Bi hài chuyện những bà vợ nổi máu "găng tơ"
Những chuyện bạo hành ngược, trong đó người vợ đứng ở phía kẻ bạo hành là không còn hiếm. Bài viết này muốn nói đến những người vợ có học thức hẳn hoi, nhưng vẫn làm gia đình xào xáo, chồng con khổ sở vì thích dùng các kiểu... bạo lực.
Những kiểu giận... kinh hoàng
Anh Vũ Đình Nam, sống ở Hà Đông, Hà Nội được bạn bè đặt cho biệt danh "Nam râu quặp", khỏi giải thích thì ai cũng biết biệt danh này gắn liền với ý nghĩa gì. Bạn bè vẫn còn nhớ, hồi thanh niên, Nam hào hoa, tài tử, rất đàn ông, được phụ nữ yêu mến. "Trời trả báo nó", bạn bè xì xào, "đào hoa cho lắm rồi lấy phải sư tử Hà Đông, tao gặp vợ nó còn rét run, huống gì nó".
Quả thật, ít có bà vợ nào trong đám vợ bạn bè "đáng sợ" bằng vợ anh Nam. Chị là giáo viên trường mầm non, nhưng đã một vài lần bị phụ huynh lên mắng vốn vì phạt các cháu nhỏ "quá tay". Phạt con, chị cầm chổi lông gà quất cật lực, thậm chí tát thẳng vào mặt, anh nhìn xót con ghê gớm. Nhưng chưa là gì so với "phạt chồng".
Mỗi lần giận anh, chị cào cấu, giật tóc, đấm đá anh túi bụi. Mỗi khi cơn giận đi qua, người anh Nam tím bầm nhiều chỗ, trên tay đầy những vết rướm máu, che cách nào thiên hạ cũng biết. Nhưng lúc ấy, đi làm hay đi ra ngoài với bạn bè, anh chỉ còn cách trân mình chịu những cái nhìn soi mói, những tiếng xì xào. Bù lại tính cách "sư tử" ấy, chị lại là người rất chu toàn, thuỷ chung, chăm chồng con số một.
Vợ anh Nam khá "đáng sợ", nhưng dù sao vẫn còn nằm trong phạm vi "đóng cửa bảo nhau". Có những người vợ, khi cơn giận bốc lên, không thể kiểm soát hành động, sẵn sàng làm chồng mất mặt chốn đông người.
Bạn bè anh Đỗ Huy Tính, Bình Thạnh, TPHCM, còn nhớ mãi trận chiến kinh khủng hôm sinh nhật một người trong bọn. Ham vui, đến quá 10 giờ đêm mà anh Tính vẫn còn bù khú ở quán nhậu. Đột nhiên, người ta thấy chị vợ đùng đùng dắt con đến, ngồi phịch xuống bên cạnh anh chồng, mặt sưng sỉa. Xấu hổ, anh Tính vừa ngọt ngào để đưa vợ về, thì bất ngờ chị vợ vung tay hất tung các thứ trên bàn, vừa khóc bù lu bù loa. Đám bạn nhậu vội vã tính tiền rồi rút êm, từ đó "cạch mặt" không dám rủ anh Tính nhậu nữa.
Một bà vợ khác, chị Hoài Chinh, nhân viên phòng kế hoạch của một công ty xuất khẩu thực phẩm ở Đồng Nai thì có kiểu "bạo hành" chồng nổi tiếng trong đám bạn chồng lẫn bạn mình. Mỗi lần giận chồng hay vợ chồng cãi nhau, thì dù đang ở nhà hay ngoài đường, chỉ có vợ chồng hay chốn đông người, chị đều tự đập đầu mình bôm bốp vào mọi vật xung quanh, từ thành ghế đến cây, cột, tường.
Báo hại anh Hoàng chồng chị bao nhiêu phen phải vừa năn nỉ vừa lôi vợ về nhà băng bó, sau thì sợ không dám đi cùng vợ đến chốn đông người, hoặc nhỡ có đi thì luôn tâm niệm "một điều nhịn chín điều lành". Bạn bè ác miệng nói: "Càng ngày bà Chinh càng hay giận chồng kiểu "tự sát", chắc đập đầu vào tường nhiều quá nên thần kinh "có vấn đề". Anh Hoàng cũng vì cái tật này của vợ mà nhục nhã không để đâu cho hết.
