Tư vấn sức khỏe sinh sản:

Bị cúm khi mang thai có nguy hiểm không?

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Bị cúm khi mang thai không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật, mà khi sốt cao cộng với độc tính của virus cũng có thể gây nên hiện tượng sẩy thai hoặc sinh sớm.

Chào các bác sĩ, tôi bị cúm khi mang thai 8 tuần nên vô cùng lo lắng. Lúc đó tôi bị hắt hơi, sổ mũi, ho, cảm lạnh, không sốt. Tôi không dám uống bất kì loại thuốc nào mà chỉ ngậm chanh mật ong và để tự khỏi. Sau 1 tuần thì tôi khỏi cúm. Xin bác sĩ cho tôi hỏi, tôi bị như vậy có ảnh hưởng đến thai nhi không? Xin hỏi loại cúm nào thì ảnh hưởng đến thai nhi? Tôi xin chân thành cảm ơn! (T.T)

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn T.T thân mến,

Vào mùa đông, thời tiết thay đổi đột ngột khiến cho tỉ lệ người bị cảm cúm tăng lên đáng kể, đặc biệt là những phụ nữ mang thai. Bị cúm khi mang thai có vẻ vô hại đối với người mẹ nhưng trong nhiều trường hợp lại có thể đe dọa sức khỏe của thai nhi, nhất là trong trường hợp người mẹ bị sốt. Nếu mẹ bị sốt khi mang thai, tùy theo mức độ và tuổi thai mà có thể dẫn đến những hậu quả như dị tật thai nhi...

Bị cúm khi mang thai là một trong những nỗi lo sợ nhất của các bà bầu. Virus của dịch cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật, mà khi sốt cao cộng với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây nên hiện tượng sẩy thai hoặc sinh sớm.

Bị cúm khi mang thai có nguy hiểm không? 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi đang mang thai, việc dùng thuốc trị bệnh lại không được thoải mái và dễ dàng như bình thường bởi hầu hết các thuốc đều có thể gây hại cho cả mẹ và con cũng như quá trình mang thai.

Bạn có các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho, cảm lạnh... thì đó là dấu hiệu của bệnh cúm hoặc là các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Nếu bạn không sốt và trước đây có tiền sử viêm mũi dị ứng thì khả năng dẫn đến dị tật thai nhi là rất thấp. Bạn cũng không nên lo lắng quá mà hãy chú ý chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Bạn nên theo dõi thai kì sát sao trong những lần siêu âm thai định kì (các mốc quan trọng nhất là thai 7 tuần - 12 tuần – 22 tuần – 32 tuần) hoặc tiến hành làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như: Double TestTriple Test.

Vì bạn bị cúm trong tuổi thai dưới 12 tuần thai nên phải hết sức thận trọng vì có thể gây dị tật ở thai nhi. Ngoài ra, theo thống kê thì cúm A thường ảnh hưởng đến thai hơn các loại cúm khác.

Bạn nên đi khám, siêu âm và trao đổi với bác sĩ về tình hình của mình theo đúng định kì để các bác sĩ nắm được các yếu tố ảnh hưởng và có hướng quản lý thai thích hợp nhất.

Bất kì người phụ nữ khi mang thai nếu bị cúm cũng cần lưu ý những điều sau:

Thứ nhất là đi khám bác sĩ. Hệ thống miễn dịch của người phụ nữ sẽ suy giảm hơn từ khi bắt đầu mang thai, do đó, bà bầu rất dễ bị nhiễm trùng, mắc ho, cảm lạnh và cúm. Và trong các trường hợp này chỉ có bác sĩ mới có những lời khuyên tốt nhất sau khi đã khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Nguyên tắc thứ hai cũng rất quan trọng là không được tự ý dùng bất kì loại thuốc nào. Các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ dẫn đến sẩy thai, dị tật thai nghén, nhiễm độc thai nghén... nếu được dùng không đúng chỉ định, liều lượng và chức năng. Vì vậy, thai phụ chỉ nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chúc mẹ con bạn vui, khỏe!

Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email:suckhoe@afamily.vn




Chị em cần tiêm phòng những gì trước khi mang bầu?Bị cúm khi mang thai có nguy hiểm không? 2
Chia sẻ