Bé 2 tuổi suýt mất mạng vì hóc xương cá
Xương cá cắm sâu vào thành họng khiến bé đau đớn, nôn ra máu, sưng đau vùng cổ, ù tai và sốt cao, gia đình tức tốc đưa bé đến bệnh viện Nhi TƯ.
Đang ăn cháo cá, bé L.B.N (22 tháng tuổi, Hưng Yên) bị hóc xương và được đưa đến trạm y tế. Phát hiện có xương cá mắc trong họng, nhân viên y tế dùng bông gạc ấn vào để cho xương cá trôi xuống nhưng chỉ làm xương cắm sâu hơn…
2 mẩu xương cá găm trong họng bé B.N.
Xương cá cắm sâu vào thành họng khiến bé đau đớn, nôn ra máu, sưng đau vùng cổ, ù tai và sốt cao, gia đình tức tốc đưa bé đến bệnh viện Nhi TƯ sáng 23/7.
Tại đây, bác sĩ phát hiện thấy có 2 mẩu xương cá găm vào vùng xoang lê, bên dưới có mủ và sưng nề đã tiến hành nội soi gắp dị vật.
Bác sĩ Nguyễn Lợi, đơn vị Nội soi tiêu hoá- khoa Tiêu hoá cho biết, trước ca bệnh này, các bác sĩ cũng vừa nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân T.T.Y (20 tháng tuổi, ở Tuyên Quang) do bị hóc xương cá.
Trường hợp bệnh nhi này gia đình không biết hóc xương, chỉ thấy trẻ có biểu hiện đau đớn, quấy khóc, sốt, không ăn được, cứ uống nước vào là nôn nên gia đình mới đưa đi viện. Tại BV tỉnh, chụp X-quang không phát hiện nguyên nhân, bé được chuyển lên viện Nhi TƯ.
Tại đây, bác sĩ phát hiện dị vật là mẩu mang cá mắc ở đoạn thực quản cổ trên cắm 2 đầu vào thành thực quản, vị trí cắm có mủ, loét. “Tình trạng hóc dị vật rất phổ biến, từ đồ chơi, đồ vật nhỏ, đồ ăn, xương cá…
Trường hợp phát hiện trẻ nuốt phải dị vật nhọn có thể gây nhiễm trùng nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Không móc họng trẻ vì có nguy cơ đẩy dị vật xuống sâu hơn, việc can thiệp càng khó khăn hơn”, BS Lợi cảnh báo.
Trường hợp phát hiện trẻ nuốt phải dị vật nhọn có thể gây nhiễm trùng nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Không móc họng trẻ vì có nguy cơ đẩy dị vật xuống sâu hơn, việc can thiệp càng khó khăn hơn”, BS Lợi cảnh báo.