Xấu chàng, hổ ai?
Câu hỏi đó đã không ít lần được các anh chồng đặt lên cho vợ mình. Anh Trần Minh Luân, IT một công ty truyền thông ở quận 3, TPHCM, người chồng của một cô vợ có tật mỗi lần giận là... ném đồ, rầu rĩ chia sẻ trên trang cá nhân của mình: "Vợ ơi, lúc bình thường vợ hiền ngoan là thế, tại sao mỗi khi giận dữ vợ đều biến thành... găng tơ. Tất cả mọi thứ trong tầm tay vợ đều biến thành... đĩa bay, bao nhiêu lần anh suýt vỡ đầu, cũng không ít lần người xung quanh vạ lây. Vợ có biết mỗi khi vợ lên cơn hung hăng là anh tức giận và xấu hổ lắm không. Thiên hạ nhìn vào, anh mất mặt thì vợ cũng đâu còn mặt mũi nhìn người ta?...".
Nếu như các chị vợ nói trên hoàn toàn là những "bà vợ" lắm lời, hung dữ, không biết đúng sai phải trái, thì lại dễ cho các ông chồng trong giải quyết vấn đề, cứ "đường ai nấy đi" là xong. Khổ nỗi, những lúc không "nổi cơn", các chị vẫn là những phụ nữ đảm đang khéo léo, yêu chiều chồng, chăm bẵm con nhất mực. Gia đình những lúc không bị những cơn giận mờ lý trí của các chị vợ làm xào xáo vẫn rất hạnh phúc, rộn rã tiếng cười. Vì vậy mà các ông chồng, phần vẫn còn yêu thương vợ, phần không muốn mất tổ ấm, làm khổ con cái, nên cứ phải duy trì tình cảnh "sáng nắng chiều mưa đến trưa bão tố".
Tuy nhiên, sức chịu đựng con người cũng có giới hạn, huống chi với những người đàn ông, thì chuyện "mặt mũi" là rất quan trọng. Bị vợ "đầu gấu" làm mất mặt, tuy không muốn bỏ vợ con, nhưng lâu dần, cảm giác ức chế cũng khiến các anh dần chán nản, muốn buông lơi tất cả. Anh Huy Tính, sau lần bị "quê độ" với những người bạn nhậu, mệt mỏi không muốn tham gia vào bất cứ cuộc nhậu nào khác, cứ đi làm xong là anh về thẳng nhà. Nhưng không phải với tâm trạng vui vẻ của một người chồng về với vợ con, mà cứ về đến nhà anh lầm lầm lì lì, chẳng nói chẳng rằng, ăn xong vào buồng đóng cửa đến khi ngủ. Suốt mấy tháng trời căng thẳng, gia đình đứng trên bờ vực tan vỡ.
Anh Hoàng, chồng chị Hoài Thu, người vợ có thói quen "đập đầu" thì vì ức chế trước cư xử của vợ, mà đã có một hành động bộc phát kinh hãi: Trong một trận cãi vã, chưa kịp để cho chị kịp "đập đầu", anh đã phản ứng bằng cách... tự đập đầu mình vào thành giường để chị sợ. Tuy nhiên, chiêu "đập đầu" của chị vợ đầy kinh nghiệm, chỉ dùng doạ chồng, còn anh chồng, va phải cạnh giường, máu ra nhiều, phải đi băng bó ngay trong đêm. Từ đó, chị vợ cạch đến già cái thói quen "đầu gấu" ấy, tuy nhiên, tình cảm vợ chồng cũng đã đôi phần sứt mẻ.
Nói đi thì cũng phải nói lại, để đến nông nỗi từ vợ hiền thành... vợ dữ, cũng có không ít phần lỗi là của các ông chồng. Người thì nhu nhược quá, luôn chủ trương "nhịn cho êm nhà", kẻ thì hay có những trò lén lút, sai quấy, để khi vợ "quậy" thì không dám phản ứng, chỉ làm thinh cho qua hết "lỗi anh lỗi nàng". Từ thói quen không hay, mang hơi hướm bạo lực, không kiềm hãm, từ sự "dung dưỡng" và thiếu giải quyết rốt ráo của người chồng, các bà vợ đã tự biến mình thành những "người phụ nữ xấu xí" trong mắt chồng con, đẩy hạnh phúc gia đình đến nguy cơ không đáng có.