Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học được đưa vào trung tâm bảo trợ: Chưa có ai đến thăm
Bé Thu H. đã ở trung tâm bảo trợ được hơn 10 ngày. Chúng tôi đã liên hệ được với bố và bác của cháu H. Họ nói mới biết sự việc và sẽ sớm lên thăm cháu.
Như thông tin đã đưa, bé Võ Thu H. (SN 2005) sống cùng mẹ là Trần Thị Hồng N. (SN 1973, ở tầng 7, tòa nhà chung cư No1A, khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), 11 tuổi cũng là chừng ấy năm bé không được đến trường. Mẹ bé vì lo con bị... hại nên giữ con trong nhà để tự dạy bảo, không cho đến trường như các bạn cùng trang lứa.
Bé H vui vẻ và nhanh nhẹn hơn rất nhiều sau khi được "ra" khỏi nhà
Ngày 31/12 bé bị lạc mất mẹ (đây là lần thứ 2 bé lạc mẹ chỉ trong vòng 1 tháng), sau đó không thấy mẹ và người nhà đến nhận, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bàn giao cháu H. cho Trung tâm bảo trợ xã hội III để đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu H.
Bố và bác mới biết sự việc
Ngày 9/1, chúng tôi nhận được thông tin từ ông Tạ Văn Hải, Phó chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết chị Trần Thị Hồng N. (SN 1973)- người mẹ nhốt con 11 tuổi không cho đi học đã làm lạc con lần thứ 2 vào ngày 31/12/2016.
Sau khi nhận tiếp quản cháu từ cơ quan chức năng nơi cháu bị lạc, những cán bộ phường Hoàng Liệt đã giữ cháu lại và liên lạc với bố, mẹ, người thân của cháu. Tuy nhiên, những người thân của cháu H. đều không trả lời. Cháu H vẫn ở lại phường hơn 1 ngày chờ đợi mẹ cháu có thể quay lại đón như lần thứ nhất bị lạc, nhưng vẫn không thấy.
Để đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu H. được tốt hơn, chính quyền phường đã thống nhất với các ban ngành đưa cháu H. vào trung tâm bảo trợ xã hội III (thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội) vào ngày 1/1/2017.
Ngày 12/1, chúng tôi đã liên lạc với bố của cháu H. Anh Võ Quý H, bố của cháu H. nói: "Tôi mới biết thông tin cháu H. được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, tôi sẽ thu xếp đến thăm cháu H. trong thời gian sớm nhất".
Cũng ngày, chúng tôi cũng liên hệ được với ông Trần Quang (ở KĐT Dương Nội, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội – bác ruột bé), ông Quang cho hay, mới biết thông tin cháu H. được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội III.
Người bác này cũng không biết, hiện tại chị N. (mẹ của cháu H.) ở đâu. "Gia đình chúng tôi sẽ thu xếp để vào thăm cháu H. sớm nhất", ông Quang nói.
Cháu H. đã mạnh dạn hơn, đối đáp thông minh
Sáng 12/1, chúng tôi đã đến Trung tâm bảo trợ xã hội III (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội) để tìm gặp cháu H.
Chia sẻ về cháu H., bà Nguyễn Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 3 cho biết,cháu H. được bàn giao cho trung tâm từ ngày 1/1/2017.
Sau đó bà Phương, đã dẫn chúng tôi tới thăm nơi ở của cháu H.
Nơi bé H đang được chăm sóc: cháu được chăm lo đầy đủ và có bạn bè để chơi chung
Khác hẳn với những suy nghĩ của chúng tôi về một bé gái e thẹn, nhút nhát và né tránh người lạ. Khi vừa tiếp xúc, bé H. tỏ ra rất bình thản và ngước nhìn những người xung quanh với ánh mắt ngây thơ.
Cháu H. dạn dĩ trả lời rành mạch những câu hỏi của chúng tôi. Thậm chí cháu còn biết đối đáp khá thông minh. Khi chúng tôi hỏi: Cháu ăn cơm chưa? H. nhanh nhẹn trả lời: "Cháu ăn một bát cơm rồi, cháu tự xúc ăn".
- Cháu vào đây chơi với các bạn vui không?
- "Cháu được vui chơi với các bạn, cháu biết chơi trò chơi nấu ăn, lái ô tô với các bạn".
- "Tên chú là gì, chú bao nhiêu tuổi, sao da chú đen thế, chú làm nghề gì, sao chú không sang Mỹ, Hàn Quốc để da trắng lên. Chú có dùng kem chống nắng bôi để da trắng lên không?"
-Vậy tên cháu là gì?
- "Cháu tên H., cháu 11 tuổi, mẹ cháu tên là N., bố cháu tên là H., bác cháu tên là Long, bác Quang. Cháu nhớ bố mẹ và các bác, cháu muốn bác Quang đến thăm, muốn bố H. và mẹ N. đến thăm".
-Nhà cháu ở đâu?
- "Nhà cháu ở No1A, khu đô thị Linh Đàm, cháu ở đây được các cô dạy học chữ, học số cùng các bạn".
Bà Phương cho biết cháu H. đã ngày càng tiến bộ hơn so với thời gian đầu tới trung tâm. Tuy nhiên, sinh hoạt của cháu vẫn còn nhiều điều thất thường, ví dụ như H. chỉ thích ăn thịt, ăn rau mà không thích ăn cơm.
Để giúp cháu H. hòa nhập, Trung tâm đã bố trí một giáo viên cùng mấy anh chị em lớn tuổi túc trực bên cháu để dạy dỗ, chỉ bảo cháu H. Qua một thời gian cố gắng, đến nay cháu H. đã giao tiếp với mọi người, không sợ sệt nữa. Cháu đã nói chuyện được nhiều hơn, vui chơi với các bạn trong trung tâm
Bà Phương chia sẻ thêm: "Về mặt chăm sóc và nuôi dưỡng cháu H. trung tâm đang làm rất tốt. Tuy nhiên, nếu mong muốn cháu hòa đồng với mọi người thì cháu H. rất cần được đưa đến trung tâm giáo dục chuyên biệt cho người tự kỷ bởi ở đó cháu sẽ được dạy dỗ cũng như có các biện pháp giúp cháu hòa nhập cộng đồng tốt nhất".