Bật cười với bản ‘Biên bản thỏa thuận’ của cậu bé 10 tuổi với bố
Theo bản hợp đồng, mỗi việc quét nhà, lau nhà, thu quần áo, dọn bàn học… cậu bé sẽ được nhận 5.000 đồng/việc, nhận tiền vào cuối tuần.
Kỳ nghỉ hè đã đến, rất nhiều gia đình đang phải đau đầu suy tính những biện pháp, cách thức để có thể quản lý và dạy dỗ con em mình khi trẻ không phải đến trường. Nhiều ông bố mà mẹ đã lập cho con một bản thời gian biểu phù hợp với độ tuổi của trẻ, đăng ký những khóa học hè, tìm mọi cách để các bé có thể tự làm được công việc cá nhân và giúp đỡ bố mẹ.
Để làm được điều đó, các ông bố bà mẹ thường đặt ra cho con cái những điều kiện và yêu cầu con cái phải ký bản cam kết thực hiện.
Mới đây, sự xuất hiện của một bản thỏa thuận thỏa thuận của một cậu học sinh với bố về những công việc phải làm trong hè đã thu hút được sự chú ý và quan tâm của nhiều người.
Không phải là một bản cam kết thông thường, đây là một bản thỏa thuận thỏa thuận có sự bàn bạc và suy tính của một cậu nhóc 10 tuổi với bố mẹ. Theo đó, đó là biên bản thỏa thuận với đại diện bên A là người bố, đại diện bên B là người con, và người con phải tuân thủ những điều kiện để có thể đạt được một giá trị nào đó.
Bản thỏa thuận đáng yêu của cậu nhóc 10 tuổi
Những điều kiện hết sức đáng yêu được cậu bé ghi trong bản thỏa thuận như sau:
'Điều 1: Bên B cung cấp dịch vụ cho bên A gồm có:
- Quét nhà, lau nhà, thu quần áo, gấp quần áo, phơi quần áo, gập chăn màn, dọn bàn học, đổ rác với đơn giá là 5.000 đồng một việc.
- Các công việc thực hiện miễn phí và bắt buộc phải làm là: đánh răng, rửa mặt, tắm gội, ôn bài cũ, chuẩn bị bài mới, đọc sách, học tiếng anh đúng giờ, dọn bát đũa trước khi ăn, thu dọn đồ chơi cá nhân, trông em.
Điều 2: Các nguyên tắc chung:
- Chỉ nhận tiền khi đạt yêu cầu 100%
- Ghi chép công việc vào sổ cuối mỗi ngày và tính tiền
- Nhận tiền vào cuối tuần
- Vi phạm thì trừ tiền, đưa vào quỹ từ thiện để giúp đỡ người khó khăn
- Số tiền nhận được, Bên B sẽ bỏ lợn, một tháng mổ một lần
- Bên B cam kết sử dụng số tiền tiết kiệm được vào việc có ích và được sự đồng ý của bố mẹ'.
Bản thỏa thuận này đã khiến nhiều bậc phụ huynh và các bạn trẻ thích thú và dành nhiêu lời khen cho cậu bé cũng như biện pháp giáo dục của bố mẹ bé.
Bé Bùi Hữu Nam - chủ nhân của bản thỏa thuận đáng yêu
Chị Trần Trang (Hà Nội) bình luận: 'Mình thấy cách giáo dục này khá là ổn. Trẻ con nước ngoài cũng được giáo dục như thế này. Nó xây dựng cho trẻ tư duy làm việc không phải là vì tiền mà là vì trách nhiệm, có công thì có thưởng, có thưởng thì có phạt'.
'Đây là 1 cách dạy con khá hay và thú vị. Vừa giúp con cách tự lập, làm việc chu đáo, vừa giúp con tăng khả năng tính toán. Mục đích cuối cùng của việc 'kiếm tiền' từ túi bố cũng khá thuyết phục, làm từ thiện hoặc dùng vào các việc có ích.' - chị Hà Vân Anh (Hà Nội) bình luận.
Liên hệ với anh Bùi Tất Thắng - 'đại diện bên A' trong bản thỏa thuận, anh Thắng cho biết đây là thỏa thuận giữa vợ chồng anh và cậu con trai 10 tuổi Bùi Hữu Nam (vừa học hết lớp 3 trường tiểu học Nghĩa Tân, Hà Nội).
Nguồn gốc của bản thỏa thuận này bắt nguồn từ việc Hữu Nam đòi hỏi cha mẹ một món đồ chơi đắt tiền. Sau khi tìm hiểu, anh Thắng đã nói với con rằng với tình hình tài chính hiện tại, anh chị không thể mua cho bé được.
Để có thể có được nó, cậu bé phải tự kiếm tiền bằng cách 'làm thuê' cho bố mẹ hoặc tự kinh doanh (tự làm ra một cái gì đó rồi đem bán..). Và Hữu Nam đã chọn phương án 1, 'làm thuê' cho bố mẹ.
Bên cạnh đó, anh Thắng cũng cho biết thêm rằng: 'Xuất phát từ mong muốn của tôi và bà xã là thúc đẩy cho con sớm nhận thức được giá trị của lao động, biết quý trọng đồng tiền mà bố mẹ vất vả kiếm được và quan trọng nhất là biết cách chi tiêu những đồng tiền đó như thế nào để mang về những lợi ích nhiều nhất.'
Sau khi Nam chọn phương án 1, anh Thắng cùng vợ đặt ra những nguyên tắc, điều kiện, cùng con bàn bạc để thống nhất 'tư tưởng' với con. Nam tự tay viết biên bản thỏa thuận khi đã đồng ý.
'Đại diện bên A' chia sẻ: 'Trước đây, bé nhà mình không thường xuyên làm việc nhà và nếu có chăng cũng chỉ làm theo cảm hứng, hoặc chỉ làm khi có sự thúc giục từ những người xung quanh (bố, mẹ, ông, bà…) Tuy nhiên, dạo gần đây, con bắt đầu biết quan sát và giúp đỡ bà, mẹ trong một số việc một cách chủ động và có trách nhiệm hơn với công việc của mình.'
Đây cũng chính là động lực để anh Thắng cùng mẹ của bé Nam đã nghĩ ra phương thức này để giáo dục con. Với phương pháp này, anh Thắng kỳ vọng con mình sẽ hiểu ra vấn đề và không đòi mua món đồ chơi đắt tiền kia nữa.
Bố con anh Bùi Tất Thắng chụp ảnh lưu niệm trong chuyến du lịch
Thực chất, điều này có thể không mới, xong đối với nhiều gia đình thì nó vẫn là một trong những biện pháp tối ưu nhất để có thể rèn giũa trẻ theo những nguyên tắc nhất định. Chị Trần Trang cũng đã từng đặt ra cho con mình một điều kiện nếu muốn nhận được một món quà nào đó:
'Khi thi hết năm học, nếu con đạt giỏi xuất sắc thì con muốn gì cũng được. Tuy nhiên, con chỉ được giỏi thôi, nên con phải chấp nhận một món quà trong khuôn phép. Bản thân con biết điều đó, cũng buồn nhưng cũng chấp nhận và hứa sẽ cố gắng hơn trong năm học tới.'
Tỏ ra khá thích thú với phương pháp này, bạn Hà Phương (22t, Hà Nội) cũng chia sẻ: 'Bản thỏa thuận này quá đáng yêu, qua đó có thể thấy được bố mẹ bé đã có biện pháp giáo dục con cái rất tốt. Sau này mình có gia đình, mình cũng sẽ áp dụng biện pháp này để dạy bảo con!'.