Bé 23 ngày tuổi bị thoát vị bẹn được bác sĩ mổ thành công: Cha mẹ cần chú ý khi thấy con sưng đau vùng bẹn

M. Tuyết,
Chia sẻ

Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra.

Thông tin từ khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa mổ cấp cứu bé 23 ngày tuổi bị thoát vị bẹn nghẹt.

Đó là bệnh nhân nhi Dương Lạc A, 23 ngày tuổi (Bình Gia, Lạng Sơn), vào viện trong tình trạng quấy khóc, có khối sưng bìu phải. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị bẹn nghẹt, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuổi bệnh nhân quá nhỏ, dễ có các tai biến trong gây mê phẫu thuật và hậu phẫu cho bệnh nhân.

48684057580bbc55e51a_0

Bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Ngay lập tức bệnh nhân đã được chuyển mổ cấp cứu. Sau hơn 1 giờ làm việc tích cực, ca phẫu thuật thành công. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chăm sóc, theo dõi đặc biệt do những rối loạn bệnh lý từ trước và sau mổ đều là rất nặng đối với trẻ sơ sinh. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bé A hồi phục tốt và được ra viện.

Việc phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân sơ sinh là sự cố gắng, nỗ lực của các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp và Khoa Gây mê Hồi sức. Các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi thấy trẻ có dấu hiệu quấy khóc, có khối sưng đau vùng bẹn – bìu cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Theo các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thoát vị bẹn gặp khá phổ biến ở trẻ em mà nguyên nhân là do còn ống phúc tinh mạc. Đây là bệnh phải xử trí bằng ngoại khoa, do đó, các bậc cha mẹ khi phát hiện các dấu hiệu bệnh cần phải được khám và điều trị đúng đôi khi cần phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Thoát vị bẹn thường gặp ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng nơi này khá yếu. Nữ giới thường ít gặp thoát vị bẹn và thường chỉ bị khi có bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng hoặc sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, thoát vị bẹn nghẹt có thể khiến cho 20% bệnh nhân có thể bị nghẹt ruột ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường bị ở trẻ nhỏ và khoảng 60% số bị thoát vị nghẹt hay xảy ra trong 3 tháng đầu sau đẻ; rối loạn tiêu hóa, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ; bệnh còn là yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi thấy trẻ có dấu hiệu quấy khóc, có khối sưng đau vùng bẹn – bìu cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương đến các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn nữa.

Chia sẻ