Bêu hình ảnh khách hàng "cà phê nâu lắc", coi chừng phạm luật
Người đưa hình ảnh, video của khách hàng kêu cà phê nâu lắc lên mạng xã hội được xem là vi phạm, nếu sử dụng mục đích xấu có thể bị xử lý hình sự.
Trong những ngày qua, cộng đồng mạng xuất hiện video một phụ nữ vào quán gọi ly "cà phê nâu lắc" yêu cầu không đường. Sau đó, nhân viên đem ra ly đen và sữa nên khách không trả tiền. Tuy nhiên, sau sự việc quán cà phê đã in hình khách dán trước cửa miễn tiếp và đưa video về vụ việc lên mạng xã hội.
Câu hỏi đặt ra là hành vi quay video khách đưa lên mạng xã hội và dán hình người khác từ chối không tiếp khi tới quán có thể bị coi là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm hay không?
Có thể khẳng định hành vi dán ảnh người khác tại quán và đăng video lên mạng xã hội là hành vi vi phạm.
Quán cà phê đã quay clip sau đó dán hình người khách trước cửa và từ chối tiếp
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Ngoài ra, nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình ảnh cá nhân của mình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điểm e Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính hoặc với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể làm đơn tố giác người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân lên cơ quan công an nơi người đó cư trú.
Người tung hình ảnh, video lên mạng với mục đích xấu có thể bị xử lý hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, nếu hành vi gây thiệt hại cho người khác thì có thể phải bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự 2015.
Việc quán cà phê có quyền từ chối phục vụ khách hàng, tuy nhiên, hành vi dán ảnh người khác tại quán và đăng video lên mạng xã hội là hành vi vi phạm.
Căn cứ vào Khoản 4 Điều 9 Luật Du lịch 2017 có quy định hành vi phân biệt đối xử với khách du lịch là hành vi bị nghiêm cấm và căn cứ Điều 5, khoản 3 Điều 6 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người vi phạm là cá nhân; 2 triệu đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.