Ra mồ hôi nhiều - Bệnh gì?

Theo TienPhong,
Chia sẻ

Chứng tăng tiết mồ hôi gây rất nhiều phiền toái cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày. Mồ hôi ra nhiều còn làm cơ thể mất nước, mất muối, nhanh mệt mỏi.

Có nhiều nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi như do cảm xúc, do vị giác, có thai, mãn kinh, bệnh về thần kinh giao cảm, khối u di căn chèn ép hoàn toàn thần kinh tủy sống, hạ đường huyết, uống thuốc hạ nhiệt quá liều... Dựa vào việc mồ hôi toát ở đâu có thể biết được cơ thể đang thiếu hay mắc bệnh gì.
 
Mồ hôi tiết ra do hoạt động sinh lý bình thường của tuyến mồ hôi trong cơ thể. Mồ hôi tiết ra giúp cân bằng nhiệt độ và loại bỏ các độc tố ra ngoài cơ thể. Mùa hè, trung bình một ngày đêm, cơ thể người tiết ra từ 500 - 600ml mồ hôi. Mồ hôi tiết ra nhiều hơn khi cơ thể ở trong các trạng thái như: xúc động mạnh, ốm sốt hoặc uống rượu, ăn đồ ăn có quá nhiều vị cay. Khi luyện tập thể thao hoặc lao động nặng, lượng mồ hôi mà cơ thể tiết ra có thể tăng gấp 10 lần.
 
Mồ hôi thường tiết ra nhiều ở những vùng da kín như: nách, lưng, đùi, bẹn; các vùng da thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như: da vùng cổ, mặt hoặc những cơ quan trong cơ thể phải thường xuyên hoạt động như: bàn chân, bàn tay… Mồ hôi có 2 loại là mồ hôi thường và mồ hôi dầu.
 
Ảnh: minh họa - Internet

- Toát mồ hôi ở tay, chân: là chứng tăng tiết mồ hôi do cảm xúc, thường thấy trong mùa hè. Bàn tay, bàn chân bệnh nhân rất ướt, chân dễ nặng mùi. Bệnh trầm trọng lên mỗi khi có xúc cảm đột ngột như vào phòng thi, nhận tin vui - buồn đột ngột. Người bệnh thường lo lắng bồn chồn, dễ bị sang chấn tinh thần, mất bình tĩnh.

- Tăng tiết mồ hôi vị giác: Bệnh xảy ra ngay sau khi ăn phải thức ăn cay nóng như tương ớt, nước sốt cà chua, cà phê, chè hoặc canh nóng. Lúc này, hệ thần kinh cảm giác bị tăng nhạy cảm; thường gặp trong một số bệnh như tiểu đường, zona, viêm hoặc chấn thương tuyến mang tai. Triệu chứng: mồ hôi ra nhiều tại các vùng trán, môi trên, quanh miệng, mũi và vùng giữa ngực.

- Tăng tiết mồ hôi toàn thân: Nguyên nhân là khí hậu nóng ẩm, lao động hay tập thể thao nặng, bất thường về hormon (như cường giáp, tiểu đường, mãn kinh). Mồ hôi ra quá nhiều, quần áo ướt sũng làm mất điện giải, người bệnh nhanh mệt mỏi, chuột rút, ảnh hưởng rất nhiều tới công việc.

Điều trị chứng tăng tiết mồ hôi không khó, nhưng để phát hiện đúng nguyên nhân gây bệnh, từ đó điều trị mới hiệu quả, người bệnh cần kiên nhẫn và làm nhiều xét nghiệm loại trừ. Đối với những người bị tăng tiết mồ hôi toàn thân, nên đi khám để tìm các bệnh nội khoa, nội tiết nhằm điều trị căn nguyên. Cần tắm rửa thường xuyên, ở nơi thoáng mát, uống nhiều nước oresol hoặc nước muối đường (pha 1 thìa cà phê muối và 8 thìa cà phê đường vào 1 lít nước sôi để nguội). Các trường hợp tăng tiết mồ hôi bàn tay, bàn chân và nách có thể được điều trị tại chỗ bằng cách bôi aluminum chloride 20% vào các buổi tối, tác dụng tốt.

Ngoài dùng thuốc, hiện nay cũng có nhiều phương pháp để “chấm dứt” tình trạng toát mồ hôi quá nhiều ở các bệnh nhân sau một thời gian áp dụng các biện pháp nói trên mà không thấy tác dụng. Chẳng hạn, người ta đưa thuốc aluminum chloride vào cơ thể bằng phương pháp điện chuyển ion (các hạt điện tích của thuốc được đưa vào sâu qua da).

Việc tiêm botox vào mỗi bàn chân, tay hoặc nách cũng giảm tiết mồ hôi rất tốt, nhưng lại gây yếu cơ khi cầm nắm. Phương pháp này có tác dụng trong 5 tháng. Và khi tất cả các phương pháp trên thất bại, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ hạch giao cảm ngực, hoặc tiêm huyết thanh nóng để diệt hạch giao cảm ngực thay cho phẫu thuật cũng đạt hiệu quả cao.

Đối với tăng tiết mồ hôi ở nách kèm hôi nách, phẫu thuật là phương pháp ưu việt. Bên cạnh đó, việc mặc quần áo quá chật, quần áo làm từ các chất liệu có chứa nhiều nilon cũng ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến mồ hôi vì không có khả năng thấm hút mồ hôi, gây bức bí và mùi hôi khó chịu cho cơ thể. Một chế độ ăn không hợp lý ăn đồ ngọt, các món ăn có nhiều dầu mỡ cũng là nguyên nhân làm mồ hôi bạn có mùi khó chịu.

Chia sẻ