Bi hài chuyện tích trữ túi nilon của các bà nội trợ

Bài và ảnh: HH,
Chia sẻ

Một chiếc túi nilon nhỏ xinh nhưng nếu không được sử dụng đúng cách (theo ý các bà nội trợ) có thể gây "bão" trong gia đình.

Âm thầm tích trữ túi nilon

Phong trào nói không với túi nilon được phát động từ cách đây nhiều năm vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Ai cũng biết nilon là chất không dễ để tự phân hủy, nhưng rất nhiều người vẫn sử dụng túi nilon vì chúng tiện dụng. 

Chúng còn là “bạn thân thiết” của các bà nội trợ. Mua thịt, mua đậu hay mua rau,… các bà nội trợ đều để chúng trong túi nilon và treo lủng lẳng trên xe. Không chỉ dùng túi nilon khi đi chợ, khi mua sắm, các bà nội trợ còn tích trữ túi nilon trong gia đình. 

Chị Nguyễn Thanh Huyền (Kim Ngưu – Hà Nội) cho biết, gia đình chị sử dụng hai túi giấy to để chứa nilon: một túi chứa nilon sạch, một túi chứa nilon bẩn. Túi sạch để đựng đồ dùng còn túi bẩn được đặt vào thùng chứa rác.

Bi hài chuyện tích trữ túi nilon của các bà nội trợ 1
Với nhiều bà nội trợ, tích trữ được túi nilon ở siêu thị là cả một "chiến lợi phẩm" vì túi dày, dai, đẹp

Chị Huyền khẳng định tầm quan trọng của chúng: “Không có túi nilon chắc tôi không biết phải xoay sở công việc gia đình như thế nào nữa. Chồng mang cơm trưa đi làm, con đi học mẫu giáo cũng cần túi để đựng quần áo bẩn khi nôn trớ,… Còn với thùng rác, nếu không đặt túi nilon vào đó, thùng lúc nào cũng bẩn, tôi đâu đủ thời gian để ngày nào cũng cọ rửa. Cứ đặt túi vào đó, khi đổ rác, tôi chỉ cần buộc miệng túi mang đi là xong. Vừa sạch sẽ, vừa tiết kiệm thời gian”.

Chị kể, sau khi đi chợ về, những túi đựng đồ khô hoặc rau sạch, chị rũ qua rồi tích trữ để đựng rác. Việc làm tưởng chừng như rất đơn giản này lại giúp chị quán xuyến việc nhà rất tốt.

Không chỉ chị Huyền mới tích trữ túi mà rất nhiều bà nội trợ khác cũng âm thầm góp nhặt từng chiếc túi nhỏ đựng đồ này. 

Bi hài chuyện tích trữ túi 

Phụ nữ nhiều khi khá mâu thuẫn. Họ có thể mua sắm, làm đẹp, ăn tiêu... nhưng lại vẫn thích gom góp, cóp nhặt và dành dụm những thứ lặt vặt như túi nilon!.

Chị Thanh Trà (Khâm Thiên, Hà Nội) là người có sở thích gom nhặt và tích trữ túi nilon như thế. Mỗi lần đi chợ chị đều cố gắng lấy được càng nhiều túi nilon về nhà càng tốt. Như người ta, mua một mớ rau, một quả chanh, hai quả ớt thì bỏ chung vào một túi là được rồi, nhưng chị Trà thì rau đựng vào một túi, xin thêm túi nữa đựng quả chanh, xin thêm túi nữa đựng quả ớt, và xin thêm một túi nữa để đựng tất cả các túi trên....

Và thành quả là cái tủ ở góc bếp nhà Thanh Trà được nhét đầy túi nilon, chật ních 3 ngăn kéo từ to đến nhỏ. Khi được hỏi là chị gom túi lại làm gì thì chị ấy tưng tửng: "Để đựng rác, đựng đồ, thiếu gì thứ đựng! Mua một cân túi nilon này ở chợ là mấy chục nghìn đấy? Rồi sẽ có lúc những cái túi này phát huy giá trị".

Bi hài chuyện tích trữ túi nilon của các bà nội trợ 2
Nhiều bà nội trợ mang chiến lợi phẩm về nhà là tỉ mẩn phân loại, rũ thậm chí giặt qua cho thơm tho

Giá trị đâu chưa thấy, chỉ nhớ lần ấy, vào dịp cúng cô hồn rằm tháng bẩy, mấy nhà quanh đấy tổ chức sắp cơm ở nhà chị. Nhiều món ăn rất ngon, nhưng lúc ăn, ai cũng phải nhăn mặt, chun chun mũi, rồi cuối cùng một người kết luận: "Có mùi!".

