Bất hạnh nối dài với người phụ nữ một mình chăm chồng sống thực vật, bố chồng thương binh cùng đàn con thơ dại

Nhã Hoàng,
Chia sẻ

10 năm sau ly hôn, chị Nhung "đi bước nữa" với người đàn ông kém tuổi. Nhưng vừa được 4 năm thì chồng bị tai nạn hiện phải sống thực vật. Bố chồng thương binh lại bị tai biến, 2 đứa con nhỏ. Một mình chị gánh nặng 2 vai.

Rạng sáng, khi mọi người còn chìm đắm trong giấc ngủ thì chị Lê Thị Nhung (42 tuổi, trú thôn Xuân Lạn, xã Hương Mai, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã chong chiếc đèn pin lờ mờ trên đầu ra vườn hái rau, chia thành từng bó nhỏ để mang ra chợ bán. Hái xong 20 bó rau khoai lang, rau muống cũng là lúc trời vừa sáng, chị lại vào bếp loay hoay chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình.

Bất hạnh nối dài với người phụ nữ một mình chăm chồng sống thực vật, bố chồng thương binh cùng đàn con thơ dại- Ảnh 1.

Chị Nhung chăm chồng thực vật và bố chồng thương binh nặng.

Nghe tiếng thở khó nhọc của anh Ngô Văn Nam (41 tuổi, chồng chị Nhung), biết chồng đã thức giấc, chị Nhung lau vội đôi tay vào vạt áo rồi dồn hết lực, cùng mẹ chồng bế chồng từ giường lên chiếc xe lăn đặt sẵn bên cạnh. Vệ sinh cá nhân xong cho chồng, chị lấy chiếc xi- lanh đựng đầy cháo đã xay nhuyễn bơm qua ống thông thực quản cho ăn.

Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày gặp tai nạn, từ một người đàn ông khỏe mạnh, là chỗ dựa cho cả gia đình, anh Nam phải sống đời sống thực vật, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người vợ.

Bất hạnh nối dài với người phụ nữ một mình chăm chồng sống thực vật, bố chồng thương binh cùng đàn con thơ dại- Ảnh 2.

Trên đường từ Hà Nội về nhà, anh Nam bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não.

Lo cho chồng xong, chị Nhung lại quay sang chuẩn bị bữa sáng cho người bố chồng, 2 đứa con nhỏ rồi vội vàng mang rau ra chợ bán.

Rồi cũng như những bữa sáng bình thường khác, chị quên bữa ăn sáng cho mình, quên thay cả chiếc áo lao động đang mặc trên người còn ướt đẫm mồ hôi. Loay hoay với những công việc không tên cùng bao nỗi lo toan khiến người phụ nữ này già hơn nhiều so với tuổi, khô gầy, lam lũ.

"Tôi từng ly hôn và có một con trai riêng năm nay đã 18 tuổi, hiện đang sống cùng bà ngoại ở Nghệ An. Mãi 10 năm sau, tôi "đi bước nữa" với anh Nam, những tưởng sẽ tìm được chỗ dựa cho cuộc đời mình. Nhưng rồi biến cố liên tiếp ập đến, bố chồng tai biến, chồng tai nạn, một nách 2 đứa con thơ, tôi không biết xoay xở thế nào", chị Nhung thở dài.

Bất hạnh nối dài với người phụ nữ một mình chăm chồng sống thực vật, bố chồng thương binh cùng đàn con thơ dại- Ảnh 3.

Mọi sinh hoạt cá nhân của anh Nam phụ thuộc hoàn toàn vào người vợ.

19 năm trước, chị Nhung kết hôn với một người đàn ông cùng làng. Thế nhưng, cuộc hôn nhân chóng vánh, chỉ vỏn vẹn 1 năm thì 2 người chia tay.

"Sinh con trai đầu lòng vừa được 1 tháng, tôi quyết định ôm con về nhà ngoại sống vì vợ chồng không hợp nhau. Khi con 1 tuổi thì chúng tôi ly hôn. Từ đó, hai mẹ con tôi sống nhờ nhà ngoại, làm thuê làm mướn khắp nơi để có tiền lo cho con.

8 năm trước, tôi gặp anh Nam (người chồng hiện tại) khi cả hai đang làm công nhân ở Bắc Giang. Tôi quyết định tái hôn, hy vọng sẽ có một mái ấm gia đình bình dị như bao người phụ nữ khác. 2 đứa con (1 gái, 1 trai) lần lượt chào đời. Nhưng rồi chưa kịp hạnh phúc thì sóng gió kéo đến", chị Nhung kể lại.

Bất hạnh nối dài với người phụ nữ một mình chăm chồng sống thực vật, bố chồng thương binh cùng đàn con thơ dại- Ảnh 4.

Ông Chăm là thương binh hạng 3/4, 7 năm trước bị tai biến nên đi lại khó khăn, sức khỏe suy yếu

Chị Nhung kết hôn được 1 năm thì bố chồng chị là ông Ngô Văn Chăm (70 tuổi) bị tai biến. Ông Chăm từng có thời gian vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam, thuộc đơn vị 119/429, đoàn 27. Tháng 12/1981 ông Chăm xuất ngũ trở về quê hương, mang thương tật của chiến tranh, là thương binh hạng ¾, mất sức lao động. Sau khi bị tai biến nhẹ, sức khỏe của ông ngày càng yếu, đi lại, đứng lên ngồi xuống khó khăn, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.

