Bé trai 15 ngày tuổi sốt kéo dài, chân tay sưng đỏ vì mắc căn bệnh dễ nhầm lẫn với cảm thông thường
Tiểu Thiên sốt 38,5 độ kéo dài trong 3 ngày, chân tay của em có biểu hiện sưng đỏ.
Tiểu Thiên (15 ngày tuổi) sốt 38,5 độ C kéo dài trong 3 ngày, chân tay của em có biểu hiện sưng đỏ, phát ban trên cơ thể, môi sưng đỏ là đặc điểm chung của căn bệnh Kawasaki. Sau khi bác sĩ Lâm Hồng Chí kiểm tra điện tâm đồ của em, Tiểu Thiên đã được tiêm globulin miễn dịch để hạ sốt và giảm phát ban.
Bác sĩ Lâm Hồng Chí, khoa nhi, bệnh viện China Medical University Hospital, cho biết: "Những người có cơ địa nhạy cảm cộng thêm lây nhiễm virus và vi khuẩn sẽ dễ mắc bệnh Kawasaki. Bệnh Kawasaki hiếm khi xảy ra ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên nếu trẻ mắc bệnh Kawasaki và không điều trị sớm, đồng thời ngộ nhận là bệnh cảm thông thường thì 1/4 trường hợp sẽ biến chứng thành bệnh động mạch vành. Những trẻ nhỏ từng mắc bệnh Kawasaki sau này sẽ có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành gấp 5 lần".
Bệnh viện China Medical University Hospital cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp là bé gái 2 tháng tuổi và bé trai 3 tháng tuổi mắc bệnh Kawasaki. Cả hai bé đều có biểu hiện là sốt kéo dài, môi khô nứt, sưng đỏ. Sau khi hai bé được khám và điều trị, sức khỏe của hai bé đã hồi phục khỏe mạnh.
Bác sĩ Lâm Hồng Chí giải thích: "Cơ thể người bệnh sẽ phản ứng viêm khi mắc căn bệnh Kawasaki. Chẳng hạn cơ thể người bệnh sẽ có biểu hiện sốt kéo dài, mắt môi lưỡi đều sưng đỏ, chân tay sưng tấy. Nếu người mắc bệnh Kawasaki điều trị kịp thời thì tỉ lệ hồi phục là 95%. Trẻ sơ sinh khi mắc bệnh Kawasaki vào thời kỳ đầu thường có triệu chứng không rõ ràng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm. Có những trường hợp học sinh trung học bỗng nhiên đột tử, nguyên nhân có thể là các em mắc bệnh Kawasaki ngay từ nhỏ, nhưng không điều trị kịp thời nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Nếu gia đình có trẻ nhỏ sốt kéo dài 3 ngày không khỏi, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ nhỏ đến bệnh viện khám. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki thì bác sĩ sẽ cho trẻ sử dụng globulin miễn dịch để giảm tình trạng sưng viêm, sau đó trẻ cần phải sử dụng thuốc aspirin từ nửa năm cho đến 1 năm để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh động mạch vành".
Bệnh kawasaki là gì?
Kawasaki là căn bệnh gây viêm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Bệnh ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết bên trong cơ thể cũng như gây ra các triệu chứng ở mũi, miệng và thanh quản. Kawasaki chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh tim ở trẻ em.
Triệu chứng của bệnh kawasaki ở trẻ em
Những triệu chứng của bệnh kawasaki được chia làm 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng có thể kéo dài lên đến 2 tuần, bao gồm:
- Sốt cao liên tục hơn 5 ngày;
- Đỏ mắt.
- Phát ban trên cơ thể.
- Môi, lưỡi sưng tấy và nứt nẻ.
- Chân tay sưng.
- Các hạch bạch huyết ở cổ sưng.
Các vấn đề về tim mạch cũng sẽ phát sinh trong giai đoạn này.
Ở giai đoạn sau, trẻ bị sốt kéo dài trong vòng 2 tuần. Da tay và chân của trẻ có dấu hiệu bong ra thành từng mảng. Nhiều trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng liên quan đến viêm khớp.
Ngoài các triệu chứng kể trên, bệnh còn có nhiều dấu hiệu khác đáng lưu ý, bao gồm:
Đau bụng
Nôn mửa
Tiêu chảy
Túi mật phình to
Suy giảm thính giác tạm thời.
Theo Ettoday