Bị căng ngón chân cái, đi khám vài lần vẫn được bảo là căng cơ, chỉ đến khi suýt bại liệt mới biết là do bệnh nguy hiểm

Hoàng Lê,
Chia sẻ

2 năm trời kể từ khi đi lại khó khăn, người phụ nữ đi khám nhiều nơi nhưng toàn được chẩn đoán căng cơ rồi cho thuốc về uống. Hậu quả là theo thời gian chị bị thoái hóa khớp và 2 chân teo dần.

Kể từ năm 2007, chị N.T.T.H (ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) xuất hiện những dấu hiệu như căng ngón chân trái, khó khăn trong đi lại. Chị đi khám thì được bác sĩ điều trị chẩn đoán chỉ bị căng cơ và cho về nhà thuốc uống. Dù tình trạng kéo dài không khỏi bệnh nhưng khi quay lại viện bác sĩ vẫn khẳng định rằng bệnh nhân chỉ bị căng cơ.

Sang một bệnh viện khác, bác sĩ lại chẩn đoán chị bị thoái hóa khớp và căng cơ, tiếp tục cho uống thuốc một tháng nhưng vẫn không hiệu quả.

Hinh MRI cua benh nhan TH - 1

Hình ảnh MRi của bệnh nhân.

Cứ như vậy sau một năm dài tìm kiếm nguyên nhân, tình trạng bệnh nhân ngày một nặng nề hơn, không thể đi đứng bình thường, muốn di chuyển cần phải có người hỗ trợ. Có lúc bệnh nhân bí tiểu cần đi đặt ống thông tiểu.

6 tháng trước bệnh nhân bắt đầu tê mặt trong đùi 2 bên sau đó lan xuống 2 bàn chân, tê lên đến ngang rốn.

Tại một bệnh viện tại quận Bình Tân, qua thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, bệnh nhân được xác định teo cơ cẳng chân 2 bên, tê ngang mức D10 trở xuống tăng phản xạ gân cơ, babinski âm tính, có rối loạn cơ vòng.

Sau phiên hội chẩn với các chuyên gia Nội - Ngoại Thần kinh, bệnh nhân được chỉ định chụp MRI cột sống ngực.

Kết quả cho thấy bệnh nhân có thương tổn choán chỗ trong ống sống ngoài tủy ngang T8-T9, mặt trước bên tủy chiếm gần hết ống sống chèn ép và đẩy tủy sang trái ra sau thương tổn, u màng tủy chèn ép tủy ngực.

_DSC1929

Bệnh nhân sau mổ.

Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định vi phẫu thuật giải ép tủy và lấy trọn u tủy làm giải phẫu bệnh. Hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt và đã xuất viện chỉ sau 2 ngày phẫu thuật.

TS.BS Huỳnh Hồng Châu, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện CIH cho biết, chị H. có tăng phản xạ gân xương chi dưới, kèm với dấu hiệu rung giật bàn chân nên các bác sĩ nghĩ đến hội chứng chèn ép tủy ngực.

Hội chứng chèn ép tủy ngực lúc đầu khó phát hiện, cần đến bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh hoặc ngoại thần kinh khám tỉ mỉ về cảm giác và phản xạ gân xương (tăng trương lực cơ, tăng phản xạ gân xương,…) cùng kết hợp những dữ liệu căn bản gồm: Bệnh sử, kinh nghiệm khám bệnh và MRI cột sống ngực mới xác định được.

ket-qua-giai-phau-2

Hình ảnh giải phẩu khối u sau mổ.

U màng tủy là khối u có triệu chứng khởi phát và tiến triển chậm nên dễ dàng bị bỏ qua những dấu hiệu trong giai đoạn đầu.

Bác sĩ khuyến cáo khi có các triệu chứng đau cột sống cổ, ngực hay thắt lưng đi kèm với lan ra tay, chân, bụng kèm triệu chứng khó thở, bí tiểu nên đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa nội ngoại thần kinh để có chẩn đoán chính xác và hướng điều trị phù hợp.

Việc chẩn đoán và điều trị các u tủy sống muộn có thể dẫn đến biến chứng liệt tứ chi khó hồi phục hoặc đột tử do suy hô hấp.

Chia sẻ