Bé 6 tuổi cứng khớp, hạn chế vận động tay sau khi đắp thuốc nam chữa gãy xương
Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) vừa tiếp nhận bệnh nhi 6 tuổi, trú tại huyện Quang Bình trong tình trạng đau khuỷu tay phải, tê ngón tay, vận động hạn chế.
Trước đó, bệnh nhi bị ngã, gia đình có đưa đi khám và được tư vấn điều trị. Tuy nhiên, thay vì bó bột, cố định xương hồi phục, gia đình đưa bệnh nhi đến nhà thầy lang bó lá thuốc nam.
Sau khoảng 2 tháng bó lá thuốc nam, tay bệnh nhi vẫn bị đau nhức nhiều, lo ngại hơn là tay phải bệnh nhi bị vận động hạn chế, không thể gấp duỗi bình thường được.
Bệnh nhi được gia đình đưa vào bệnh viện khám lại, qua thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ kết luận: Cẳng tay trái bị cứng khớp, hạn chế vận động khuỷu tay phải.
Sau 1 tuần điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện, khuỷu tay phải của bệnh nhi đã có thể gấp duỗi, các ngón tay k còn tình trạng tê bì.
Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ thường hiếu động thích nô đùa, leo trèo, chạy nhảy… và chưa có ý thức an toàn khi vui chơi. Vì vậy, nguy cơ chấn thương xương khớp là rất lớn. Việc điều trị chấn thương ở trẻ nhỏ không đúng chuyên môn sẽ dẫn đến những biến chứng muộn đáng tiếc như: giới hạn vận động khớp, lệch trục, cứng khớp…
Thời gian vừa qua, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân vào viện điều trị với các biến chứng nguy hiểm của điều trị thuốc nam khi bị gãy xương, bong gân. Rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng da đắp thuốc, phỏng, rộp, dây chằng bị tổn thương, biến dạng phần xương bị gãy,...
Với những trường hợp nhẹ, có thể phẫu thuật phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân nhưng một số chấn thương gãy xương nặng không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề, hạn chế vận động và có thể bị liệt.
Vì vậy, các bác sĩ đưa ra lời khuyên, khi bị gãy xương, trật khớp hay bong gân, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám, chụp chiếu xác định tình trạng chấn thương và được điều trị đúng cách, tránh ở nhà bó lá thuốc hoặc làm các biện pháp khác sẽ gây những biến chứng để lại hậu quả khó lường "tiền mất, tật mang".