Vậy là tất cả lập tức hít hà từng món một để kiểm tra, nhưng không ai phát hiện được gì, bởi mùi hôi không phải phát ra từ thức ăn, nhà vệ sinh cũng đóng kín cửa rồi, không thể bốc mùi ra ngoài được. 

Chẳng ai bảo ai, mọi người đồng loạt buông bát đũa rồi chui vào từng ngóc tủ, ngách bàn, bò cả vào gầm giường, xó chạn để hít, để lùng, nhưng vẫn không thấy! Chỉ đến khi cô Loan - hàng xóm nhà chị Trà mở cái ngăn tủ tích trữ túi nilon ra thì mọi người mới vỡ lẽ rằng, cái mùi hôi thối ấy là của một miếng thịt để lâu ngày lưu cữu, còn sót trong túi nilon, chị Trà không biết nên cứ vo tròn cả mớ rồi nhét vào đó!.

Trường hợp của chị Trúc (Xã Đàn, Hà Nội) lại khác, chị sắp xếp hệ thống túi trong các ngăn tủ rất quy củ và có phân loại đàng hoàng: ngăn trên cùng là túi loại nhỏ và mỏng, tích cóp được từ những lần mua đậu, mua dưa cà, mua thịt; ngăn thứ hai gồm những túi loại to hơn, là chiến lợi phẩm từ những hôm mua gạo, mua rau muống; ngăn cuối cùng là loại túi dày, to và lịch sự nhất, có được từ những dịp mua quần áo, giầy dép, mỹ phẩm ngoài shop, trong siêu thị. 

Đương nhiên, đã phân loại như vậy tức là mục đích sử dụng cũng đã được quy định riêng cho từng loại. Chị Trúc kể rằng, hôm ấy, con bé nhà chị ị đùn ra bỉm. Chị cởi bỉm của con ra rồi bảo chồng lấy túi nilon gói kín lại, vứt vào thùng rác. Thế nhưng vừa nhìn thấy chồng cầm cái túi, chị đã gào lên: "Trời ạ! Cái túi to, đẹp và lịch sự thế kia mà anh lấy để gói bỉm sao? Lấy cái loại túi mỏng nhất, nhỏ nhất, ở ngăn trên cùng ấy!".

Từ đó, mỗi lần được vợ sai đi lấy túi gói cái gì là anh Toán - chồng chị lại đứng ngẫm nghĩ một lúc, anh bảo: "Cũng đau đầu ra phết đấy, luôn phải 'căng' các giác quan ra để tính xem nên lấy loại túi nào cho phù hợp". 

Rồi lại nói đến trường hợp của chị Tú Chi (Định Công, Hà Nội), ngày sinh nhật con chị, họ hàng, bạn bè tụ tập kéo qua nhà chị ăn bánh ga-tô mừng. Bà ngoại bé cũng đến dự, nhưng vì nhà xa nên bà chỉ ngồi chơi một lát rồi chào mọi người để về trước nghỉ ngơi. Chị Chi lúc tối có mua một cân giò ngon để cả nhà ăn cơm, còn thừa hơn nửa nên chị biếu bà luôn. Chị quay sang bảo chồng: "Anh lấy cái túi nilon, gói giò lại để bà mang về nhé".

Thế nhưng vừa nhìn thấy con rể cầm cái túi, mẹ vợ đã gào lên: "Trời ạ! Con ơi là con! Cái túi to, đẹp và lịch sự thế kia mà con lấy để gói giò sao? Lấy cái túi mỏng mỏng, bé bé, xấu xấu là được rồi!. Phải biết tiết kiệm chứ?".

Chị Chi thấy vậy thì cũng thêm lời: "Con dặn anh ý bao nhiêu lần rồi đấy mẹ ạ. Chỉ còn thiếu nước là ghi hẳn lên giấy để anh ấy đọc thôi".

Sau lần ấy, anh Lâm - chồng chị Chi đã nghĩ ra một cách. Ấy là mỗi lần vợ bảo lấy túi gói cái gì, thì anh ấy lấy tất cả các loại túi, từ to đến nhỏ, từ xấu đến đẹp, đưa ra trước mặt vợ. Vợ chọn loại nào thì chọn, còn đâu anh lại đem cất vào tủ....
Chia sẻ