. Nỗi buồn vì mang tiếng cử nhân đại học mà thất nghiệp dần thay thế bởi cảm giác mặc cảm, xấu hổ khi được "hỏi thăm" quá nhiều, đặc biệt là vào những ngày Tết. Vì thế, trong khi mọi người hồ hởi hỏi han, chúc tụng nhau thì Thu Hường chỉ mong cho Tết qua thật nhanh.

101 kiểu... "né" Tết

Nỗi lo nơm nớp vì sợ bị hỏi han chuyện tình duyên, nghề nghiệp, lương bổng khiến những người đang trong tình trạng nhạy cảm không khỏi cảm thấy ngột ngạt. Sự quan tâm thái quá vào các vấn đề riêng tư khiến cho khổ chủ chỉ muốn tìm mọi cách để trốn Tết.

Cũng như năm ngoái, Tết năm nay, cô nàng cá tính Lan Anh đã lên kế hoạch cụ thể cho một chuyến du lịch "tẹt ga". Cô chia sẻ: "Tết nhất đến nhà ai chúc Tết cũng bị lôi ra hỏi han, mổ xẻ chuyện chồng con, sợ lắm rồi. Tết năm ngoái tôi đi du lịch ở Đà Nẵng, còn năm nay, tôi chỉ ở nhà hết ngày mồng 2, sau đó sẽ vào Sài Gòn rồi "phượt" sang Campuchia chơi đến hết Tết. Như vậy vừa được khám phá đó đây, vừa thoát khỏi việc bị mọi người "tra khảo", mối lái".

Bi hài
Ảnh minh họa

Còn với Thu Hường, dù rất muốn đi du lịch như một số bạn bè, nhưng vì không có điều kiện kinh tế nên đành ở nhà. Tuy nhiên, việc đi chúc Tết ông bà, họ hàng được cô gói gọn trong ngày mồng 1 Tết. Rồi mấy ngày sau đó gần như cô chỉ ru rú ở trong phòng đọc sách, nghe nhạc.

Cũng trong cảnh ngộ tương tự là Phương Mai (33 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông). Cô gái hiện đang trong tình trạng "vườn không nhà trống" này cho hay, nhà mình vốn là gia đình thuộc kiểu truyền thống. Bố cô lại là con trưởng nên cứ Tết đến thì cỗ bàn hết cả tuần, không trốn đi đâu được. Và trong mỗi bữa cơm đại gia đình, vấn đề chồng con của Mai lại được mọi người lôi ra. Cái Tết năm ngoái cho đến bây giờ vẫn còn là nỗi ám ảnh với cô khi bị bủa vây "tứ bề" vì những lời hỏi han. Người thì hào hứng giới thiệu mối này mối kia, người thì khuyên cô không nên kén chọn quá, thấy ai gia cảnh anh nào kha khá là "chấm" được rồi. Và cứ thế, mỗi ngày cô đều phải chuẩn bị những câu trả lời sáo rỗng hoặc ậm ừ hay cười cho qua khi bị mọi người "đặt lên thớt".

Năm nay, Phương Mai quyết định xin sếp cho trực tại cơ quan dịp Tết để khỏi phải mệt mỏi vì những lời hỏi han của mọi người. Thế là cả kỳ nghỉ Tết, cô chỉ ở nhà có ngày 30 và sáng mồng 1, còn lại thì lên cơ quan làm việc. Cái Tết của cô năm nay trôi qua nhạt nhòa nhưng ít nhất cũng không khiến cô đau đầu, mệt mỏi.

Bi hài
Sum họp gia đình ngày Tết sẽ vui hơn khi mọi người dành cho nhau những tình cảm chân thành và lời chúc khích lệ. Ảnh minh họa

Rõ ràng, với phong tục truyền thống của người Việt, hỏi han là cách mọi người thể hiện sự quan tâm đến nhau. Tuy nhiên, khi sự quan tâm trở nên thái quá hoặc xen vào những vấn đề riêng tư, tế nhị thì quả thật lại khiến khổ chủ rơi vào tình trạng khó xử. Và vì thế, những người trẻ tuổi đang còn mải mê chinh phục thử thách và hưởng thụ cuộc sống mà "bỏ quên" chuyện hôn nhân, gia đình vẫn phải tìm đường "đào tẩu" mỗi khi Tết đến, xuân về. Những người còn hạn chế một mặt nào đó như thất nghiệp, làm ăn thua lỗ, nợ nần cũng phải tìm cách "né" Tết vì mặc cảm.

Hy vọng rằng, vào những ngày đầu năm, mọi người hãy dành cho nhau lời chúc yêu thương, khích lệ chân thành để ai cũng có một cái Tết thật vui vẻ, thoải mái.
Chia sẻ