Bệnh cúm tăng mạnh trong thời tiết nồm ẩm: Chuyên gia chỉ ra lý do và những việc nên làm ngay để tránh bệnh

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Ngày càng có nhiều người bị bệnh cúm, thậm chí phải nhập viện trong thời tiết nồm ẩm mới ghé vài ngày qua tại Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc.

Gia tăng người mắc bệnh cúm trong diễn biến thời tiết nồm ẩm

Mấy ngày gần đây, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc bắt đầu có dấu hiệu chuyển tiết trời nồm ẩm, gây nhiều phiền toái cho người dân. Trước tình hình đó, số bệnh nhân mắc cúm cũng gia tăng tại nhiều khu vực miền Bắc.

Tại Hà Nội, Bệnh viện E mới đây đặc biệt lên tiếng cảnh báo, đây là thời điểm số bệnh nhân mắc cúm mùa gia tăng và nhiều người phải nhập viện, trong đó không chỉ những người lớn tuổi có bệnh nền, mà có cả những người bệnh trẻ tuổi.

Bệnh cúm tăng mạnh trong thời tiết nồm ẩm: Chuyên gia chỉ ra lý do, khuyên nên làm ngay những việc sau để tránh bệnh tật - Ảnh 1.

Nhiều ca mắc cúm nặng phải nhập viện tại Hà Nội.

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận người bệnh N.T.T (nữ, 73 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, ho có đờm, đau họng và mệt mỏi. Hoặc như bệnh nhân trẻ tuổi là N.N.P (nữ, 30 tuổi, Hà Nội) cho thấy, cúm còn có thể gây biến chứng nguy hiểm ở người trẻ khỏe mạnh.

Ngoài Hà Nội, nhiều người thuộc các tỉnh thành cũng bị ảnh hưởng bởi dịch cúm năm nay, nhất là khi thời tiết nồm ẩm ghé thăm.

Bà Vũ Thị Trường (ở Kim Bảng, Hà Nam) kể, ở quê sạch sẽ, thoáng rộng là thế nhưng khi nồm ẩm ghé thăm hôm thứ 6 vừa rồi, bà cũng bị sốt ho, đi kiểm tra thì biết mình mắc bệnh cúm, dù đã cố gắng giữ gìn sức khỏe.

Anh Triệu Linh (ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cho rằng, đợt dịch cúm này khá nặng và lan rộng. "Lớp học con tôi xin nghỉ tới một nửa, cả nhà tôi cũng bị cúm rồi", anh Linh nói.

Bệnh cúm tăng mạnh trong thời tiết nồm ẩm: Chuyên gia chỉ ra lý do, khuyên nên làm ngay những việc sau để tránh bệnh tật - Ảnh 3.

Vì sao thời tiết nồm ẩm làm gia tăng số người mắc bệnh cúm?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trong thời tiết đông xuân, khí hậu lạnh ẩm rất thuận lợi cho virus cúm mùa phát triển, gây bệnh và bùng phát dịch.

Độ ẩm cao kết hợp với nhiệt độ mát mẻ có thể giúp virus cúm tồn tại lâu hơn ngoài cơ thể người và trên các bề mặt, làm tăng khả năng lây nhiễm khi mọi người chạm vào mặt nhiễm virus sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Bệnh cúm tăng mạnh trong thời tiết nồm ẩm: Chuyên gia chỉ ra lý do, khuyên nên làm ngay những việc sau để tránh bệnh tật - Ảnh 4.

Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm cũng có thể gây suy giảm hệ miễn dịch, làm cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với các nhiễm trùng như cảm cúm. Do đó, thời tiết hiện tại làm tăng số lượng người mắc bệnh cúm cũng như biến chứng cúm phải nhập viện là chuyện không khó hiểu.

Những việc cần làm ngay để phòng tránh bệnh cúm trong thời tiết nồm ẩm kéo dài

Dự đoán, nồm ẩm sẽ còn kéo dài đến tháng 3, tháng 4, làm tăng mối lo dịch cúm còn nhiều diễn biến phức tạp. Giới chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chủ động phòng tránh theo những cách dưới đây:

- Dùng bàn là, máy sấy quần áo khô hẳn trước khi mặc để tránh nấm mốc và các bệnh ngoài da, tạo đề kháng cho da khỏe mạnh tránh virus, vi khuẩn.

- Làm sạch và giữ thông thoáng không gian trong nhà bằng cách sử dụng điều hoà nhiệt độ, máy hút ẩm, dùng khăn khô lau sàn, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40-60% là tốt nhất.

Bệnh cúm tăng mạnh trong thời tiết nồm ẩm: Chuyên gia chỉ ra lý do, khuyên nên làm ngay những việc sau để tránh bệnh tật - Ảnh 5.

- Hạn chế mở cửa để ngăn không khí ẩm nồm vào nhà.

- Vệ sinh nhà cửa, lau chùi vật dụng bằng hóa chất diệt khuẩn.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc sử dụng dung dịch rửa tay có cồn.

- Ăn uống đủ chất: Bổ sung vitamin C, kẽm, rau xanh, trái cây; giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, tránh ăn uống đồ lạnh.

- Tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.

- Tránh tụ tập nơi đông người. Nếu bắt buộc thì cần đeo khẩu trang.

- Tiêm vắc-xin cúm ngay khi có thể.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.

7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.

Bệnh cúm tăng mạnh trong thời tiết nồm ẩm: Chuyên gia chỉ ra lý do, khuyên nên làm ngay những việc sau để tránh bệnh tật - Ảnh 7.

Chia sẻ