Bệnh "ướt chân, ướt tay"
Mặc cảm trong giao tiếp, cơ thể có mùi khó chịu, ướt chân, ướt tay… là những phiền toái mà người bị tăng tiết mồ hôi phải đối mặt.
Cản trở giao tiếp
Theo TS.BS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BV Chợ Rẫy TPHCM, mỗi tháng khoa Ngoại lồng ngực phẫu thuật cho từ 20-30 trường hợp bị tăng tiết mồ hôi, trong đó có chứng tăng tiết mồ hôi, ướt chân, ướt tay. Đa số bệnh nhân là phụ nữ, trẻ.
BS Vĩnh gọi tăng tiết mồ hôi là bệnh của giới trí thức. Sở dĩ như vậy, bởi những người lao động chân tay, dù tay hay cơ thể nhiều mồ hôi cũng ít khi được để ý. Với dân văn phòng, làm việc trong phòng máy lạnh, thường phải giao tiếp, viết lách thì căn bệnh gây cản trở rất nhiều.
“Tôi từng điều trị cho bệnh nhân là thư ký. Khi tới khám, cô gái cho biết cấp trên yêu cầu phải chữa khỏi bệnh mồ hôi tay, nếu không sẽ bị chuyển vị trí công tác. Do tay lúc nào cũng ra mồ hôi, các loại hồ sơ, giấy tờ, sổ sách cô tiếp xúc thường bị ướt”, BS Vĩnh kể.
Cơ thể ta có hai loại tuyến là tuyến tiết mồ hôi và tuyến tiết mùi hôi. Bản thân tuyến mồ hôi không có mùi, chỉ có nhiệm vụ tiết nước để điều nhiệt cơ thể. Tuyến này được chỉ huy bởi hệ thần kinh giao cảm hay còn được gọi là thần kinh thực vật. Khi hệ thần kinh giao cảm cường chức năng, sẽ gây tăng tiết mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi có thể xảy ra ở lòng bàn tay, chân, đầu, mặt, trán và nách, gặp nhiều hơn cả là tiết mồ hôi tay.
Nguyên nhân gây cường chức năng hệ thần kinh giao cảm tới nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chia sẻ không phải lúc nào họ cũng bị “dư” mồ hôi. Mồ hôi tiết ra nhiều hơn khi họ lo lắng và suy nghĩ căng thẳng. Nếu mồ hôi tăng tiết ở bàn tay, nhẹ thì gây ẩm ướt, nặng sẽ nhỏ thành giọt. Thậm chí, có người ngồi làm việc trong phòng máy lạnh mà bàn tay lúc nào cũng ướt sũng.
Những người bị tăng tiết mồ hôi ở nách rất ngại mặc áo sáng màu. Bản thân mồ hôi không có mùi, nhưng vùng da nách là môi trường vi khuẩn dễ phát triển, cộng với thời tiết nóng nực sẽ gây ra mùi. Tăng tiết mồ hôi ở chân cản trở những người hay đi giày. Người bị chứng này cũng dễ bị nấm kẽ chân.
Việc tăng tiết mồ hôi ở đầu, mặt cũng gây phiền toái không kém. Những người này lúc nào trông cũng vất vả như vừa lao động nặng nhọc.
Mặc cảm trong giao tiếp, cơ thể có mùi khó chịu, ướt chân, ướt tay… là những phiền toái mà người bị tăng tiết mồ hôi phải đối mặt. Ảnh minh họa
Có thể trị dứt
Do những phiền toái nói trên, không ít người đã tìm đủ mọi cách để trị bệnh, nhưng không hiệu quả.
Chị Trần Thị Ngọc, 32 tuổi, tâm sự: “Tôi nghe bạn mách ăn cháo trai nhiều sẽ chữa được chứng đổ mồ hôi tay, có người lại khuyên uống các loại thảo dược. Tất cả tôi đều thử, mà bệnh không thuyên giảm. Đặc thù công việc của tôi hay phải ngoại giao. Mỗi lần đối tác đưa tay ra bắt, tôi đều bối rối”.
BS Vũ Hữu Vĩnh khẳng định, điều trị dứt điểm bệnh mồ hôi tay nói riêng và tăng tiết mồ hôi nói chung chỉ có cách duy nhất là can thiệp ngoại khoa. Trước đây, khi điều trị căn bệnh này, các bác sĩ thường mổ cắt hạch giao cảm, chi phối vùng tăng tiết mồ hôi, hoặc tiêm nước sôi vào lưng để diệt hạch giao cảm. Phương pháp này gây đau đớn, đó là chưa kể vị trí tiêm chưa chính xác, dễ gây tai biến.
Ngày nay, cùng sự phát triển của y học, các bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật nội soi để diệt hạch giao cảm trong khoang lồng ngực bệnh nhân. Diệt hạch giao cảm cũng có nhiều phương pháp (phẫu thuật viên cắt nhánh dẫn truyền giữa các hạch thần kinh, hoặc cắt hạch).
Với trường hợp tăng tiết mồ hôi ở tay, BS sẽ cắt hạch số hai; ở nách cắt hạch số ba; với bệnh mồ hôi chân, sau khi cắt hạch giao cảm hai và ba, người bệnh sẽ dần khỏi.
Tuy nhiên, BS Vĩnh lưu ý, dù không tái phát sau điều trị nhưng có thể xảy ra biến chứng tăng tiết mồ hôi bù trừ. Chẳng hạn, bệnh nhân bị mồ hôi tay, sau phẫu thuật, bàn tay sẽ sạch, khô và ấm áp ngay, nhưng mồ hôi ở vùng eo, hông sẽ gia tăng hơn trước. Phương pháp cắt nhánh dẫn truyền giữa các hạch thần kinh giao cảm cho thấy ít gây biến chứng hơn là cắt hạch.
Thời gian phẫu thuật điều trị tăng tiết mồ hôi khoảng 20 phút. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần nằm viện một-ba ngày.