Bệnh bạch hầu có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim, tử vong trong 6 ngày: Đừng bỏ qua triệu chứng bệnh bạch hầu
Trong mấy tháng trở lại đây, thông tin có những bệnh nhân tử vong vì căn bệnh bạch hầu khiến không ít người cảm thấy lo lắng.
Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, Quãng Ngãi ghi nhận 8 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và một trường hợp tử vong. Còn tại tỉnh Đắk Lắk, ngoài trường hợp một bé gái 6 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu thì cũng có tới 3 người khác dương tính với bệnh và 31 người nghi nhiễm bệnh phải điều trị cách ly nghiêm ngặt.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu?
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius.
Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.
Các triệu chứng bệnh bạch hầu
Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau:
- Vi khuẩn gây bệnh ở mũi trước: Bệnh nhân có triệu chứng:
+ Sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu.
+ Khi khám thầy thuốc có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi.
+ Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
- Vi khuẩn gây bệnh ở hầu họng và amidan: Bệnh nhân có triệu chứng:
+ Mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ.
+ Sau 2-3 ngày, sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
+ Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân.
+ Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò.
+ Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê.
Các bệnh nhân này nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.
- Vi khuẩn gây bệnh ở thanh quản: Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện:
+ Sốt, khàn giọng, ho ông ổng.
+ Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
- Vi khuẩn gây bệnh ở các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.
Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.
Để phòng bệnh bạch hầu cho con, cha mẹ cần nắm rõ những vấn đề liên quan đến bệnh TẠI ĐÂY.