Bé gái 20 tháng tuổi bỏng niêm mạc thực quản và dạ dày do uống nhầm hóa chất

PV,
Chia sẻ

Trước khi vào viện 5 giờ, bé N.B.N. (20 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh) có uống nhầm dung dịch kiềm tẩy rửa mốc (có chứa NAOH).

Bé gái 20 tháng tuổi bỏng niêm mạc thực quản và dạ dày do uống nhầm hóa chất - Ảnh 1.

Hình ảnh bỏng niêm mạc thực quản cấp độ 2.

Sau khi uống, trẻ có triệu chứng đỏ miệng, nôn nhiều, đau bụng quấy khóc, gia đình đã nhanh chóng mang trẻ vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Sau đó, trẻ bị suy hô hấp, được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tại đây, trẻ được chỉ định làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, nội soi tiêu hóa dạ dày. Khi làm nội soi tiêu hóa dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện ra niêm mạc thực quản phù nề, xuất tiết và loét nông, bám giả mạc trắng chưa lộ lớp cơ; niêm mạc dạ dày phù nề, màu tím đen lan tỏa dọc bờ cong lớn và đáy vị dạ dày( theo dõi bỏng hóa chất gây hoại tử niêm mạc).

Kết quả nội soi dạ dày cho thấy bé bị bỏng toàn bộ niêm mạc thực quản độ 2 và bỏng niêm mạc dạ dày theo dõi hoại tử lớp niêm mạc vùng đáy vị và bờ cong lớn dạ dày.

Theo các bác sĩ, bỏng thực quản và dạ dày do hóa chất là tổn thương ở thực quản và dạ dày có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em do uống nhầm hóa chất như axit clohydric (dùng trong tráng gương), axit sunfuric (dùng trong sản xuất pin, ắc quy), bazơ như nước tẩy rửa Javel, dung dịch xút... Về mức độ tổn thương, axit gây bỏng ở lớp tổ chức nông, trong khi đó, bazơ làm bỏng ở các tổ chức sâu hơn.

Bỏng thực quản và dạ dày do hóa chất là tổn thương phổ biến và rất nguy hiểm, bởi nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại sẹo trong thực quản, ảnh hưởng đến việc ăn uống và làm suy kiệt cơ thể.

Sau khi uống, nuốt hóa chất, tùy theo liều lượng và nồng độ sẽ gây ra những tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng. Nếu nhẹ, ban đầu người bệnh sẽ thấy nóng rát, phỏng từ miệng môi đến lưỡi, họng. Lúc này, nếu kịp thời xử lý cấp cứu đúng cách có thể tránh được di chứng sẹo do bỏng thực quản để lại.

Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị ngộ độc, sốc, choáng váng và cuối cùng dẫn đến tử vong do các biến chứng như thủng thực quản hoặc dạ dày, viêm trung thất, mất cân bằng điện giải làm xuất huyết tiêu hóa,...

Trẻ em là lứa tuổi vô cùng hiếu động và tò mò, các trẻ có thể chơi đùa hoặc uống nuốt các vật lạ hoặc các chai dung dịch mà các trẻ lấy được. Do đó, nhà có trẻ nhỏ nên kiểm tra kỹ gia đình đang trữ các loại hóa chất như: Nước thông cống, nước tẩy bồn cầu... và lưu ý để thật xa tầm tay của trẻ. Người lớn khi sử dụng cũng phải vô cùng cẩn thận. Trường hợp không may bị dính vào người thì ngay lập tức xối bằng nước lạnh và đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Trên toàn thế giới, 80% số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ. Hầu hết trong số này là những vụ tai nạn với một lượng nhỏ và thường lành tính. Nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn và lỏng, chất tẩy rửa nhà vệ sinh.

Chia sẻ