Philippines trước nguy cơ "khủng hoảng giáo dục" vì COVID-19
Các chuyên gia lo ngại, nếu tình trạng đóng cửa trường học tiếp tục diễn ra, Philippines sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục quy mô lớn.
Nhiều nước trên thế giới đã cho phép mở cửa một phần hoặc hoàn toàn trường học để học sinh được học trực tiếp với một số điều kiện phòng dịch nhất định. Tuy nhiên, tại Philippines, các trường tiểu học và trung học đã phải đóng cửa kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát do lo ngại trẻ nhỏ có thể mắc bệnh và lây cho người khác. Hoạt động giáo dục thể chất cũng bị hạn chế với lệnh cấm trẻ em chơi ngoài trời.
Kylie Larrobis, 7 tuổi, bắt đầu lên lớp 2. Tuy nhiên, em chưa bao giờ được đến trường cũng như không biết trường học trông như thế nào. Ngày ngày, trong căn nhà nhỏ và tối của gia đình ở Manila, Philippines, em ngồi trên giường học online. Kylie không thể tiếp thu được các bài giảng trực tuyến. Đến giờ, em vẫn chưa đọc được chữ.
Kylie chỉ là một trong hàng triệu học sinh tiểu học và trung học ở Philippines phải học ở nhà suốt 2 năm do trường học bị đóng cửa.
Ông Isy Faingold, Giám đốc Giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Philippines, chia sẻ: "Có nhiều tác động tiêu cực của việc đóng cửa trường học, đó là tình trạng học sinh học hành sa sút, bỏ học, một số em có thể sẽ không bao giờ quay trở lại trường học. Các em cũng chịu ảnh hưởng về mặt tâm lý khi không có cơ hội được tiếp xúc với xã hội, bạn bè, thầy cô".
Học sinh tại một trường học ở Manila vào tháng 2/2020. (Ảnh: AP)
Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2020, các trường học đã kết hợp giảng dạy trực tuyến và phát tài liệu in về nhà cho học sinh, thêm vào đó là các bài học được phát sóng trên truyền hình. Tuy nhiên, dự án này không khả thi khi rất nhiều trẻ em Philippines không có máy tính và Internet ở nhà.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, hơn 80% bậc phụ huynh ở Philippines lo lắng con của họ không tiếp thu được nhiều.
Do đó, khoảng 2/3 số phụ huynh học sinh ở Philippines ủng hộ việc trước mắt mở cửa lại các lớp học ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp với các biện pháp phòng dịch như giãn cách. Theo họ, học trực tiếp giúp tiếp thu tốt hơn, đặc biệt đối với các môn học yêu cầu thực hành nhiều.