Bé 5 tháng hôn mê vì thuốc cam

Theo Khám phá,
Chia sẻ

Bé gái rơi vào tình trạng hôn mê sau 7 ngày dùng thuốc cam trị bệnh biếng ăn và loét miệng.

Bác sĩ (bs) Lê Thị Lan Anh, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, khoa mới tiếp nhận và điều trị cho bé sơ sinh N.T.Y, hơn 5 tháng tuổi ở Thanh Thủy, Phú Thọ bịngộ độc chì.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, cách đây 20 ngày bé bỗng bị nôn, nôn không liên quan đến ăn uống, ban đầu là ngày 1 lần, sau tăng dần. Bé không sốt, phân không lỏng nhưng bỗng xuất hiện cơn co giật toàn thân, kém bắt chuyện, bắt đầu rơi vào tình trạng li bì. Gia đình đưa đi cấp cứu tại BV tỉnh Phú Thọ sau đó được chuyển xuống BV Nhi TƯ.

Tại BV Nhi TƯ, bé nhập viện trong tình trạng tỉnh nhưng chậm, kém đáp ứng với ngoại cảnh, có cơn co giật toàn thân lên tới 5-10 phút. Tại đây, sau khi thăm khám và làm xét nghiệm bé được chẩn đoán bị rối loạn chuyển hóa, bs cho điều trị các thuốc chống co giật và các vitamin nhóm B.

Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của cháu Y. không tiến triển, thậm chí bé có dấu hiệu hôn mê. Bs tại BV Nhi TƯ có gọi người nhà lên khai thác thêm về các thuốc gia đình đã cho bé sử dụng trong giời gian gần đây.

Lúc này, mẹ bé mới thú nhận lúc bé được hơn 4 tháng có mua thuốc cam của bà lang gần nhà về cho bé uống và bôi ngày 2 lần để trị bệnh ăn kém và loét miệng. Thời gian dùng thuốc kéo dài trong 7 ngày liên tục.

Sau khi dùng thuốc cam được 10 ngày thì bé có biểu hiện nôn nhưng gia đình không nghĩ do ngộ độc thuốc cam. Ngay lập tức bé được chuyển sang BV Bạch Mai vì bác sĩ nghi ngờ trẻ bịngộ độc chì.

Bé 5 tháng hôn mê vì thuốc cam 1

Thuốc cam - thủ phạm gây ra hàng loạt ngộ độc chì ở trẻ em. (Ảnh: Mai Hương)

Tại BV Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nồng độ chì trong máu của bé Y. lên tới 105.7 μg/dL, vượt ngưỡng cho phép hơn 10 lần. Sau khi được điều trị 2 tuần theo phác đồ của trẻ ngộ độc chì, sức khỏe của bé Y. đã hồi phục, bé tỉnh táo, chơi ngoan, hết co giật và đã được xuất viện.

Bs Lan Anh cho biết, nguy cơ nhiễm độc chì từ thuốc cam bán dạo, không có nguồn gốc xuất xứ là rất lớn, các phương tiện truyền thông đã cảnh báo nhiều nhưng không hiểu sao nhiều cha mẹ vẫn cho trẻ uống hoặc bôi.

Ngộ độc chì từ thuốc cam để lại nhiều tác hại đối với sức khỏe của trẻ. Chì là kim loại khó thải loại, khi vào cơ thể sẽ theo máu đến nhiều cơ quan như gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ … dễ gây tử vong. Nguy hiểm hơn, với trẻ bị ngộ độc chì ngay cả khi được cứu sống nhưng nếu lượng chì ngấm vào trong cơ thể quá nhiều cũng sẽ khiến trẻ lớn lên bị đần độn về mặt triển trí tuệ.

Do đó, bs khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ dùng thuốc cam để tưa lưỡi hoặc chữa bệnh biếng ăn. Nếu trẻ nào đã có tiểu sử từng dùng thuốc cam nên đi xét nghiệm đo lượng chì trong máu, để được phát hiện và điều trị sớm, bởi có trẻ bị ngộ độc chì nhưng không có biểu hiện cấp tính (nôn, hôn mê …). Với trường hợp này, trẻ sẽ bị còi, suy dinh dưỡng… nhưng lại dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác.


Chia sẻ