Bí ẩn đau đầu đằng sau những đứa trẻ xanh của Woolpit

ĐỨC KHƯƠNG,
Chia sẻ

Trong ít nhất 2 tài liệu lịch sử, những đứa trẻ có làn da xanh xuất hiện ở làng Woolpit của Anh vào thế kỷ thứ 12. Nhưng cho đến ngày nay, câu chuyện kỳ ​​lạ này vẫn tiếp tục khiến các nhà sử học bối rối.

Khoảng năm 1150, cư dân của ngôi làng Woolpit ở Anh đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc ở rìa thị trấn - hai đứa trẻ nhỏ có làn da xanh lục - được mọi người gọi là Green Children of Woolpit. Những đứa trẻ không chỉ trông kỳ lạ mà còn nói một ngôn ngữ kỳ lạ và dường như hoàn toàn không thích hầu hết các loại thức ăn bình thường vào thời điểm đó.

Sau một thời gian được dân này nuôi dưỡng, hai đứa trẻ kỳ lạ cuối cùng đã mất đi tông màu xanh trên da và học nói tiếng Anh. Hai đứa trẻ này nói rằng chúng đến từ một vùng đất xa xôi tên là St. Martin, nơi mọi người hiếm khi bắt gặp ánh sáng Mặt Trời.

Trong những năm kể từ đó, Green Children of Woolpit đã trở thành một bí ẩn lịch sử khó hiểu. Nếu hai đứa trẻ nảy thực sự tồn tại, điều gì đã biến làn da của chúng thành màu xanh? Vùng đất của St. Martin nằm ở đâu?

Bí ẩn đau đầu đằng sau những đứa trẻ xanh của Woolpit - Ảnh 1.

Những bằng chứng đầu tiên về hai đứa trẻ mang làn da màu xanh lá cây ở Woolpit xuất hiện từ rất sớm qua những miêu tả trong tài liệu của nhà sử học William Parvus hay William of Newburgh và nhà văn Ralph Of Coggeshall từ thế kỷ thứ 12. Nhiều nhà sử học đương đại và các nhà dân tộc học cho rằng sự kiện kỳ lạ về hai đứa trẻ da xanh không chỉ là do trí tưởng tượng phong phú của con người mà có thể được lấy cảm hứng từ các sự kiện lịch sử có thật.

Lần đầu xuất hiện của những đứa trẻ có làn da xanh

Câu chuyện về Green Children of Woolpit được kể lại bởi hai nhà biên soạn lịch sử khác nhau: nhà sử học thế kỷ 13 William of Newburgh và tu viện trưởng thế kỷ 12 Ralph of Coggeshall. 

Nhưng Newburgh và Coggeshall đều kể một câu chuyện giống nhau về cách hai đứa trẻ có làn da xanh xuất hiện ở làng Woolpit.

Theo câu chuyện, hai đứa trẻ được dân làng phát hiện vào khoảng năm 1150. Lịch sử Vương quốc Anh ghi lại rằng chúng được phát hiện đang bò ra khỏi một trong những cái hố dùng để bắt sói (còn gọi là hố sói) được đào bên rìa ngôi làng. Đáng ngạc nhiên nhất là chúng có da màu xanh lục.

"Vào mùa thu hoạch, trong khi những người nông dân đang thu hoạch ngoài đồng, thì có hai đứa trẻ, một trai và một gái, cơ thể hoàn toàn xanh lét, mặc quần áo có màu lạ và chất liệu không rõ, bước ra từ hố sói", Newburgh viết lại trong Historia rerum Anglicarum (Lịch sử các vấn đề của Anh) từ năm 1220.

Bí ẩn đau đầu đằng sau những đứa trẻ xanh của Woolpit - Ảnh 2.

Một ví dụ về hố sói. Để bảo vệ đàn gia súc khỏi sự tấn công của sói, người dân Woolpit thường đặt đào những cái hố sâu xung quanh làng.

Những đứa trẻ không chỉ có da màu xanh và mặc quần áo kỳ lạ, mà dường như chúng còn nói những thứ vô nghĩa. Coggeshall viết rằng hai đứa trẻ này sau đó đã được đưa đến nhà của Sir Richard de Calne, một địa chủ giàu có trong làng nhận nuôi chúng. Nhưng mặc dù de Calne cho bọn trẻ có làn da xanh ăn, nhưng có vẻ như chúng không thích và không chịu ăn.

Sau đó vài ngày, hai đứa trẻ kỳ lạ này phát hiện ra một số hạt đậu trong vườn của de Calne và và chúng đã ăn những hạt đậu này một cách ngấu nghiến. Dần dần, chúng được cho là đã ăn thức ăn mà dân làng đưa cho chúng, và bắt đầu mất đi sắc xanh trên da.

