Bị bạo hành chưa tủi nhục nhất, người phụ nữ này còn phải chứng kiến chồng giở trò đồi bại với cháu ruột
"Cảm giác hàng trăm lần bị chồng say rượu đánh bầm da thịt, hàng chục lần bị chồng đuổi, phải ôm con ra phía sau chuồng bò trải bạt nằm... vẫn không tủi nhục bằng lần phải chứng kiến chồng mình ra sức khống chế, giở trò đồi bại với chính cháu gái của mình".
Đó là lời tâm sự nhói lòng của chị Hoàng Thị Nguyệt (SN
1978, ngụ xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) người đàn bà đã từng nuốt
nước mắt, muối mặt đứng ra tố cáo hành vi đồi bại của người chồng bất nhân.
Bé gái ngồi giữa (áo trắng) vẫn còn bị ám ảnh về hành vi đồi bại của người chú.
12 năm trước, chị Nguyệt và chồng là Vi Thanh Tùng (SN 1974)
đến với nhau qua sự mai mối, sắp đặt của hai bên gia đình. Ngày ấy, vì mải vật
lộn với cuộc sống mưu sinh, chăm sóc cha mẹ già yếu nên chị Nguyệt không để ý
đến chuyện lập gia đình. Ngoảnh đi ngoảnh lại thì chị đã gần bước sang tuổi 30.
Nhìn những người bạn cùng trang lứa trong bản đã yên bề gia thất, thậm chí con
cái đã biết làm việc nhà giúp cha mẹ thì chị mới giật mình. Gia đình hối thúc,
chị cũng muốn kiếm một tấm chồng để ổn định cuộc sống. Bao nhiêu đám mai mối
tìm đến nhưng chị chỉ ưng mỗi Tùng. Với chị Nguyệt, đó là duyên số.
Thời gian đầu, Tùng tỏ ra là người chồng tốt, sống có trách
nhiệm. Ngày vẫn hai buổi cùng vợ lên rẫy tỉa ngô, trồng sắn, khi rảnh rỗi vẫn
đi phụ hồ trong các công trình xây dựng gần nhà kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng,
khi con gái đầu lòng chào đời, đau ốm liên tục, chị Nguyệt chẳng làm được gì
ngoài việc chăm sóc con tại bệnh viện. Đồng tiền vất vả kiếm được cũng theo
những trận ốm của con mà đội nón ra đi. Gia đình lâm vào cảnh túng quẫn khiến
Tùng chán nản, sinh tật rượu chè, vũ phu.
“Những lúc say, tâm tính chồng tôi thay đổi hẳn, thường xuyên
chửi mắng, đánh đập vợ con. Tôi không nhớ rõ đã bao nhiêu năm phải gánh chịu
những trận đòn thấu xương thịt của chồng. Đánh chán, anh chửi mẹ con tôi là “đồ
ăn hại” rồi đuổi ra khỏi nhà trong đêm tối. Mẹ con tôi không biết đi đâu, không
dám làm phiền ai nên đành ra cạnh chuồng bò trải bạt nằm. Dù phải trốn chui
trốn lủi nhưng tôi vẫn không dám ngủ vì sợ không may anh ta ra lại bắt gặp", chị Nguyệt nhớ lại.
Sau nhiều năm gánh tủi nhục, cố gắng khuyên bảo chồng bất
thành, chị Nguyệt gạt nước mắt, gửi con về nhà bố mẹ đẻ rồi vào miền Nam làm
thuê, quyết định sống ly thân với Tùng. Vợ bỏ đi, gia đình tan vỡ, Tùng càng đổ đốn hơn. Năm 2010, Tùng bị kết án 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Ra tù, Tùng điện
thoại mong muốn hàn gắn lại tình cảm để gia đình đoàn tụ. Tùng không quên hứa
hẹn sẽ sửa đổi tính nết và từ bỏ rượu chè. Nghĩ trong thời gian ở tù đã giúp
chồng tu tỉnh, biết nhận ra lỗi lầm của mình mà làm lại từ đầu nên chị Nguyệt
trở về, hàn gắn tình cảm. Nào ngờ, Tùng vẫn chứng nào tật nấy, men rượu đã ăn
sâu vào máu thịt khiến gã không thể dứt ra. Mang thai đứa con thứ 2 mà chị lúc
nào cũng phải canh cánh lo sợ. Vì sợ ảnh hưởng đến cái thai trong bụng nên cứ
thấy chồng say là chị lại dắt con gái đầu chạy trốn đến khi chồng tỉnh rượu mới
dám về nhà.