Bất hạnh nối dài với người phụ nữ một mình chăm chồng sống thực vật, bố chồng thương binh cùng đàn con thơ dại- Ảnh 5.

Căn nhà cấp 4 của gia đình chị Nhung.

Chị Nhung vừa lo cho 2 đứa con nhỏ, mẹ chồng già yếu, bố chồng bệnh tật nên không thể làm gì kiếm thu nhập ngoài mấy sào ruộng. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào một mình anh Nam. Không có việc làm ổn định, anh Nam phải lên Hà Nội làm thuê cho một xưởng cơ khí, thi thoảng nhà có công việc quan trọng, anh lại chạy xe máy về quê.

"Tối ngày 18/1/2021, anh Nam điện thoại nói đang chạy xe máy từ Hà Nội về nhà nhưng tôi đợi mãi vẫn không thấy đâu. Điện thoại vào số máy của chồng thì nghe tiếng người lạ cho biết anh ấy bị tai nạn với một chiếc xe bán tải, chấn thương sọ não nặng, đã được đưa đến viện cấp cứu. 

Sau nhiều tháng ròng chạy chữa, không còn hy vọng, gia đình bất lực đưa anh về sống đời sống thực vật", chị Nhung kể.

Bất hạnh nối dài với người phụ nữ một mình chăm chồng sống thực vật, bố chồng thương binh cùng đàn con thơ dại- Ảnh 6.

Gia đình chị Nhung nhiều năm liền là hộ khó khăn trong xã.

Ngày anh Nam gặp nạn, 2 đứa con là Ngô Phạm Quỳnh Anh mới lên 3 tuổi, bé Ngô Phạm Thế Học hơn 1 tuổi. Chị Nhung trở thành chỗ dựa duy nhất cho cả gia đình. Hàng ngày, ngoài loay hoay chăm sóc chồng con, chị lại tranh thủ sớm hôm để trồng thêm luống rau, nuôi con gà, con vịt mang ra chợ bán, kiếm tiền trang trải thức ăn cho cả gia đình.

Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày chồng gặp nạn, giờ đây, bé Quỳnh Anh chuẩn bị lên lớp 2, bé Học sắp sửa vào lớp 1. Chị Nhung lại gánh thêm nỗi lo tiền sách vở, học hành cho con. Nợ nần bao năm dồn lại, chị lo không có khả năng lo cho con học hành.

Bất hạnh nối dài với người phụ nữ một mình chăm chồng sống thực vật, bố chồng thương binh cùng đàn con thơ dại- Ảnh 7.

Khó khăn chồng chất, gánh nặng nợ nần, chị Nhung lo không có tiền thuốc thang cho chồng và bố chồng, lo học hành cho 2 đứa con.

"Biết hoàn cảnh, ai cũng thương. Ngày nào có rau mang ra chợ bán, người dân cũng mua ủng hộ để được về sớm chăm chồng, lo cho con. Hôm nào may mắn có rau bán cũng kiếm được khoảng 30.000 đến 40.000 đồng, mua thức ăn qua ngày. Bố mẹ chồng già yếu, ốm đau, chồng tàn tật, 2 đứa con còn quá nhỏ, tôi muốn đi làm thuê kiếm tiền cũng đành chịu.

Tiền thuốc thang hàng tháng, bỉm sữa cho chồng đều phải vay mượn. Nợ nần nhiều năm dồn lại cũng gần 200 triệu đồng rồi. Giờ chỉ mong có sức khỏe để lo cho cả gia đình và 2 đứa con không phải bỏ học", chị Nhung chia sẻ trong nước mắt.

Ông Ngô Văn Lộc - Trưởng thôn Xuân Lạn, xã Hương Mai chia sẻ, tai họa ập đến, bệnh tật bủa vây dồn gia đình chị Nhung vào cảnh vô cùng khó khăn. Một mình chị vừa chăm bố chồng thương binh, chồng sống thực vật, một nách 2 đứa con nhỏ nên không thể làm gì kiếm thu nhập. 2 bên nội ngoại đều khó khăn nên không thể phụ giúp được gì nhiều.

"Thấu hiểu hoàn cảnh, địa phương, bà con lối xóm cũng chung tay ủng hộ, giúp đỡ nhưng chỉ được phần nhỏ. Tiền thuốc thang cho ông Chăm, anh Nam cũng như học hành của 2 cháu nhỏ đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm", ông Lộc chia sẻ.

Mọi giúp đỡ cho gia đình chị Nhung xin gửi về địa chỉ: Lê Thị Nhung, thôn Xuân Lạn, xã Hương Mai, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Hoặc qua STK của chị Nhung: 108001546546, ngân hàng Vietinbank. Chủ TK: Lê Thị Nhung. ĐT: 0338165265.


Chia sẻ