Bé trai 6 tuổi bị đau đầu, nôn mửa, rơi vào hôn mê vì thủ phạm là căn bệnh nguy hiểm mà cha mẹ nào cũng sợ
Ellis Artist thức dậy lúc nửa đêm, khóc thét vì đau đớn. Cậu bé lập tức được đưa tới bệnh viện, nơi các bác sĩ tin rằng đó là bệnh viêm màng não.
Cơn đau khiến Ellis tỉnh giấc bắt nguồn từ cổ. Cậu bé cũng bắt đầu nôn mửa. Thời điểm đến bệnh viện, Ellis gần như không có phản ứng và nổi mẩn trên người. Kết quả chụp cộng hưởng từ xác nhận Ellis bị viêm não tuỷ lan toả cấp (acute dissenminated encephalomyelitis - ADEM). Các bác sĩ không thể đưa ra tiên lượng cho cậu bé 6 tuổi, sau đó đã bị co giật kể từ khi rơi vào trạng thái hôn mê 2 ngày sau nhập viện.
Kết quả chụp cộng hưởng từ xác nhận Ellis bị viêm não tuỷ lan toả cấp.
Bố mẹ Ellis, Sarah Girdwood, 34 tuổi và Paul Artist, 37 tuổi, cho biết, họ đã chuẩn bị tâm lý đón nhận tin xấu nhất – đó là trường hợp căn bệnh có thể dẫn tới tình trạng khuyết tật cho Ellis nếu trở nặng.
Thay mặt bố mẹ bé, dì Nicola Bicknell, 34 tuổi, chia sẻ với báo giới: "Chúng tôi không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tới khi Ellis tỉnh dậy hoặc tình trạng nghiêm trọng của căn bệnh mà con mắc phải. Chúng tôi cũng không biết liệu có hậu quả lâu dài nào không hay liệu Ellis có bị tật nguyền không. Thật khủng khiếp. Đây là khoảng thời gian cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi mà không hay biết chuyện gì thực sự sẽ đến. Nếu bạn biết mình đang phải đối mặt với gì, bạn có thể nỗ lực và xử lý nó. Nhưng đây là cảm giác lo sợ về thứ mình không biết".
Trở lại với thời điểm tuần thứ 3 cuối cùng của tháng 1. Ellis từ trường về nhà, có dấu hiệu sốt nên được mẹ cho uống vài viên Calpol giúp giảm đau, hạ sốt. Dì Becknell của bé kể lại: "Sau đó, con khỏe lại và nô đùa bình thường. Thế rồi, lúc nửa đêm, Ellis thức dậy, khóc thét lên vì đau ở đầu và cổ. Cơn đau cũng khiến con bắt đầu nôn mửa".
Ngày hôm sau, mẹ Ellis cho con trai nghỉ học. Cậu bé ở cùng bà nội Kathryn Artist. Ellis đi ngủ và sau khi nỗ lực đánh thức cháu dậy mà không được, bà nội đưa bé tới gặp bác sĩ. Bác sĩ cho biết, họ có thể cậu bé bị mắc bệnh do virus và dặn dò, trong vòng 6 giờ nữa, nếu tình hình không có tiến triển, gia đình phải đưa Ellis tới phòng cấp cứu ngay.
2 giờ sau, bà nội vội vã cùng cháu trai vào viện Bradford Royal Infirmary. Tại đây, cậu bé được cho là mắc bệnh viêm màng não.
Dì Bicknell nhớ lại: "Ellis cũng nổi mẩn đỏ trên người. Bác sĩ cho rằng, có thể đó là viêm màng não do virus. Do đó, con nhập viện khoa nhi và được truyền kháng sinh. Con gần như không thức dậy. Trong giấc ngủ chập chờn, chúng tôi nghe tiếng con lẩm bẩm và khóc. Mọi người đều cảm thấy vô cùng lo sợ".
Sau đó, Ellis được chụp CT và chọc dò tuỷ sống. Thứ Sáu, 31/1, bác sĩ đưa con đi chụp cộng hưởng từ.
"2 giờ sau, bác sĩ trở lại và thông báo, con cần vào phòng chăm sóc đặc biệt. Họ tiêm thuốc để con rơi vào hôn mê rồi chuyển con tới bệnh viện Leeds General Infirmary. Hôm 4/2, con được chụp cộng hưởng từ lần nữa và kết quả cho thấy tình trạng sưng phù đã lan rộng từ não con xuống cột sống".
Bác sĩ chẩn đoán Ellis bị viêm màng não tuỷ cấp lan toả (ADEM) - căn bệnh có thể hình thành từ tình trạng nhiễm trùng nhỏ.
Bác sĩ chẩn đoán Ellis bị viêm màng não tuỷ cấp lan toả (ADEM) - căn bệnh có thể hình thành từ tình trạng nhiễm trùng nhỏ.
Theo Hiệp hội Viêm não The Encephalitis Society, căn bệnh còn chưa được hiểu biết kỹ càng này mới chỉ được chứng kiến 1-2 lần/năm ở các bệnh viện đa khoa. ADEM tác động chủ yếu tới chất trắng của não – là các mô tạo thành dây thần kinh. Hệ miễn dịch do bị lập trình nhầm lẫn, gây nên sự xâm lấn và tấn công của các tác bào miễn dịch trong máu, tương tự phản ứng dị ứng cực đoan. Tại vị trí những tế bào miễn dịch tích tụ, myelin - chất béo giữ vai trò bảo vệ xung quanh dây thần kinh - bị phá huỷ.
ADEM thường xảy ra ở trẻ em và bệnh khởi phát sau khi bệnh nhân xuất hiện ban đỏ, xuất hiện các bệnh nhiễm trùng do virus khác hoặc do tiêm chủng.
Phần lớn bệnh nhân (tới 75%) có thể hồi phục hoàn toàn. Số còn lại, thật không may, có thể gặp các khó khăn về thể chất, hành vi và khả năng học tập.
Dì Bicknell của Ellis cho biết: "Bác sĩ không biết căn bệnh này với cháu tôi có nghĩa là gì. Họ nói, có trường hợp người bệnh về nhà khỏe mạnh nhưng cũng có trường hợp bị khuyết tật.
Ellis được gắn máy thở nhưng hiện đã tự thở được rồi. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những cơn co giật nhỏ mà bác sĩ cho rằng đó là hậu quả của tình trạng phù nề não". Được biết, 1/3 bệnh nhi bị ADEM bị co giật.
"Anh chị tôi luôn túc trực bên giường bệnh", dì Bicknell tiết lộ thêm. "Tâm lý có lúc tốt, xấu nhưng họ vẫn đang cố gắng để lạc quan và chờ đợi tin tức tốt lành. Các bác sĩ rất tận tình và cung cấp thông tin ở mức nhiều nhất có thể. Ellis có thể phải ở lại viện điều trị một thời gian dài. Chúng tôi nghĩ, có thể ít nhất 2 tháng. Ellis là một cậu bé vui vẻ, tràn đầy năng lượng. Con rất sôi nổi và là một cậu bé 6 tuổi bình thường, rất yêu câu lạc bộ bóng đá Bradford. Các anh em trai của con biết Ellis gặp phải chuyện gì nhưng không thực sự hiểu. Em út Toby nghĩ rằng, anh Ellis phải nằm viện vì một chân bị thương. Con là một chàng trai can đảm và chúng tôi đều đang cầu nguyện cho thay đổi tốt lành sẽ tới".
Ellis được gắn máy thở nhưng hiện đã tự thở được rồi. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những cơn co giật nhỏ mà bác sĩ cho rằng đó là hậu quả của tình trạng phù nề não
Viêm não tuỷ lan toả cấp - ADEM - là gì?
ADEM là một dạng viêm não gây ra bởi phản ứng viêm trong não và đôi khi, trong tuỷ sống, chủ yếu tác động tới dây thần kinh trong "chất trắng" của não bộ.
Thông thường, trẻ có tiền sử bị một dạng nhiễm trùng nào đó khoảng 2-4 tuần trước khi bị ốm do ADEM.
Những dạng nhiễm trùng này có thể thuộc nhóm bệnh thường gặp và dễ dàng bị quên lãng như cảm, đau họng hay đau bụng. Hệ miễn dịch đã phản ứng thái quá với căn bệnh nhiễm trùng đó và gây viêm lớp bao phủ dây thần kinh, từ đó, ảnh hưởng tới cách thức hoạt động của dây thần kinh.
ADEM tương đối hiếm gặp. Một bệnh viện nhi lớn ở Anh thường tiếp nhận khoảng 10-15 trẻ mắc ADEM mỗi năm. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có 1-2 ca ADEM mỗi năm tại mỗi bệnh viện đa khoa địa phương.
Triệu chứng bệnh viêm não tuỷ lan toả cấp
ADEM thường khởi phát đột ngột. Các triệu chứng có thể nghiêm trọng và đáng lo ngại.
Đau đầu, nôn mửa, uể oải, buồn ngủ và cứng cổ là rất phổ biến. Mất thăng bằng và không thể đi lại hay đứng được cũng có thể xuất hiện nhanh chóng.
Co giật có thể xảy ra ở 1/3 trẻ mắc ADEM nhưng không khó để kiểm soát những cơn co giật này.
Sau điều trị, tới 75% trường hợp bệnh nhân ADEM có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian hồi phục khác nhau, tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân.
Quá trình tự lành của hệ thần kinh thường diễn ra chậm và có thể mất vài tuần, đôi khi, vài tháng để bệnh nhân ADEM phục hồi. Trẻ có thể phải ở lại viện khoảng vài tuần tới vài tháng để bình phục.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những bệnh nhi không thể hồi phục hoàn toàn có thể gặp khó khăn về thể chất, hành vi và khả năng học tập sau này.
Nguồn: DailyMail/The Encephalitis Society