Bệnh nhân tỉnh lại sau 2 năm hôn mê: Người chồng chính là phép màu
Chị Hải vốn là giáo viên dạy Toán, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Chị đã có 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, gia đình chị từng rất hạnh phúc khi cả hai vợ chồng có công ăn việc làm ổn định, hai con học giỏi.
Người chồng hết lòng vì vợ
Chị Hải vốn là giáo viên dạy Toán, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Chị đã có 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, gia đình chị từng rất hạnh phúc khi cả hai vợ chồng có công ăn việc làm ổn định, hai con học giỏi.
Cuộc sống bình dị và yên ấm nhưng đến tháng 6/2010 chị Hải được phát hiện hẹp van tim. Bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật thay van động mạch chủ và tiên lượng ca mổ sẽ rất nguy hiểm.
Trước sự lựa chọn sống – chết, gia đình đã quyết định đến Trung tâm Tim mạch BV E để tiến hành phẫu thuật. Ca mổ kết thúc thành công trong sự vui mừng của gia đình. Tuy nhiên, bệnh tim chưa khỏi, chị lại mắc chứng loãng xương, tiểu đường, viêm đa rễ dây thần kinh dẫn đến liệt tứ chi, liệt hô hấp, phải thở máy hoàn toàn. Gia đình đã đưa chị đi hội chẩn một số nơi, bác sĩ kết luận bệnh nhân phải thở máy vĩnh viễn, không có khả năng phục hồi.
Một thời gian sau, chị còn hai lần bị xuất huyết đường tiêu hóa, mạch tụt, huyết áp tụt, may mắn được các bác sỹ BV Bạch Mai, BV E cứu khỏi lưỡi hái tử thần. Tuy không chết nhưng chị sống đời thực vật.
Để lo tiền chạy chữa cho vợ, anh Châu Hồng Phước (chồng chị) đã phải bán căn nhà đang ở. Anh cũng phải bỏ việc, bám viện cùng vợ. Hằng ngày, anh nấu nước chè xanh vệ sinh cho chị nhằm chống hoại tử. Cứ 4 tiếng lại phải cho vợ ăn qua đường xông. Dù vợ hôn mê gần hai năm nhưng anh vẫn luôn bên cạnh chuyện trò, kể cho chị nghe những kỷ niệm hồi đi học vì hai vợ chồng là bạn học phổ thông. Sinh nhật chị anh mua hoa hồng về cắm bên giường bệnh. Tết năm 2011, đêm Giao thừa, anh cũng sắm hoa mai, bánh trái tại giường bệnh để đón Tết cùng chị. Nhiều lúc bất lực trước bệnh tình của vợ, anh Phước chỉ còn biết lặng lẽ khóc...
Mẹ nằm viện, bố phải chăm mẹ mấy năm trời nhưng hai con của anh đều ngoan, đứa lớn ra trường xin được việc đi làm, đứa sau cũng thi đỗ vào Đại học Ngoại ngữ (học năm thứ 2). Các con rất cảm kích sự chăm sóc của bố dành cho mẹ. Ngoài việc đi học, đỡ đần bố giúp mẹ, cô con gái út còn dạy thêm để kiếm tiền trang trải học hành.
Nhờ tình thương của chồng con, gia đình, sự giúp đỡ của các y bác sĩ cũng như những tấm lòng hảo tâm, sau 1,5 năm thở máy liên tục, đầu năm 2012 chị Hải bắt đầu có những phản xạ, nhận biết người thân, thể hiện cảm xúc trên gương mặt. Con trai lấy vợ đã dắt con dâu vào ra mắt mẹ chồng trong bệnh viện khiến cho người mẹ hạnh phúc trào dâng và gắng sức để mong ngày bình phục.
Thêm phép màu
Anh Châu Hồng Phước chia sẻ, 3 năm trời liên tục chăm vợ ở viện khiến anh rất xúc động về tấm lòng của các y bác sĩ. “Các y bác sĩ nhiều khi phải thức trắng đêm bên người bệnh. Họ coi vợ chồng tôi như người thân, có y tá còn ngồi thêu chữ Phúc tặng cho vợ tôi, cầu chúc cho vợ tôi khỏi bệnh”, anh nói.
Chữ Phúc màu đỏ ấy hiện giờ vẫn được anh Phước treo lên đầu giường vợ như một lời cầu mong thêm một lần nữa lại có phép màu. Gần 3 năm nằm viện, gần 2 năm hôn mê, bao nhiêu tài sản anh đều phải bán hết để cứu chữa cho vợ. Hiện nay, cả gia đình anh ở trong phòng trọ của một người bà con. Tháng Tư vừa qua, anh Phước đã viết đơn trình lãnh đạo BV E xin cho vợ về nhà điều trị.
TS.BS Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV E cho biết: Bệnh nhân tỉnh lại sau gần 2 năm hôn mê là một điều kỳ diệu. Đó là một kỳ tích cũng như sự nỗ lực cố gắng rất lớn của tập thể y bác sĩ và sự chăm sóc của gia đình. Tuy nhiên, do nằm bất động một chỗ, phải thở máy 3 năm nên nhiều bộ phận bệnh nhân bị hoại tử, nhiễm khuẩn phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, loét, suy dinh dưỡng. Để bệnh nhân đi lại, ngồi dậy được là một điều rất khó. Vì vậy, gia đình xin ra viện và xét thấy về chuyên môn chúng tôi đã làm hết khả năng, bây giờ là thời gian bình phục. Để bình phục được phụ thuộc rất nhiều yếu tố nên khi gia đình trình bày hoàn cảnh, xin cho bệnh nhân ra viện về chúng tôi cũng chấp thuận.
Anh Châu Hồng Phước chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như các con cũng đã làm hết sức mình trong 3 năm qua. Tất cả của cải có được cũng đã bán hết để chạy chữa cho vợ rồi. Đến lúc nào không còn cố được thì đành chịu vậy. Tiến bộ của y học, phúc phận của gia đình tôi vẫn còn nên vợ tôi đã tỉnh lại. Tuy nhiên, niềm vui cũng chưa trọn vẹn khi vợ tôi vẫn nằm bất động, chưa nói được gì. Trong thời gian tới đây, chúng tôi rất khó khăn. Chỉ mong sao có thêm một phép mầu để vợ tôi có thể bình phục”.