Hóc thạch, bé 14 tháng tuổi suýt gặp tử thần
Chỉ ăn một nửa miếng thạch mà bé Nghĩa, ở Bắc Giang đã phải đi cấp cứu vì ngừng thở, ngừng tim. Theo các bác sĩ, hóc thạch rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao vì rất khó gắp hết ra khỏi đường thở.
Tai nạn xảy ra ngày 4/10. Bé được bà nội đưa sang nhà hàng xóm chơi, chia nửa miếng thạch rau câu. Nhai một lúc, bé lên cơn ho sặc sụa. Bà nội vội bế dốc người cháu xuống và vỗ vào lưng nhưng không có tác dụng, bé càng ho dữ hơn, người tím tái.
Bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cấp cứu (cách nhà 300 m), trong tình trạng tím tái toàn thân và ngưng thở. Bác sĩ tiến hành cấp cứu, truyền dịch, bóp bóng thở, đặt nội khí quản, sau đó chuyển bé đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội). Các bác sĩ đã nội soi và cố gắp những mảnh thạch vụn trong đường thở, tuy nhiên bé vẫn ngừng thở, khắp người tím đen.
Dù thời gian ngừng thở lâu nhưng rất may não bé chưa bị tổn thương. Ảnh hai mẹ con bé Nghĩa: N.P.
Kết quả đo độ bão hòa oxy trong máu của bé chỉ đạt 30-40 (trong khi người bình thường là 95, người có độ bão hòa oxy 92 đã phải thở máy). Bé được chuyển sang khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để cứu em, các bác sĩ đã tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Rất may, sau 15 phút tim bé đã đập trở lại.
"Hóc thạch là hóc dị vật nguy hiểm nhất, rất khó gắp hết ra khỏi đường thở bởi thạch trơn, dễ nát ra thành các viên nhỏ. Nếu cứ cố gắng hút hết dị vật trẻ sẽ bị thiếu oxy trầm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì thế, khi cấp cứu phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp oxy và hút dị vật. Phải mất gần 2 ngày chúng tôi mới hút hết được dị vật ra khỏi đường thở của trẻ", phó giáo sư Dũng nói.
Cũng theo ông, hầu hết trường hợp trẻ bị hóc thạch đều tử vong. Vì thế, việc cứu sống của bé là thành công rất lớn.
Hiện sức khỏe của bé bệnh nhi đã ổn định, dù thời gian ngưng thở lâu nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy não không bị ảnh hưởng. Dự kiến 1-2 ngày tới bé có thể xuất viện.