Bệnh nhi vấp ngã cắn thủng lưỡi, may mắn thoát nạn và lời khuyên của bác sĩ

Minh Ngọc - Phú Thọ,
Chia sẻ

Tối 06/01, Trung tâm Sản Nhi, Khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi bị tổn thương nghiêm trọng do tai nạn sinh hoạt.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi M.M.N (19 tháng tuổi, ở Yên Lập – Phú Thọ) được chuyển tuyến từ Trung tâm y tế địa phương với vết thương vùng lưỡi.

Theo người nhà bệnh nhi cho biết, bé tự chơi đùa sau đó vập ngã nên răng cắn vào lưỡi, vết thương chảy rất nhiều máu. Sau khi được sơ cứu tại Trung tâm y tế địa phương, bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Sản Nhi. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục xử trí vết thương, gây mê và khâu tạo hình phục hồi vết thương.

Bệnh nhân nhi vập ngã cắn thủng lưỡi, may mắn thoát nạn và lời khuyên của bác sĩ - Ảnh 1.

Bệnh nhân N. tự cắn thủng lưỡi sau khi bị vập ngã.

Theo BSCKI. Điêu Tài Thu – Trưởng khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, do vết thương tại vùng lưỡi, nếu không tiến hành phẫu thuật sớm sẽ khó khôi phục, sau này có thể ảnh hưởng đến việc nói và ăn uống của trẻ. Mô vùng miệng rất mềm, trẻ có thể dễ dàng bị thương khi nhai hay trong lúc ăn uống, để vết thương mau liền, hàng ngày cha mẹ nên sử dụng gạc lau lưỡi, vệ sinh miệng, lưỡi cho trẻ bằng nước muối Natri clorid 0,9%, cho trẻ ăn thức ăn mềm, nguội và theo dõi, điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Bệnh nhân nhi vập ngã cắn thủng lưỡi, may mắn thoát nạn và lời khuyên của bác sĩ - Ảnh 2.

Bệnh nhân T. bị vật cứng đâm trúng trán

Trường hợp bệnh nhi thứ 2 là cháu H.V.T (5 tuổi, tại Phù Ninh – Phú Thọ) vào viện trong tình trạng có dị vật bẩn cắm trên vùng trán và chảy nhiều máu.

Người nhà bệnh nhi cho biết trẻ cầm que tự chơi đùa và ngã khiến que đâm vào trán, gây ra thương tích. Bệnh nhi được bác sĩ xử trí rút dị vật, cầm máu và khâu thẩm mỹ vết thương dài 4cm. Đối với bệnh nhi T. cần được thay băng hàng ngày, theo dõi vết thương và hướng dẫn gia đình cho tiêm phòng uốn ván, sau một 1 tuần có thể cắt chỉ.

Cha mẹ cần cảnh giác khi con trẻ nô đùa (Ảnh thanh vật cứng đâm trúng trán bé T.)

Cha mẹ cần cảnh giác khi con trẻ nô đùa (Ảnh thanh vật cứng đâm trúng trán bé T.)

Bác sĩ Thu chia sẻ, trường hợp bệnh nhi như trên chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị thương tích do tai nạn sinh hoạt mà các bác sĩ của Trung tâm tiếp nhận. 

Những tai nạn thường gặp nhất là thương tích do ngã, tai nạn cắt, đâm do vật sắc nhọn (dao, kéo, đũa, que…), tai nạn do bỏng, sặc… Cha mẹ cần chú ý cẩn thận trong quá trình chăm sóc trẻ, sát sao khi trẻ chơi đùa, đặc biệt không để trẻ vừa nô đùa vừa cầm đồ vật sắc nhọn để tránh những tổn thương đáng tiếc có thể xảy ra.

Chia sẻ