Con ho kéo dài, mặt mũi tím tái khiến mẹ phải cảnh giác với căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính vào mùa đông xuân này
Thời tiết đầu năm không quá nóng, quá lạnh lại hay mưa phùn tạo điều kiện thuận lợi cho một loại vi khuẩn nguy hiểm gây nên những cơn ho tím tái, suy hô hấp ở trẻ.
1. Bệnh ho gà ở trẻ em có nguy hiểm không?
Hẳn có rất nhiều người mẹ không thể nào quên được quãng thời gian khó khăn đầu năm 2017 khi phải túc trực ngày đêm trong bệnh viện bên cạnh bé con lọt lòng chưa lâu đã phải hô hấp bằng máy. Mẹ tưởng rằng con bị cảm sốt thông thường thôi, nhưng uống thuốc mãi không khỏi và cơn ho thì cứ ngày càng nặng. Hóa ra, con đã bị nhiễm virus ho gà.
Tại Việt Nam thời kỳ trước khi thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh ho gà ở trẻ thường phát triển thành dịch theo chu kỳ 3-5 năm tại nhiều địa phương. Từ năm 1986, tất cả trẻ nhỏ dưới 1 tuổi đều được tiêm phòng miễn dịch theo chương trình TCMR. Số ca mắc bệnh trung bình giảm đáng kể từ 7,5/100.000 trẻ (1991-1995) xuống 1,8/100.000 trẻ (1996-2000). Trong những năm gần đây, diễn biến dịch bệnh ho gà ở trẻ nhỏ có xu hướng tăng dần vào mùa lạnh. Từ tháng 3 năm 2017, bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 50 trẻ mắc ho gà phải vào viện, 4 trường hợp tử vong, tăng gấp 3-4 lần so với năm 2016 cùng kỳ (12 ca).
Bệnh ho gà ở trẻ em được liệt vào danh sách nhóm bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể gây ra những tổn thương một phần, hoặc toàn bộ hệ thống hô hấp từ tai mũi họng cho tới màng phổi. Bệnh vừa lây truyền, vừa gây tử vong nên cha mẹ cần hết sức cẩn thận, cập nhật thường xuyên kiến thức phòng, chữa bệnh cho trẻ nhỏ.
2. Nguyên nhân gây bệnh ho gà ở trẻ nhỏ
Thời điểm giao mùa đông xuân khi tiết trời không nóng không lạnh, vi khuẩn bordelella pertussis, một dạng trực khuẩn hai đầu nhỏ thuộc họ bordetella xâm nhập vào đường hô hấp trên và phát triển tại lông mao biểu mô trụ đường khí quản, thanh quản. Sức đề kháng của loại vi khuẩn này rất yếu ớt, chỉ tồn tại 1 tiếng dưới ánh sáng, nhiệt độ hay thuốc sát khuẩn bình thường. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng tiết ra độc tố pertussis toxin gây ức chế bài tiết vi khuẩn, tăng insulin gây giảm đường huyết, tăng tính nhạy cảm của tế bào với histamin.
Nguyên nhân gây bệnh ho gà ở trẻ nhỏ thường là do tiếp xúc trực tiếp qua con đường ho hấp. Tỷ lệ lây truyền, mắc bệnh của người khỏe mạnh khi giao tiếp với người nhiễm bệnh trong cùng gia đình lên tới 90-100%. Bệnh ho gà ở trẻ thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm phế quản phổi, bệnh phó ho gà và viêm VA, amydan mãn tính.
3. Triệu chứng ho gà ở trẻ nhỏ
Bệnh ho gà ở trẻ em với những biểu hiện lâm sàng khá điển hình qua 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn ủ bệnh, xuất tiết (7-14 ngày) với các triệu chứng giống với các bệnh cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp thông thường như ho nhiều về đêm, chảy nước mũi.
Giai đoạn toàn phát (7-14 ngày tiếp theo), trẻ ho sặc sụa từng cơn kéo dài, đỏ mặt, tím tái mặt, mệt mỏi, kiệt sức, suy dinh dưỡng dẫn tới sụt cân nhẹ. Bạch cầu khi xét nghiệm máu cho trẻ có dấu hiệu tăng cao bất thường từ 15.000-50.000/mm3, chủ yếu là tế bào lympho. Các cơn ho có 4 đặc điểm:
- Ho rũ rượi kéo dài, tím tái mặt mũi và thở rít.