Nghĩ đến con cái, chị Nguyệt cố gắng sống nhẫn nhục. Chỉ đến
khi chứng kiến chồng giở trò đồi bại với cháu gái mình, chị mới bắt đầu bừng
tỉnh, quyết định tố cáo người chồng mất hết nhân tính.
Tố cáo chồng giở trò đồi bại với cháu gái
Trưa ngày 7/12/2014 vừa đi làm về tới nhà, chị Nguyệt chết
lặng khi thấy chồng mình đang khống chế, giở trò đồi bại với cháu Ngân Thị Mai
(9 tuổi, cháu ruột, gọi chị Nguyệt bằng dì), để mặc cháu Mai gào khóc,
chống cự. Chị ôm đầu la hét khiến Tùng giật mình, buông cháu bé ra.
Sau nửa tháng sống trong câm nín, tủi nhục, chị Nguyệt quyết
định tố cáo hành vi bất nhân của chồng. Với hành vi “hiếp dâm trẻ em”, Vi Thanh Tùng phải gánh nhận mức án 18 năm
tù giam.
Bị cáo Tùng ngày xét xử.
Gần hai năm kể từ ngày chồng ngồi tù, căn nhà nhỏ chỉ còn ba
mẹ con chị Nguyệt sống thui thủi. Có lẽ đây là quảng thời gian bình yên nhất
của cuộc đời khi chị không còn phải sống trong cảm giác lo lắng, tìm cách ôm
con chạy trốn mỗi khi người chồng say rượu. Hàng ngày, chị gửi cô con gái nhỏ
mới gần 2 tuổi nhờ ông bà trông chừng để đi làm thuê. Ai thuê cuốc đất, phụ
hồ chị cũng nhận làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Hỏi chị vì sao mãi tận nửa tháng sau mới tố cáo hành vi của
chồng, chị Nguyệt gạt nước mắt: “Dù chồng tôi có thế nào đi chăng nữa cũng là
cha của hai đứa con tôi. Mới đầu, tôi định dấu kín chuyện vì sợ sau này các con
tôi lớn lên sẽ bị ám ảnh bởi là con của một kẻ bất nhân, từng ngồi tù ra tội.
Sợ chúng sẽ không thể lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác khi có một
người cha như vậy. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu không tố cáo chồng thì tôi lại là
người mang tội, tạo cơ hội cho chồng trượt dài trong tội lỗi. Chỉ mong sau lần
ngồi tù này anh ta sẽ thật sự thức tỉnh. Mẹ con tôi vẫn luôn mở rộng cửa để đón
chờ chồng, cha trở về".
Từ ngày Tùng bị bắt đi đến bây giờ, cả gia đình mới được gặp
nhau trong phiên tòa xét xử, những giây phút đoàn tụ ngắn ngủi ấy, họ chỉ biết
nhìn nhau. Từ đó đến nay, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị cũng chưa đưa con
đi thăm chồng.
Chia tay người đàn bà bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy chị
tất tả chuẩn bị cho công việc buổi chiều. “Cố gắng làm thuê, dành dụm chút tiền
để đưa hai đứa con vào trại thăm chồng, chắc anh ấy cũng đang mong lắm. Vào còn
động viên chồng cải tạo tốt, sớm trở về với vợ con", lời người đàn bà vị tha
còn vang vọng.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi