Bí ẩn giáo phái khí thực giáo: Những kẻ kiên quyết tẩy chay đồ ăn nước uống, chỉ sống bằng... không khí trong nhiều năm liền
Họ tin rằng thực sự có một cách huấn luyện cơ thể và tinh thần hài hòa với không khí cùng ánh nắng mặt trời, thiên nhiên.
Phong trào được gọi là “breatharianism” (‘khí thực giáo” hay nói dễ hiểu hơn là “nhịn ăn”). Các tín đồ thường tuân theo những hình thức nhịn ăn khắc nghiệt với niềm tin rằng nó sẽ giúp họ đạt được trạng thái cao hơn, đồng thời tiêu trừ mọi tạp chất trong người. Trong khi nhịn ăn vốn là một phần trong các tôn giáo lớn bao gồm Ấn Độ giáo, Công giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo, Lão giáo và Do Thái giáo… thì những người “Khí thực giáo” lại đưa hình thức này lên một cấp độ cao siêu hơn nhiều.
Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng có nhiều người chấp nhận Chủ nghĩa Khí thực giáo như một lối sống. Wiley Brooks, người sáng lập Viện khí thực Mỹ, đã giải thích vào những năm 1980: "Người theo chủ nghĩa khí thực là người có thể, trong những điều kiện thích hợp, không cần ăn thức ăn vật chất để sinh tồn".
Hình ảnh cụ ông Wiley Brooks
Theo Brooks và những người khác, lợi ích của việc làm như vậy bao gồm sức khỏe tốt hơn, nhiều năng lượng hơn và đời sống tình dục thỏa mãn hơn.
Rất nhiều người ủng hộ Chủ nghĩa Khí thực cũng cho rằng việc ít ăn uống khiến bản thân trở nên cởi mở và sâu sắc hơn.
Chính xác hơn là việc sống sót chỉ dựa nhờ vào “prana”, theo tiếng Phạn điều này có nghĩa “cuộc sống không khí” hay là “dinh dưỡng bằng sinh lực”. Khái niệm prana này là một khái niệm xa xưa của người Hindu và xuất hiện trong kinh Vệ Đà – bộ kinh sách cổ nhất của người Ấn Độ.
Theo triết lý Ấn Độ giáo, prana tràn ngập trong vũ trụ và chảy xuyên qua mọi dạng sự sống cùng các vật thể vô tri. Đối với người Khí Thực thì prana là nguồn năng lượng bổ dưỡng để nuôi sống bản thân và nó cũng là loại “thức ăn” duy nhất.
Để làm được điều đó, những người mới nhập môn Khí Thực sẽ đi từng bước một nhằm khiến họ dần “từ chối” đồ ăn, thức uống, và càng lên cao thì chế độ luyện tập càng cam go hơn.
Prahlad Jani là một tu sĩ Ấn Độ nổi tiếng với khả năng không ăn uống của mình. Jani tuyên bố được nữ thần Amba ban phước, cung cấp cho ông nước thánh "trường sinh bất lão" qua một lỗ hổng trên vòm miệng để sống mà không cần ăn uống hàng chục năm.
Người ta đã tiến hành hai thử nghiệm với Jani năm 2003 và 2010. Năm 2003, tại bệnh viện Sterling, thành phố Ahmedabad, bác sĩ Sudhir và một số bác sĩ khác đã quan sát Prahlad Jani trong 10 ngày.
Tu sĩ Prahlad Jani
Trong 7 ngày đầu, Jani thậm chí không được tiếp xúc với nước qua da. Sau đó, ông được phép súc miệng và tắm. Khối lượng nước được đo trước và sau khi tắm.
"Ông Prahalad Jani không ăn uống gì suốt 10 ngày, cũng không bài tiết phân hoặc nước tiểu", bác sĩ Urman Dhruv, tổng thư ký hiệp hội bác sĩ tại Ahmedabad, người giám sát và phê duyệt mọi nghiên cứu trong bang, nói.
"Tất cả chúng tôi đều là bác sĩ nghiên cứu khoa học. Trường hợp của ông ấy đúng là quả bom dội xuống chúng tôi. Lịch sử khoa học phải được viết lại. Toàn bộ hiểu biết của chúng ta về khoa học đã bị lung lay tận cốt lõi", bác sĩ Sudhir Shah, người khởi xướng nghiên cứu kiêm nhà thần kinh học ở bệnh viện Sterling, nhận định.
Tuy nhiên, không phải tất cả những gì mà chủ nghĩa này đem lại đều đảm bảo sức khỏe cho những người ủng hộ.
Cho đến nay, rất nhiều người đã chết vì thực hành Chủ nghĩa Khí thực. Năm 1997, một thanh niên 31 tuổi tên là Timo Degen qua đời. Năm sau, Lani Morris 33 tuổi đã chết khi tìm cách nhịn đói. Và một năm sau đó, Verity Linn, 49 tuổi, được tìm thấy đã chết bên cạnh bản sao cuốn sách Sống trên ánh sáng của Jasmuheen.
Các bác sĩ vẫn kiên quyết khẳng định - nhịn ăn trong thời gian dài, như nhiều người theo chủ nghĩa Khí thực là rất nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Nếu "bạn nằm im một chỗ, bạn có thể sẽ ổn trong một tuần," Tiến sĩ Charles Clarke nói về kiểu nhịn ăn theo chủ nghĩa Khí thực.
"Nhưng vào cuối tuần đầu tiên, bạn sẽ bị ốm nặng. Máu sẽ trở nên đặc hơn khiến thận không thể lọc được chất độc khiến suy đa cơ quan. Sau đó, bạn bị hạ thân nhiệt và cuối cùng bạn chết".
Cuối cùng, một trong những tính chất cơ bản cho sự tồn tại của con người là cần phải ăn. Nếu không có chế độ dinh dưỡng thích hợp, cơ thể chúng ta sẽ chắc chắn không thể chịu đựng nổi.
Theo: ATI