Bệnh tay chân miệng: Tăng số trẻ biến chứng nặng
Tại Hà Nội và TPHCM đang có xu hướng tăng nhanh số ca mắc bệnh tay chân miệng. Có nhiều trường hợp biến chứng nặng hơn so với năm trước.
Từ đầu năm đến tuần 39, TPHCM ghi nhận 6.358 ca bệnh tay chân miệng. Riêng trong tuần 39, ghi nhận 640 ca bệnh, cao nhất trong tất cả các tuần tính từ đầu năm đến nay. Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận, huyện, trong đó có 4 quận, huyện ở mức độ cảnh báo.
Tại Hà Nội, theo số liệu thống kê từ đầu tháng 7 đến nay, số trẻ đến khám vì bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi T.Ư tăng nhanh liên tục, trong đó có nhiều trường hợp trong tình trạng nặng. TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, cho biết, hiện có 71 trẻ đang điều trị nội trú, phần lớn trong tình trạng nặng.
Điển hình là trường hợp bé T. (2 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chân tay run rẩy, kích động, quấy khóc kèm theo nôn trớ. Các bác sĩ đã chọc dịch não tủy và xác định cháu có dấu hiệu biến chứng não do mắc bệnh tay chân miệng. Bé A. (13 tháng tuổi, trú tại Hà Nội) đã 3 lần mắc bệnh tay chân miệng. Hai lần trước, bé được điều trị ở nhà và tự khỏi, nhưng lần này bị nặng hơn nhiều, sốt cao nhiều ngày. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tay chân miệng mức 2B.
Ông Hải cho biết, hiện tại, mỗi ngày có 15-20 trẻ nhập viện.Nhiều trẻ có dấu hiệu, nhưng không ít bé không rõ dấu hiệu nên phụ huynh không phát hiện được. Đáng nói, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm não, viêm màng não, thần kinh. Số ca biến chứng do bệnh tay chân miệng năm nay nhiều hơn so với các năm khác.
Nên đưa trẻ khám sớm
Bác sĩ khuyến cáo, cần vệ sinh tay chân, không chỉ có trẻ mà cả cha mẹ. Nếu thấy trẻ nổi các nốt ở tay, chân, miệng, phụ huynh cần theo dõi sát, khi thấy bất thường, nên đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp. Bệnh tay chân miệng đa số xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ càng dễ có triệu chứng nặng hơn. Đa số người lớn đã có miễn dịch đầy đủ nên ít bị bệnh hơn, nhưng cũng có những ca tay chân miệng được báo cáo ở vị thành niên và người trưởng thành.
Thông thường, thời gian ủ bệnh là 3-7 ngày. Khi phát bệnh, sốt là triệu chứng thường gặp đầu tiên và trẻ thường chỉ sốt trong 1-2 ngày đầu. Khi đó, trẻ cũng có những dấu hiệu rất chung chung, không đặc hiệu, như kém ăn, mệt mỏi và thường than đau họng (nếu trẻ đã biết nói) , nhưng chưa có loét. 1-2 ngày sau sốt, trẻ bắt đầu có những vết chấm đỏ trong miệng, dần phát triển thành bóng nước và vỡ ra thành vết loét. Những vết loét này thường xuất hiện ở lưỡi, lợi và vòm hầu, họng, mặt trong má.
Sẩn da cũng xuất hiện trong thời gian này, với những chấm đỏ, phẳng hoặc gồ lên, và nhiều khi phát triển thành bóng nước, thường phân bố ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, vùng khuỷu tay và đầu gối. Giai đoạn vỡ bóng nước là nghiêm trọng nhất. Các bọng nước ở miệng vỡ ra và gây loét làm cho trẻ rất đau đớn. Phụ huynh phải hết sức kiên trì và bình tĩnh khi trẻ biếng ăn hoặc sợ không dám ăn.
Một số ít trường hợp, khi bị biến chứng nặng, trẻ sẽ có những dấu hiệu thần kinh và hệ thống. Đây là những trẻ cần được theo dõi sát và được quyết định điều trị chuyên biệt kịp thời. Những dấu hiệu quan trọng mà người trông trẻ cần nhận biết để cho trẻ đến khám ngay bao gồm: sốt từ 39 độ C trở lên, hoặc sốt trên 2 ngày, ói nhiều, lừ đừ, thở nhanh thở khó, quấy khóc, bứt rứt, giật mình hốt hoảng nhiều lần, run giật cơ, mất thăng bằng khi đứng...
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, tay chân miệng không còn là bệnh mới, trẻ có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, tuy nhiên cũng rất dễ dẫn đến biến chứng. Hiện là thời điểm có nhiều dịch bệnh dễ bùng phát. Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng, các cha mẹ cần đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc trẻ để tránh dịch chồng dịch.