Đắp lá chữa gãy xương, nhiều người "khóc dở"
Sau hơn một tháng dán cao, thấy vai vẫn rất đau và khó điều khiển cánh tay, bà O. (Từ Liêm, Hà Nội) mới đi chụp X-quang thì thấy hai đầu xương gãy lệch hẳn ra.
Sau khi ngã xe máy, bà O. (52 tuổi) được đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán gãy xương đòn vai, do tình trạng khá phức tạp nên bác sĩ chỉ định dùng đinh và nẹp. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý mà đưa bà đến một ông lang khá có tiếng để đắp cao thuốc. Sau hơn một tháng dán cao, chỗ da ở vai bị ngứa rồi loét ra, nhưng trong xương vẫn rất đau, cánh tay không theo ý người bệnh. Lúc này, bà O. mới đến bệnh viện để kiểm tra. Kết quả chụp phim cho thấy hai đầu xương gãy lệch hẳn nhau.
Không chỉ bà O., rất nhiều người khác khi bị gãy xương cũng từ chối điều trị Tây y, đến xin đắp lá, dán cao ở những thầy lang được mách bảo. Một số người lành bệnh, nhưng cũng không ít người bị tai biến.
Đắp lá, dán cao có làm liền xương?
Bác sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, cho biết việc điều trị gãy xương tuy là thế mạnh của Tây y, nhưng Đông y cũng đem lại hiệu quả trong lĩnh vực này. Việc đắp thuốc tại chỗ có tác dụng làm giảm phù nề, hết ứ đọng khí huyết, từ đó làm giảm đau. Sự lưu thông khí huyết được thuận lợi sẽ làm xương liền nhanh hơn. Tuy nhiên, để xương liền được không thể chỉ dựa vào thuốc đắp ngoài, mà điều quan trọng nhất là phần xương gãy phải được điều chỉnh về đúng vị trí và phải được cố định.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng khẳng định, thông thường khi bị gãy xương, nếu được kéo nắn đúng vị trí và cố định thật tốt thì sau 4 - 6 tuần, xương sẽ tự liền mà không cần can thiệp gì thêm.
Bó bột là một phương pháp điều trị gãy xương. Ảnh: Inmagine. |
Trong khi đó, nhiều thầy lang hiện không có hoặc có rất ít kiến thức khoa học về giải phẫu cơ thể nên không thể đảm bảo là xương của người bệnh đã trở về đúng vị trí hay chưa. Họ chỉ sờ nắn bên ngoài rồi chẩn đoán theo cảm giác chủ quan để đắp thuốc, bó lá cho người bệnh. Theo bác sĩ Hiệp, với cách này, họ có thể thành công với những trường hợp gãy xương kín, không quá nghiêm trọng. Các loại lá mà họ dùng đắp cho bệnh nhân có tác dụng giảm sưng, đau nên người bệnh cảm thấy bớt khó chịu hơn là bó bột. Vì thế nhiều người nghĩ rằng đắp thuốc lá hiệu quả hơn phương pháp bó bột của Tây y.
"Nhiều trường hợp do thầy lang chỉ sờ nắn, không nhìn rõ được tình trạng gãy bên trong xương, biện pháp nắn chỉnh không chính xác nên xương dù liền nhưng lại không theo đúng hình dáng ban đầu, dẫn đến lệch, cong, vẹo, ảnh hưởng đến chức năng, việc khắc phục sẽ càng khó khăn, phức tạp", bác sĩ Hiệp nói.
Nguy hiểm nhất là áp dụng đắp lá, bó thuốc với các ca gãy xương hở, có độ di lệch lớn, rách cơ, như trường hợp anh T. ở Hạ Hòa (Phú Thọ). Anh bị gãy xương đùi do chiếc xe công nông đâm phải. Gia đình đưa đến thầy lang trong vùng để lấy lá thuốc về bó. Mấy ngày đầu, bệnh nhân thấy khá ổn vì vết thương ngoài giảm sưng, còn bên trong xương cũng đỡ đau nhức. Nhưng một tuần sau, chỗ gãy bắt đầu sưng tấy trở lại và đau buốt. Gia đình đưa anh T. đến bệnh viện thì được biết, vết gãy xương bắt đầu có hiện tượng nhiễm trùng. Theo bác sĩ Thủy, giống như bệnh nhân này, rất nhiều người khác cũng phải đến bệnh viện cầu cứu do bị biến chứng nặng sau khi đắp lá. Với trường hợp anh T., việc điều trị lẽ ra đã dễ dàng hơn nhiều nếu sớm đến bệnh viện.
Chữa bằng Đông y vẫn phải chụp phim
Bác sĩ Trần Hữu Hiệp khẳng định, khi bị gãy xương, dù điều trị bằng Đông y, trước đó bệnh nhân ở Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội vẫn được chỉ định chụp phim vết gãy để xác định tình trạng xương. Nếu là gãy kín, vững, ít di lệch thì mới điều trị bằng Đông y. Riêng các ca gãy xương hở, không vững, di lệch lớn, có rách rời cơ, tổn thương phần mềm bên ngoài thì bắt buộc phải điều trị bằng Tây y, vì bác sĩ cần phải mổ vết thương, một việc đòi hỏi đảm bảo vô trùng mà Đông y lại bị hạn chế về mặt này.
Với những bệnh nhân có kèm bệnh về máu, bệnh tim, loãng xương... thì việc can thiệp bằng Tây y cũng sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Vì gãy xương là một vấn đề ngoại khoa nên trước khi quyết định điều trị, bệnh nhân vẫn cần phải chụp X-quang. Bệnh nhân lựa chọn chữa bệnh bằng Đông y cần đến những cơ sở có giấy phép hành nghề, không nên chỉ “nghe đồn” mà đến các cơ sở “chui” kẻo tiền mất tật mang”.
Với cách điều trị Tây y, theo tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, bệnh nhân sẽ được bó bột nếu gãy xương kín. Những bệnh nhân gãy xương hở, rách cơ, da ở phía ngoài, bác sĩ sẽ vệ sinh vùng bị thương, có thể sẽ mổ để sắp sếp lại xương rồi mới bó bột. Trường hợp gãy các xương lớn, ở vị trí nhiều búi cơ, có khả năng bị co kéo nhiều như đùi, cánh tay thì phải đóng đinh để cố định thêm bên trong, giúp giữ chắc vị trí xương.