Bánh Trung thu: Văn hóa ẩm thực và sự biến dạng
Hộp bánh không phải làm bằng các nguyên liệu bột, đường, trứng thông thường, mà làm bằng vàng và bạc.
Bánh không chỉ để ăn
Cứ đến mùa Trung thu là chị Ngọc Hà, cán bộ công đoàn 1 công ty ở Hà Nội lại lo méo mặt vì bánh trung thu. Chả là tiêu chuẩn công ty, mỗi cán bộ nhân viên được tặng 1 hộp bánh trung thu, trước là 100.000đ/hộp, nay giá cả đắt đỏ, công ty khoán 130.000đ/hộp, mua đâu thì mua, làm gì thì làm, cứ có bánh và hóa đơn mang về là được.
“Chả có loại thực phẩm nào đắt như bánh trung thu, Cái bánh nướng bánh dẻo 150-250gr có quả trứng muối, chút đậu xanh, hạt sen là mất 40-50.000đ như bỡn. Cơ quan tôi có năm phải phát tiền cho anh em tự mua, vì tiền tiêu chuẩn chả đủ mua bánh”, chị Hà than thở.
Khảo sát bảng giá một số loại bánh trung thu trên thị trường cho thấy giá bánh đến tay người tiêu dùng năm nay đã nhỉnh hơn năm trước 15-30%. Trung bình 1 bánh trung thu Kinh Đô giá 35-55.000đ/cái, bánh Hữu Nghị 33-54.000đ/cái, Bibica giá 33-185.000đ/cái. Tuy nhiên, với những loại bánh đặc biệt như nấm đông cô xốt rượu rum, vi cá Jambon 4 trứng... giá có thể lên đến gần 300.000đ/chiếc bánh! Bằng tiền lương nửa tuần làm việc của một cán bộ tốt nghiệp đại học.
Trước đây, người Hà Nội chỉ thích bánh trung thu hương vị truyền thống, có mỡ muối thái hạt lựu, hạt dưa, mứt bí, lá chanh thái nhỏ. Giờ đây, bánh trung thu có nhân như cả... một dàn nhạc giao hưởng bên trong như trứng muối, đậu xanh, đậu đỏ, vi cá, nấm, rượu, jambon, hạt sen, lạp xưởng, trà xanh, thậm chí cả đông trùng hạ thảo, bào ngư, nhân sâm... đã phổ biến, một phần do văn hoá quà biếu ngay trong mùa trung thu. Chị bạn tôi là vợ một quan chức cỡ nhỏ mà có mùa trung thu nhận được tới 30 hộp bánh biếu. Ăn làm sao hết, chị lại phải đi biếu, mặc dù chị biết giá mỗi hộp bánh không hề rẻ.
Sự biến dạng văn hóa
Quê hương của bánh Trung thu, Trung Quốc, một hộp bánh Trung thu loại sang gồm 8 chiếc bánh nhỏ thời điểm năm 2010 được bán với giá 200 tệ (khoảng 700 ngàn VNĐ), không hề rẻ so với mức thu nhập của người Trung Quốc. Rất nhiều người tiêu dùng tuy không thích ăn, nhưng vẫn mua bánh để biếu, để tặng, khiến một số lượng lớn bánh để quá hạn, biến chất, phải bỏ đi, thật lãng phí.
Các quan tham Trung Quốc có một đặc điểm là luôn tỏ ra “cao nhã”, như thích thi ca, yêu hội bọa. Có một loại bánh Trung thu với tên gọi “Cây đàn của Mozart” được làm để thỏa mãn thú chơi của họ.
Chiếc bánh bằng bạc ròng mang tên “Hoa hảo nguyệt viên” nặng 1 kg, trên khảm 56 viên đá quý tượng trưng 56 dân tộc, có giá 6.900 tệ
Hộp bánh cực phẩm có tên “Thuần kim chí tôn Trung Hoa viên nguyệt”, gồm 4 loại giá 38.888 tệ, 66.666 tệ, 88.888 tệ và 99.999 tệ, được làm từ câc nguyên liệu quý như bào ngư, tổ yến, sợi vàng. Mỗi hộp bánh có 8 chiếc, 1 chiếc mạ vàng 24k, 7 chiếc để ăn. Riêng hộp loại giá 99.999 còn tặng kèm dây chuyền bạch kim.
Bánh bằng ngọc. Đó là hộp bánh với những chiếc bánh được chế tác tinh xảo từ ngọc Phỉ thúy. Giá trị của những viên ngọc này thì khỏi phải bàn, nhưng cả người biếu lẫn kẻ nhận đều hài lòng vì đó chỉ là biếu nhau hộp bánh thôi mà, có gì to tát đâu!?
Hộp bánh giá 3 vạn tệ (khoảng 100 triệu VNĐ). Đó là hộp bánh không phải làm bằng các nguyên liệu bột, đường, trứng… thông thường, mà làm bằng… vàng và bạc. Tất nhiên thứ bánh này không ăn được, nhưng các quan tham lại rất thích.