- Nôn sau khi ho từ thức ăn cho tới nước dãi trong suốt.
- Vã mồ hôi, tĩnh mạch da đầu, cổ hiện rõ.
- Có thể chảy máu cam, bầm tím mi mắt dưới, xuất huyết kết mạc mắt.
- Xuất hiện những cơn ngừng thở ngắn do suy hô hấp không đủ oxy ở trẻ sơ sinh. Đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ.
Giai đoạn phục hồi (7-14 ngày) khi mà số cơn ho giảm dần, quãng ho ngắn lại nhưng có thể tiết diễn trong vòng 1 tháng.
4. Biến chứng nguy hiểm bệnh ho gà
Trẻ mắc ho gà sẽ gặp những biến chứng sau nếu mẹ chủ quan và không cứu chữa kịp thời:
Viêm phổi suy hô hấp thường gặp ở những trẻ suy dinh dưỡng, sơ sinh.
Viêm não là biến chứng có tỷ lệ tử vong cao nhất. Trẻ thường sốt cao nằm li bì, co giật, hôn mê.
Biến chứng cơ học như sa trực tràng, lồng ruột, thoát vị, vỡ phế nang, tràn khí màng phổi do ho nhiều.
Các biến chứng khác cần cảnh giác như bội nhiệm vi khuẩn, viêm kết mạc mắt, rối loạn điện giải, xuất huyết võng mạc mắt.
5. Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện?
Trẻ dưới 3-6 tháng ăn kém, nôn nhiều, cơn ngừng thở kéo dài, xuất hiện co giật.
Trẻ ho đến mức đỏ tím tái mặt, ngủ ít, thở gấp rút/khó thở.
6. Chuẩn đoán bệnh ho gà
Trẻ mắc ho gà được lấy dịch tiết hầu họng và mũi. Sau đó xét nghiệm bằng cách phân lập vi khuẩn ho gà trong môi trường nuôi cấy chuyên dụng hoặc xét nghiệm phản ứng kháng thể huỳnh quang trực tiếp.
Vi trùng ho gà tồn tại trong 3 tuần đầu tiên. Bởi vậy mà sau thời gian này, phương pháp xét nghiệm PCR không còn có ích trong chuẩn đoán nữa. Xét nghiệm máu, hoặc cấy vi trùng có thể cho biết thông tin về kháng thể chống ho gà.
7. Cách chữa bệnh ho gà ở trẻ
Bệnh ho gà ở trẻ thường được cho dùng thuốc kháng sinh 3-4 tuần kể từ khi biết chính xác trẻ bị lây nhiễm virus bordelella pertussis. Cụ thể là kháng sinh erythromycin 50mg/kg/ngày.
Trường hợp bệnh nhi dưới 1 tuổi cần được cho nhập viện để hút đờm dãi, bù nước, bù dinh dưỡng, cho thở oxy, theo dõi cơn ngừng thở, cơn ho ngạt thở.
Thuốc amoxycillin, cephalosporin để chống bội nhiễm.
Điều trị các biến chứng co giật, suy hô hấp, thần kinh theo chỉ dẫn của bác sĩ bệnh viện.
8. Chăm sóc trẻ bị ho gà tại nhà
Trẻ ho ít trong thời gian ngắn, không tím tái mặt, ăn uống bình thường có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, để bệnh tình không diễn biến thêm xấu, mẹ cần:
- Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%.
- Cách ly trẻ bị bệnh để tránh lây nhiễm.
- Cho trẻ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ (nếu có).
- Vệ sinh sạch đờm sau cơn ho bằng khăn sạch nhứng nước muối ấm.
- Tạo không gian thoáng mát, tránh các yếu tố kích thích như bụi bẩn, nấm mốc, hóa chất, thuốc lá.
- Đối với trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục bú mẹ như bình thường. Trẻ lớn, ăn dặm thì cho ăn lỏng, đồ mềm dễ tiêu, chia làm 8-10 bữa/ngày. Mẹ cần chú ý không nấu quá loãng sẽ làm giảm lượng chất dinh dưỡng cung cấp cho trẻ.
Bệnh ho gà ở trẻ nếu được chữa trị kịp thời sẽ nhanh khỏi trong vòng 3-4 tuần kể từ giai đoạn xuất tiết. Mẹ tham khảo thêm chế độ chăm sóc dinh dưỡng cùng những món ăn giúp trẻ mau chóng khỏi bệnh ở kỳ sau nhé.
Nguồn: Tổng hợp