Mặc dù một thời gian sau, cậu bé bị bệnh và qua đời, nhưng bé gái dường như vẫn phát triển tốt dưới sự chăm sóc của dân làng. Chẳng bao lâu sau, bé gái bắt đầu thông thạo tiếng Anh — và kể cho người dân làng Woolpit một câu chuyện kỳ lạ về quê hương của chúng.

Bí ẩn đau đầu đằng sau những đứa trẻ xanh của Woolpit - Ảnh 3.

Đứa bé trai không may mắn ngã bệnh và qua đời khoảng 6 tháng sau khi được cứu về. Trong khi đó đứa bé gái đã thích nghi nhanh chóng với cuộc sống và chế độ ăn mới. Màu xanh trên da cô bé dần biến mất theo thời gian, thậm chí khi trưởng thành cô còn lấy chồng, sinh con như biết bao dân làng bình thường ở Woolpit.

Giả thuyết đằng sau những đứa trẻ có làn da xanh

Bé gái sau đó được dân làng đặt tên là là Agnes Barre theo Ancient Origins, cô bé nói với dân làng rằng cô và anh trai đến từ một nơi gọi là "St. Martin". Nhưng không biết tại sao chúng lại đến được Woolpit.

"Vào một ngày nọ, khi chúng tôi đang cho đàn gia súc của cha mình ăn trên cánh đồng, chúng tôi nghe thấy một âm thanh tuyệt vời giống như tiếng chuông ở tu viện của Bury St. Edmunds" cô ấy nói, "và trong khi lắng nghe âm thanh này, chúng tôi đột nhiên thấy mình ở giữa cánh đồng nơi mọi người đang gặt hái".

Bí ẩn đau đầu đằng sau những đứa trẻ xanh của Woolpit - Ảnh 4.

Tàn tích của một tu viện ở Bury St. Edmunds, một thị trấn nhỏ gần Woolpit, nơi có tiếng chuông mà Green Children of Woolpit đã nghe thấy sau khi đến làng Woolpit.

Khi được hỏi thêm, Agnes Barre nói rằng vùng đất nơi cô ấy sống có nhà thờ - nhưng hoàn toàn khác với nước Anh.

Nhưng không ai từng tìm ra chính xác những đứa trẻ xanh của Woolpit đến từ đâu. Theo báo cáo của Mental Floss, cô gái - Agnes - dường như đã sống một cuộc sống khá bình thường, mặc dù một số nguồn nói rằng cô ấy đã trở nên "khá buông thả và phóng túng trong hành vi của mình" trong những năm cuối đời.

Mặc dù không rõ Green Children of Woolpit có thực sự tồn tại hay không, nhưng câu chuyện về chúng đã thu hút mọi người trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, có một vài lời giải thích khả thi cho làn da, quần áo và ngôn ngữ của những đứa trẻ này.

Như Mental Floss giải thích, chúng có thể đã bị đầu độc bằng thạch tín và bị bỏ mặc cho đến chết, điều này có thể giải thích cho làn da màu xanh lá cây của chúng. Một lời giải thích khác cho làn da xanh của chúng có thể là do nhiễm clo, do suy dinh dưỡng và có thể giải thích tại sao làn da xanh của chúng mờ đi khi được điều chỉnh chế độ ăn uống tốt hơn.

Bí ẩn đau đầu đằng sau những đứa trẻ xanh của Woolpit - Ảnh 5.

Một tấm biển được dựng lên để tỏ lòng kính trọng với Green Children of Woolpit ngay trong làng.

Đối với ngôn ngữ lạ và quần áo của những đứa trẻ này thì sao? Nhiều nhà sử học cho rằng chúng có thể là con của những người nhập cư Flemish đã bị giết bởi Vua Stephen hoặc Vua Henry II. Do đó, những gì mà dân làng ở Woolpit cho là “ngôn ngữ lạ” thực ra có thể là tiếng Hà Lan. 

Như Ancient Origins giải thích, một số người cho rằng làn da xanh lục, quần áo kỳ lạ và ngôn ngữ khó hiểu của trẻ em là dấu hiệu chắc chắn rằng chúng đến từ ngoài vũ trụ. Giả thuyết này dường như lần đầu tiên được đưa ra vào thế kỷ 17, khi Robert Burton viết trong cuốn The Anatomy of Melancholy (1621) rằng những đứa trẻ xanh của Woolpit “từ trên trời rơi xuống”.

Mặc dù có rất ít bằng chứng chứng minh giả thuyết này, nhưng chắc chắn là có một số điểm trùng lặp giữa câu chuyện về những đứa trẻ xanh của Woolpit và những mô tả hiện đại về người ngoài hành tinh.

Tất nhiên, cũng có một số người nói rằng Green Children of Woolpit chưa bao giờ tồn tại.

Chia sẻ