Bệnh bạch hầu có nguy cơ diễn biến phức tạp: Bệnh bạch hầu có chữa được không và làm sao để phòng bệnh bạch hầu?

X.T,
Chia sẻ

Ngành y tế của các tỉnh có ghi nhận bệnh bạch hầu đang tăng cường các giải pháp để bệnh không lây lan ra cộng đồng.

Hiện nay tại một số địa phương của 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi xuất hiện một số ca mắc bệnh bạch hầu. Cụ thể, tỉnh Quãng Ngãi ghi nhận 8 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, 1 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 11 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong. Còn tại Quảng Nam, ghi nhận 1 trẻ dương tính, 2 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu và đang được cách ly. Ngành y tế của các tỉnh này đang tăng cường các giải pháp để bệnh không lây lan ra cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương miền núi tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh mới và người lành mang trùng; đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Bệnh bạch hầu có nguy cơ diễn biến phức tạp: Bệnh bạch hầu có chữa được không và làm sao để phòng bệnh bạch hầu? - Ảnh 1.

Nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius.

Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Bệnh bạch hầu có nguy cơ diễn biến phức tạp: Bệnh bạch hầu có chữa được không và làm sao để phòng bệnh bạch hầu? - Ảnh 3.

Bệnh bạch hầu có chữa được không?

Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi đang điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3%. Tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Bệnh bạch hầu có nguy cơ diễn biến phức tạp: Bệnh bạch hầu có chữa được không và làm sao để phòng bệnh bạch hầu? - Ảnh 4.

Phòng ngừa bệnh bạch hầu bằng cách nào?

Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng vắc-xin. Vắc-xin bạch hầu có trong tất cả các vắc-xin kết hợp 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1 hay 6 trong 1 cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi:

- Vắc-xin kết hợp 6 trong 1 Hexaxim hoặc Infanrix Hexa phòng 6 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan b, bại liệt và các bệnh do Hib).

- Vắc-xin kết hợp 5 trong 1 Pentaxim phòng 5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib) hoặc vắc-xin trong chương trình TCMR ComBE Five (Phòng 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B).

- Vắc xin kết hợp 4 trong 1 Tetraxim phòng các bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt.

- Vắc xin kết hợp 3 trong 1 Adacel phòng các bệnh: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván.

Trẻ từ 2 tháng tuổi đã có thể tiêm phòng với 4 mũi tiêm cơ bản lúc 2-3-4 tháng tuổi và liều nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.

Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim, Infanrix Hexa hiện có sẵn tại các hệ thống tiêm chủng.

Vì tính chất nghiêm trọng của bệnh, hãy cho trẻ được chủng ngừa đầy đủ phác đồ!

Bệnh bạch hầu có nguy cơ diễn biến phức tạp: Bệnh bạch hầu có chữa được không và làm sao để phòng bệnh bạch hầu? - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Môi trường nhà ở, trường lớp phải được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo thông thoáng và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người dân phải nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Phải được cách ly và điều trị. Trường hợp tại ổ dịch bạch hầu, người dân cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Để phòng bệnh bạch hầu cho con, cha mẹ cần nắm rõ những vấn đề liên quan đến bệnh TẠI ĐÂY.

Chia sẻ