Bị dừng xe, chủ phương tiện có quyền làm gì?

Theo VnMedia.vn,
Chia sẻ

Nếu bị cảnh sát giao thông dừng phương tiện trên đường, người tham gia giao thông được quyền làm gì và phải lưu ý điều gì để tránh bị phạt hoặc tránh dẫn đến hành vi "chống người thi hành công vụ".

Mặc dù lưu thông trên đường, nhưng rất ít người tham gia giao thông biết được toàn bộ "quy trình" cần thiết phải làm nếu gặp cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc nhận hiệu lệnh dừng xe của CSGT.

Theo Trung tá Lương Đình Hợi, Đội tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, nếu bị cảnh sát giao thông dừng phương tiện trên đường, người tham gia giao thông phải có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ chứ không phải được quyền làm gì.

Theo đó, nếu bị CSGT yêu cầu dừng xe, người điều khiển phương tiện cần phải chấp hành, xuống xe và xuất trình giấy tờ theo đúng quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Theo đó, người tham gia giao thông cần biết, điều kiện của người lái xe tham gia giao thông theo Điều 58 Luật Giao thông đường bộ: Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

Bị dừng xe, chủ phương tiện có quyền làm gì? 1
  

Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Trung tá Lương Đình Hợi đặc biệt nhấn mạnh rằng, người điều khiển phương tiện cần xuống xe và hợp tác với CSGT, không nên ngồi trên xe rồi hất hàm hỏi ngay: "Tôi đi đúng luật sao lại dừng xe của tôi?". Bởi, khi một phương tiện nào đó nhận được hiệu lệnh dừng xe của CSGT chắc chắn phải có lỗi gì đó. Khi người điều khiển phương tiện xuống xe, sẽ được CSGT thông báo lỗi vi phạm cụ thể.

Cũng theo Trung tá Lương Đình Hợi, ngoài lực lượng CSGT trên đường, ở Hà Nội còn 15 tổ 141 hoạt động và cũng thực hiện việc dừng phương tiện để kiểm tra. Riêng đối với lực lượng này thì khi dừng xe yêu cầu kiểm tra không nhất thiết người điều khiển phương tiện phải có biểu hiện vi phạm rõ ràng mà chỉ có dấu hiệu nghi vấn là lực lượng này có quyền dừng để kiểm tra.

Bên cạnh đó, Bộ Công an có quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của CSGT rất cụ thể: Trong trường hợp người lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT mà bỏ chạy thì trước hết CSGT phải ghi nhận các đặc điểm nhận dạng, biển số và đặc điểm của người điều khiển phương tiện.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người lái xe mà tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát quyết định tổ chức lực lượng, phương tiện, biện pháp thực hiện việc truy đuổi, tuy nhiên phải đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ và người tham gia giao thông.

Ngoài ra, lực lượng CSGT thông báo cho các lực lượng kiểm soát giao thông liền kề trên tuyến, các lực lượng khác hỗ trợ và báo chỉ huy đơn vị để chỉ đạo. Lực lượng tuần tra kiểm soát liền kề khi nhận được thông tin sẽ hỗ trợ triển khai ngay lực lượng, duy trì chế độ thông tin liên lạc để phối hợp ngăn chặn. Đồng thời trong khi truy đuổi phải giữ tốc độ và khoảng cách an toàn giữa xe tuần tra với xe vi phạm, dùng loa, còi và hiệu lệnh yêu cầu người lái xe bỏ chạy dừng lại hoặc tìm cách vượt lên phía trước để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Trong khi thực hiện việc ngăn chặn hành vi lái xe vi phạm bỏ chạy, nếu xảy ra các vụ việc gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, Nhà nước hay sức khỏe, tính mạng người dân thì trước hết tổ tuần tra phải bảo vệ hiện trường, tổ chức cấp cứu người bị nạn (nếu có), báo cáo lãnh đạo cấp đơn vị để chỉ đạo. Lực lượng CSGT cũng phải báo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để phối hợp giải quyết theo quy định.

Chia sẻ